Mũ bảo hiểm 'dỏm' tràn lan: Vì sao không xử lý được?

Bạn đọcThứ Hai, 15/09/2014 11:50:00 +07:00

(VTC News) – Dù cơ quan chức năng đã kiên quyết xử lý nhưng mũ bảo hiểm (MBH) ‘dỏm’ vẫn tràn lan trên thị trường TP.HCM.

(VTC News) – Dù cơ quan chức năng đã kiên quyết xử lý nhưng mũ bảo hiểm (MBH) ‘dỏm’ vẫn tràn lan trên thị trường TP.HCM.

MBH 'dỏm' sống khỏe

Gần 5 tháng trôi qua kể từ khi Ủy ban ATGT Quốc gia có kế hoạch số: 69/KH-UBATGTQG về tổ chức chiến dịch tuyên truyền và triển khai đợt cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm về sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ không phải MBH cho người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy.

 MBH 'dỏm' bày bán tràn lan trên phố Sài Gòn

Trong đó, công văn nhấn mạnh việc công khai thông tin cơ sở sản xuất, kinh doanh MBH kém chất lượng trên để người mua biết rõ.

Tuy nhiên, đến nay, nhiều địa phương trên cả nước vẫn chưa thực sự mặn mà với việc công khai này, khiến cho thị trường MBH kém chất lượng “sống” rất khỏe.

Tại TP.HCM, tình trạng sản xuất kinh doanh MBH kém chất lượng, giả mạo, nhái... gần như bị buông lỏng. Cụ thể, khu vực Công viên Phú Lâm (quận 6) bày bán MBH kém chất lượng diễn ra công khai. 

Theo ghi nhận có hàng chục sạp hàng lưu động treo đủ loại MBH. Trong đó, các loại mũ không phải MBH gắn mác mũ dành cho người đi bộ, xe đạp được bán với giá 30.000 đến 80.000 đồng được người dân chọn lựa.

Thậm chí, các loại mũ không phải MBH (mũ thời trang, mũ thể thao...) được bày bán lẫn lộn với loại MBH hợp quy với giá dao động chỉ 30.000 đến 50.000 đồng.

Tại khu vực trung tâm thành phố như đường Nguyễn Trãi (quận 5) việc buôn bán MBH "dỏm" diễn ra một cách rầm rộ và công khai.

Chi cục quản lý thị trường TP.HCM thừa nhận, tình hình bày bán MBH giá rẻ, kém chất lượng vẫn còn trên vỉa hè vào buổi chiều tối, ngoài giờ hành chính. Việc sản xuất, kinh doanh MBH giả, kém chất lượng vẫn còn diễn biến phức tạp.

Giám sát từ khâu sản xuất

Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng tỉnh Vĩnh Long vừa công bố kết quả các đợt kiểm tra chất lượng MBH lưu thông trên thị trường từ đầu năm 2014 đến giữa tháng 8 vừa qua. Kết quả kiểm tra 23 cơ sở thì có đến 8 nơi vi phạm chất lượng, 1 cơ sở vi phạm về nhãn hàng hóa, với tổng số tiền xử phạt hơn 29 triệu đồng.

 Văn bản thống kê một số cơ sở vi phạm về chất lượng mũ bảo hiểm ở các tỉnh phía Nam

Cụ thể: Cửa hàng Phú Cường (64/7C, khóm 6, phường 4, TP Vĩnh Long) do mẫu vi phạm mang nhãn hiệu Nabico do Công ty TNHH MTV Nabico sản xuất (60/7 Trương Phước Phan, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, TP.HCM), cửa hàng điện thoại di động Phương Tâm (64/7C, khóm 6, phường 4, TP Vĩnh Long) với mẫu vi phạm là Napoli, kiểu N019 do cơ sở Sóng Hùng sản xuất (137/198 Trịnh Đình Trọng, phường Phú Trung, quận Tân Phú, TP.HCM) sản xuất.

Cửa hàng thời trang nón Xuân An (Hưng Thới, Thanh Đức Long Hồ) mẫu vi phạm là Nana, mã hàng No4 do cơ sở Trương Thị Nội sản xuất (283 đường Kênh Tân Hóa, Hòa Thạnh, Tân Phú) sản xuất, hộ kinh doanh Hồ Long Hải tại nhà lồng chợ Bách hóa tổng hợp Vĩnh Long (phường 1, TP Vĩnh Long), vi phạm mẫu GRS, kiểu A33K do Công ty TNHH MTV sản xuất, thương mại Hoàng Quán sản xuất (4A15 đường Thanh Niên, xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh – vi phạm nhãn hàng hóa) sản xuất.

Ngoài ra, còn mẫu vi phạm Asian do Công ty TNHH Kim Tú (183/36 đường 3/2, phường 11, quận 10) sản xuất, doanh nghiệp tư nhân Nguyễn Đạt 3 (169A Tân Xuân, Tân Ngãi, TP Vĩnh Long) do vi phạm trong việc bán mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy hiệu Yamaha AT Automatic, nón bảo hiểm H.Q (72 Nguyễn Huệ, phường 2, TP Vĩnh Long), vi phạm MBH Imode Helmest, mã hàng: 183F do Công ty TNHH Long Huei (23DT 743 KCN Sóng Thần 2, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương) sản xuất, mẫu vi phạm MBH GRS do Công ty TNHH Hoàng Quán (4A15 đường Thanh Niên, xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh) sản xuất.

Theo cơ quan chức năng, qua 2 đợt kiểm tra đột xuất còn phát hiện một số nơi khác vi phạm như: cơ sở Sóng Hùng; cơ sở Trương Thị Nội; Công ty Hoàng Quán và Công ty Tân Vạn Phước (đều có địa chỉ kinh doanh ở TP.HCM).

Khó hiểu là các công ty sản xuất nêu trên đều được kiểm nghiệm và chứng nhận hợp quy tại Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3. 

Ngoài ra, nhiều loại MBH trên thị trường có dấu hợp quy CR nhưng là giả mạo, sử dụng trái phép, các thông tin trên tem nhãn ghi rõ cơ sở sản xuất nhưng khi tìm đến chỉ là những địa chỉ  “ma”.

Việc kiểm tra chất lượng MBH được thực hiện rất kiên quyết, nhưng không hiểu sao mũ kém chất lượng vẫn tràn lan trên thị trường?

Rõ ràng, để giải quyết triệt để vấn đề đòi hỏi sự vào cuộc tích cực hơn nữa của các cơ quan chức năng, đặc biệt là trong giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm từ khâu sản xuất.
Trao đổi với PV VTC News, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia nêu rõ, việc công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng về doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, mua bán, kinh doanh MBH kém chất được xem là giải pháp quan trọng loại bỏ triệt để những sản phẩm này trên thị trường.

Tuấn Hưng
Bình luận
vtcnews.vn