Những biệt thự vô thừa nhận của công ty Thép Miền Nam

Bạn đọcChủ Nhật, 20/04/2014 08:00:00 +07:00

Quá trình thực hiện dự án khu nhà ở CB-CNV Công ty Thép Miền Nam phát sinh rất nhiều sai phạm nhưng không cơ quan chức năng nào kiểm tra, ngăn chặn.

Quá trình thực hiện dự án khu nhà ở CB-CNV Công ty Thép Miền Nam phát sinh rất nhiều sai phạm nhưng không cơ quan chức năng nào kiểm tra, ngăn chặn. Hơn 10 năm nay, chẳng hộ dân nào có mảnh giấy chủ quyền lận lưng.

Năm 2000, Thủ tướng Chính phủ quyết định giao Công ty Thép Miền Nam 2 khu đất để thực hiện dự án nhà ở cho CB-CNV. Trong đó, khu 1 có diện tích hơn 17.500 m2, gồm 45 nền biệt thự thấp tầng (3 tầng), đường giao thông và công viên cây xanh tại phường Thảo Điền, quận 2, TP HCM.

Tự đổi quy hoạch

Ông Triệu Bá Hùng, một hộ dân trong dự án, cho biết hơn 10 năm nay, ông phải tự thuê người nâng nền, thông cống vì chủ đầu tư đã thay đổi nên không ai chịu trách nhiệm bảo dưỡng hạ tầng.

“Tôi xin cấp chủ quyền nhà thì quận “đuổi” về chủ đầu tư, tới chủ đầu tư thì họ lại “đuổi” lên quận. Tôi như người ở trọ trong chính căn nhà của mình. Tôi già rồi, chẳng biết đến khi nhắm mắt xuôi tay có thấy được tờ giấy chứng nhận chủ quyền nhà ở hay không?” - ông Hùng mệt mỏi.

Người dân trong dự án đã tự ý ghép 3 nền biệt thự, xây lố tầng để xây dựng thành chung cư mini cho thuê. 

Theo ông Nguyễn Phước Hưng, Phó Chủ tịch UBND quận 2, việc xây dựng trong dự án này có rất nhiều vi phạm nên không thể cấp giấy chứng nhận cho các hộ dân. Cụ thể, 40 nền đã xây dựng công trình, trong đó 20 nền xây từ 3 tầng trở xuống nhưng lại vi phạm về khoảng lùi trước sau - hai bên, mật độ xây dựng, lấn lộ giới. Thậm chí, 2 hộ còn xây trên phần đất do nhà nước quản lý để mở rộng giao thông khu vực. Số còn lại xây lố 1-2 tầng.

Nghiêm trọng nhất là tình trạng người dân tự hợp khối các thửa đất, chuyển đổi công năng và xây dựng thành nhà cao tầng, căn hộ chung cư cho thuê… Chưa hết, theo quy hoạch chi tiết 1/500, dự án có công viên cây xanh diện tích khoảng 1.100 m2 nhưng chủ đầu tư mới chỉ đền bù được 36%.

Phần đất chưa bồi thường được, người dân đã xây dựng đường giao thông và 4 biệt thự cho thuê. Ngoài ra, đất xây dựng đường cũng chưa đền bù được nên giao thông nội bộ dự án không thể kết nối với giao thông trong khu vực.


Như vậy, từ quy hoạch biệt thự thấp tầng, người dân trong dự án đã tự đổi thành nhà liên kế, khu nhà ở cao tầng… Có điều, quá trình hình thành đầy vi phạm của các tòa nhà nguy nga này không hề có bất kỳ sự kiểm tra, ngăn chặn nào từ các cơ quan chức năng. Ông Nguyễn Phước Hưng cho rằng việc kiểm tra dự án thuộc trách nhiệm, thẩm quyển của chủ đầu tư và Sở Xây dựng TP HCM.

Chủ đầu tư: Còn “vỏ”, đổi “ruột”

Theo lãnh đạo Phòng Quản lý đô thị quận 2, dù Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP HCM đã hướng dẫn việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch cục bộ thuộc thẩm quyền quận nhưng những sai phạm của dự án quá nghiêm trọng, không còn là biệt thự thấp tầng như quy hoạch mà đã thành một dạng khác, vượt ra ngoài thẩm quyền xử lý của địa phương. Vì thế, chủ đầu tư phải lập hồ sơ xin điều chỉnh quy hoạch và Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP HCM phải có văn bản hướng dẫn quận 2 điều chỉnh.

Dẫu vậy, chủ đầu tư hiện nay chỉ còn “vỏ”, “ruột” đã đổi: Công ty Thép Miền Nam trước kia chuyển về Tổng Công ty Thép Việt Nam do tái cấu trúc ngành, Công ty Thép Miền Nam hiện tại được hình thành từ Nhà máy Thép Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), vì thế tư cách pháp nhân cũng thay đổi. Vả lại, đây vốn không phải là dự án kinh doanh của Công ty Thép Miền Nam. Toàn bộ chi phí bồi thường và đầu tư hạ tầng do CB-CNV đóng góp dưới sự huy động của Công đoàn công ty.

Do vậy, Công ty Thép Miền Nam hiện tại không mặn mà với việc đứng ra giải quyết “hậu quả”. Bằng chứng là mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM đã mời Công ty Thép Miền Nam lên làm việc để tháo gỡ vướng mắc, cấp giấy chứng nhận nhà cho người dân trong dự án nhưng công ty không tham gia.
Phải giải quyết 2 vấn đề

Theo lãnh đạo UBND quận 2, các hộ dân trong dự án muốn được cấp giấy chứng nhận nhà ở thì phải giải quyết 2 vấn đề. Thứ nhất, do chủ đầu tư không hợp tác nên người dân phải đứng ra thuê tư vấn và xin điều chỉnh quy hoạch cục bộ. Trên cơ sở đó, cơ quan chức năng sẽ xem xét sự phù hợp quy hoạch của từng công trình để có hướng xử lý cụ thể.
Thứ hai, người dân phải đóng góp kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng phần đất còn lại để xây dựng công viên - khoảng 770 m2. Chủ nhân phần đất này cho biết chỉ chấp nhận đổi phần đất còn lại bằng 660 m2 đất nền hoặc 300-350 m2 đất nền và 3 tỉ đồng.

Theo NLĐ

Bình luận
vtcnews.vn