Uống trà giảm cân mua qua mạng, cô gái 19 tuổi suýt chết

Sức khỏeThứ Sáu, 25/01/2019 15:45:00 +07:00

Sau khi uống trà giảm cân có thành phần “hoa quả tự nhiên” mua trên Facebook, thiếu nữ thấy mệt mỏi, khát nước, sụt cân, người lả đi, phải nhập viện gấp.

TS.BS Nguyễn Trọng Hưng - Phó Trưởng khoa Dinh dưỡng và tiết chế lâm sàng, Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận trường hợp chị P.T.H. (19 tuổi, trú tại Hà Nam) nguy kịch do uống trà giảm cân không rõ nguồn gốc xuất xứ.

bac si hung

 Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Trọng Hưng. (Ảnh: Phạm Quý)

Chị H. bị đái tháo đường týp 1 đã 4 năm nay và đang uống thuốc điều trị của Bệnh viện Nội tiết Trung ương. Do hơi thừa cân, lại bị bạn bè chê cười, chị H. mày mò lên mạng tìm tới những cửa hàng bán trà, thực phẩm chức năng hỗ trợ giảm cân nhanh chóng.

Chị được một người bán hàng giới thiệu loại trà giảm cân có thành phần hoàn toàn từ thiên nhiên, chiết xuất từ hoa quả.

Người này còn tung hô rằng, trà không có tác dụng phụ. Người bán hàng còn khẳng định “chắc nịch” là trà có thể dùng thoải mái cho người bị tiểu đường mà không phải lo lắng gì. Tin lời quảng cáo, chị H. mua trà về dùng với hy vọng giảm cân, lấy lại vẻ tự tin.

Uống khoảng 2 tuần, cân nặng của chị H. giảm 5kg, nhưng cơ thể chị bắt đầu xuất hiện tình trạng mệt mỏi nhiều, khát nước, đầy bụng và sụt cân nhanh chóng.

tra giam can 3

Vì tin những lời quảng cáo chị H. suýt phải trả giá bằng tính mạng. (Ảnh: Phạm Quý)

“Họ gửi cho tôi một hộp, bên trong có những túi trà ghi thành phần là hoa quả sấy khô, nguồn gốc tự nhiên. Khi pha vào nước ấm có mùi vị khá dễ chịu, giống như mùi thơm của hoa quả, đặc biệt sau khi uống tôi có không “thiết” tới ăn uống, lúc nào cũng đầy bụng", chị H cho hay.

Chỉ khi tới bệnh viện, chị mới tá hoả về tình trạng sức khoẻ của bản thân. Bác sỹ cho biết bệnh nhân có lượng đường huyết trong máu tăng, men gan ở mức 1103U/L, trong khi chỉ số bình thường là nhỏ hơn hoặc bằng 31U/L, gây tổn thương, hủy hoại tế bào gan.

Bệnh nhân được chỉ định bù dịch, dùng thuốc bảo vệ tế bào gan và khống chế lượng đường huyết. “Rất may bệnh nhân không có tổn thương nào về não, nếu không tình trạng có thể sẽ phức tạp và nguy hiểm hơn rất nhiều", bác sĩ Hưng nói.

Sau 3 ngày điều trị, chỉ số men gan của bệnh nhân giảm dần. Xét nghiệm gần nhất vào sáng 25/1, men gan chỉ còn 299U/L, cao hơn bình thường 4 - 5 lần, thể trạng người bệnh cũng dần tốt hơn.

Trước đó, Bệnh viện Nội tiết Trung ương từng tiếp nhận một số bệnh nhân uống trà giảm cân bị tăng men gan. Tuy nhiên, chị H. có men gan cao nhất trong tất cả các bệnh nhân.

“Mọi người không nên tin vào những lời quảng cáo giảm cân lừa đảo trên mạng, bởi những thực phẩm chức năng như vậy sẽ làm hại tới sức khỏe, tiền mất tật mang”, chị H. khuyên.

BS. Hưng khuyến cáo người dân, nhất là đối với các chị em phụ nữ, không nên vì muốn giảm cân nhanh mà dùng các loại thuốc, trà không rõ nguồn gốc, thành phần, xuất xứ. Những loại thuốc đó sẽ gây tăng men gan cao, hủy hoại gan, nguy cơ cao dẫn đến suy gan, suy thận, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời thậm chí còn nguy hiểm đến tính mạng.

“Nếu thực sự cần thiết phải giảm cân, người dân nên tới gặp và nghe theo chỉ định, tư vấn của các bác sỹ chuyên khoa để đảm bảo sức khỏe. Tránh tin lời quảng cáo, giới thiệu giảm cân nhanh chóng, thần tốc để rồi rước họa vào thân”, bác sĩ Hưng nhấn mạnh.

Video: Nhịn đói để giảm cân, hai chị em sinh đôi nằm chờ chết

Phạm Quý
Bình luận
vtcnews.vn