Bán đảo Cà Mau lún nhanh nhất Đồng bằng sông Cửu Long

Thời sựThứ Sáu, 22/11/2019 19:35:00 +07:00

Bán đảo Cà Mau là nơi có tốc độ sụt lún nhanh nhất Đồng bằng sông Cửu Long, còn quận Bình Tân (TP.HCM) có nơi đã sụt lún tới 81cm trong 10 năm qua.

Đồng bằng sông Cửu Long lún 2cm/năm

Tình hình sụt lún đất ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và TP.HCM đang diễn ra nhanh hơn dự kiến là nội dung trọng tâm được các chuyên gia và nhà quản lý tập trung thảo luận trong Hội thảo sụt lún đất ở ĐBSCL ngày 22/11 tại Cần Thơ. 

Hội thảo nằm trong khuôn khổ chương trình thoát nước và chống ngập đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu do Chính phủ Đức và Chính phủ Thụy Sĩ tài trợ, Bộ Xây dựng phối hợp Tổ chức Hợp tác và Phát triển Đức (GIZ) tổ chức.

Anh-sut-lun

PGS.TS Mai Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng, bày tỏ lo lắng về tình hình sụt lún tại ĐBSCL. 

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Mai Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng cho biết, ĐBSCL đã và đang phải đối mặt với nhiều thách thức bởi đây là nơi rất mẫn cảm với những thay đổi của tự nhiên.

Bên cạnh tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng thì tình trạng sụt lún đất đang xuất hiện ở nhiều nơi của khu vực này đã và sẽ mang đến nhiều hệ lụy”, bà Hương nói.

Ông Olaf Neusser thuộc Tổ chức GIZ thông tin ĐBSCL là nơi có tuổi địa chất còn rất trẻ, chỉ khoảng 6.000 năm và sụt lún đất đã xuất hiện trong suốt quá trình hình thành nên đồng bằng và mức độ sụt lún đó đã được bù lại từ nguồn phù sa, trầm tích do các cơn lũ mang lại hàng năm.

Tuy nhiên, chuyên gia nhận định ĐBSCL đang sụt lún ở mức độ nhanh hơn so với mực nước biển dâng. Các số liệu do vệ tinh thu thập được từ cuối năm 2014 đến đầu năm 2019 đã vẽ nên một bức tranh khá khắc nghiệt về các khu vực đang bị sụt lún, với tốc độ không hề giảm.

Anh-sut-lun 1

 ĐBSCL đang sụt lún với tốc độ đáng lo ngại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân.

Ở các đô thị như TP Cần Thơ, nền đất sụt lún ở hầu hết mọi khu vực, dao động từ 2-4cm/năm và sẽ còn tiếp diễn. Với khu vực nông thôn, vệ tinh phát hiện sụt lún ở mức 1cm/năm. Số liệu này được nhóm nghiên cứu thu thập dữ liệu vệ tinh trên toàn bộ vùng ĐBSCL với 750.000 điểm.

Dẫn hình ảnh về một trường đại học ở tỉnh An Giang và những nhà dân xung quanh, ông Olaf nói dù là công trình lớn nhưng ngôi trường lại bị lún ít hơn nhà dân. Theo ông, những tòa nhà có phần móng chắc và sâu thì sẽ sụt lún chậm hơn so với những những tòa nhà nhỏ có móng cạn. Còn ở toàn bộ khu vực đồng bằng thì phần bán đảo Cà Mau đang bị sụt lún nhiều hơn những nơi khác.

PGS.TS Nguyễn Hiếu Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ, dẫn kết quả nghiên cứu cho thấy độ lún trung bình ở khu vực ĐBSCL khoảng 2 cm/năm, nơi có độ lún lớn nhất là bán đảo Cà Mau.

Anh-sut-lun 2 3

Chuyên gia nhận định ĐBSCL đang sụt lún ở mức độ nhanh hơn so với mực nước biển dâng.  

Ông Trung lý giải do tầng đất mặt dưới sâu của khu vực ĐBSCL chủ yếu là lớp cát trong khi đó nền đất thì 80% là đất yếu nên chỉ việc xây dựng nhà cửa, đường giao thông cũng đã xuất hiện lún. Cùng với đó, quá trình phát triển nông nghiệp, công nghiệp, mạch nước ngầm bị khai thác tràn lan là nguyên nhân chính của sụt lún. Khi nền đất bị dịch chuyển sẽ kéo theo việc sạt lở bờ sông, bờ biển.

Quận Bình Tân của TP.HCM lún 81cm thập kỷ qua

Ông Nguyễn Minh Khuyến, Phó cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết kết quả quan trắc từ 339 điểm tại TP.HCM và ĐBSCL cho thấy điểm lún nhiều nhất miền Nam hiện nay là khu vực phường An Lạc, quận Bình Tân, TP.HCM. Theo đó, tổng độ lún là 81 cm trong 10 năm.

Cụ thể, 306/339 điểm quan trắc lún 0,1-81cm; 33 điểm còn lại không lún, có điểm được nâng thêm. Các tỉnh An Giang, Long An có tổng độ lún nhỏ nhất.

Trong khi đó, trong số 33 điểm không lún, TP.HCM chiếm khá nhiều với 5 điểm, còn các tỉnh Đồng Tháp, Trà Vinh... chỉ có 1 điểm. Tuy nhiên, kết quả này không thể hiện tốc độ lún trong bình của TP.HCM và ĐBSCL 10 năm qua; đồng thời, vùng lún nhiều nhất không đồng nghĩa với khu vực khai thác nước ngầm lớn nhất.

Anh-sut-lun 3 4

Các chuyên gia đồng quan điểm rằng vấn đề sụt lún ở ĐBSCL cần được ưu tiên giải quyết hàng đầu. 

Các chuyên gia cho rằng khai thác nước ngầm là yếu tố chính góp phần gây sụt lún. Thống kê toàn vùng có khoảng 9.650 giếng khai thác nước ngầm tập trung quy mô trên 10 m3/ngày, với tổng lưu lượng khoảng 1,97 triệum3/ngày. Riêng TP.HCM có khoảng 1.920 giếng, với lưu lượng khai thác 520.000m3/ngày. Ngoài ra, còn khoảng trên 1 triệu giếng khai thác lẻ quy mô hộ gia đình, với lưu lượng khai thác khoảng 840.000m3/ngày.

Đa số đại biểu thống nhất dù ngừng khai thác nước ngầm hoàn toàn thì cũng không thể ngăn chặn được hiện tượng sụt lún. Tuy nhiên, nếu quản lý tốt việc lấy nước từ lòng đất thì tốc độ sụt lún nhờ đó có thể được giảm thiểu.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn