Nỗi kinh hoàng mang tên 8/3

Bạn đọc viếtThứ Hai, 08/03/2010 01:12:00 +07:00

1001 nỗi đau khổ của anh em trong một ngày không thể không đến... Một phóng tác vui nhộn thú vị và một tràng cười sảng khoái ngày 8/3.

Mấy hôm nay hàng hoa lại la liệt khắp phố, hoa đôn giá bất chợt gấp năm sáu ngày thường mà chẳng cần có thông báo của Bộ tài chính như mỗi lần xăng tăng chỉ vài đồng. Đám con trai nhiều nhiều chỗ túm tụm, rỉ tai nhau về cái ngày gì đó, nghe vừa quen vừa lạ.

Chiều nay, bất giác thấy thông báo của cơ quan đưa nhau đi đâu đó xa xa, nội dung có đề cập “chị em là chính, anh em là phụ” và để trong cái ngoặc đơn như một sự nhấn mạnh bất thường mà không một câu hỏi “vì sao chúng ta bỗng chốc lép vế” từ phía những chàng trai đã phải hy sinh một dẻ xương sườn để tạo nên một nửa còn lại của thế giới?!

 

Thế giới hôm nay có bao ngày kỷ niệm, có ngày tiêm chủng mở rộng thì cũng có ngày phòng chống sida, có ngày tắt điện giờ thế giới thì cũng có ngày kế hoạch hoá gia đình… và nếu mới đây, chuyện cảm cúm bị tâng bốc thành đại dịch không bị phanh phui, biết đâu đã có ngày cảm cúm thế giới…, v.v. và v.v… Nhưng, chúng ta - những đấng mày râu kiêu hãnh - vẫn chẳng được đoái hoài mà ban bố cho một ngày của riêng mình.

 

Ngược lại, thế giới đặt lên vai chúng ta sự ban bố của tình trạng khẩn cấp. Đàn ông toàn thế giới bị khóa chặt bởi một tròng 8-3, riêng đàn ông nước ta, cổ hai tròng vì gánh thêm 20-10.

 

Đã có lúc cơn thèm khát dâng cao, người ta đem những phép tính vào tư duy để cố cộng cho được lấy một ngày kỷ niệm của Bố, nhưng rồi cái ngày 1-6 của con với cái ngày 8-3 của mẹ cho ra tổng số ngày 9 - 9. Thế là thế giới từ thuở nảo thuở nào cứ chấp nhận sự bất công, bất mãn và bất lực để rồi sinh ra bất bình đẳng giới.

 

Hôm qua, anh bạn gần nhà loay hoay thử váy đầm dạ hội, mặc áo cài cúc sau lưng, tổ dân phố xôn xao chuyện một chàng BD. Cũng hôm qua, cô vợ anh ta sính rằn ri đi giầy khủng bố, tổ dân phố trầm trồ tán ngợi: “Cô vợ ai sao mà cá tính”.

 

Lại có anh, nhớ lời các cụ dặn, đánh phái yếu là nhục, nhưng để phái yếu đánh thì còn nhục hơn, nên anh trót lỡ tay ra đòn, phường sở tại có giấy triệu tập để nhắc nhở, lúc ra về anh bị phán là đồ vũ phu. Chiều cùng ngày, anh lãnh đòn của vợ,  phường sở tại lại đánh giấy triệu tập, lúc ra về giật mình được hay, cô ta đánh anh chắc chắn để phòng vệ.

 

“Sao thế mày?” - tôi hỏi anh thì hay tin cái ngày gì sắp đến. “Tao khổ lắm mày ạ!”, nước mắt lưng tròng anh dựa vào tôi. Đôi môi bầm tím, anh lặng lẽ bước đi mà không quên nói với lại câu này: “Phận làm rể, cắn răng nhịn để yên bề gia thất”.

 

Sớm nay vừa la cà vô quán trà đá, một cô béo sai chồng châm điếu, một chị gầy thả nỗi ưu tư, tờ giấy mỏng ghi trăm ngàn việc lớn: Đi chợ, nấu cơm, rửa bát, quét nhà, pha trà, rót nước… “ký vào đây, anh có làm được không?”

 

Sao thế chú, thế anh? Chẳng nhẽ cũng chỉ bởi cái ngày gỉ ngày gì sắp đến?

 

Thế giới vẫn không ngừng sinh sôi nảy nở, tượng nhà mồ vẫn phồn thực với biểu tượng giống nòi, sao chúng ta khuyết danh? 8-3 là ngày gì mà khủng khiếp vậy?

 

Câu hỏi này vừa được tung ra, hàng ngàn vạn nỗi đời ập đến, tròn 1 thế kỷ ngập chìm trong đớn đau.

 

Là ngày bố con ông Trưởng họ mất suất đinh, xôi thịt không được lấy phần. Những cô gái H’Mông bên bếp lửa bàn nhau chuyện mùa xuân đi cướp chồng.

 

Là ngày “ứ ừ” thay cho mọi hiệu lệnh, đám mày râu chỉ còn biết răm rắp phục tùng. Hãng taxi Mai Linh thất thu vì quái xế đồng loạt tắt công tơ mét. Ngày chợ Mơ, chợ Nhà Xanh, chợ Ngã Tư Sở, chợ Đồng Xuân, xôn xao tiếng đàn ông ngả giá, có đám cãi nhau mà không có váy tung xoè.

 

Là ngày hồ Thành Công ngập anh em rộn ràng tập Erobic, bóng lục hồ những chàng trai lắc vòng, thắt đáy lưng ong cứ sờ tìm vòng 1.

 

Là ngày sếp tôi giật mình với tiếng xe máy nổ, tiếng bản lề cửa ngõ nghiến kêu, hợp thành thanh âm của hiệu lệnh, tựa phát súng xuất phát, sếp thi đấu điền kinh trong nhà nội dung chạy ngắn 30m, vừa chạm đích đã hô vang: “Mệt không mình, để anh dắt xe cho”.

 

Là ngày em trai tôi mồ hôi nhễ nhại, tằng tằng dốc thoải cầu Thăng Long, bất chấp có lệnh cấm. Phía sau xe có tiếng nỉ non véo vọng: “Giá ngày nào cũng là ngày này, tuyệt cú mèo, quay đều, quay đều… đổ gục những vòng xe”  

 

Là ngày ông nội tôi hỏi người đã trăm năm: “Hôm nay bà muốn gì?”. Bà ngập ngừng quệt trầu ngang miệng: “Tôi muốn được trở lại ngày xưa, lúc ông còn cưa cẩm”. Chiều bảng lảng, cánh cửa nhà đâm phập một con dao, găm theo một mẩu giấy nhỏ: “Hẹn bà nơi ngày đầu chúng mình gặp gỡ”.

 

Tối chạng vạng, tay ôm hoa ông háo hức đợi chờ. 1 giờ, 2 giờ và nhiều giờ hơn nữa cứ trôi qua, bóng bà muôn trùng khuất. Trở về nhà trong nỗi buồn và tức uất, đạp cửa xông vào ông quát giọng thật cao: “Tôi hẹn bà sao bà không đến?”. Bà run run nhìn ông trìu mến: “Xin lỗi, mẹ em không cho đi”…

 

Đó chỉ là ít trong hàng triệu nỗi khổ của một nửa nhân loại. Lại một lần nữa, cái ngày khủng khiếp ấy đã tới. Không thể thoát được nó, không thể hoãn được nó, càng không thể chạy trốn nó. Vậy thì hãy đứng sát vào nhau, hãy nắm chặt tay và đối diện với nó một cách anh hùng.

 

Hỡi các anh em....

 

(Từ đã, hình như người yêu tao đang đến?!)

 

Vậy thì hỡi các anh em… Chạy thôi!!!

 

HÀ THÀNH

Bình luận
vtcnews.vn