Bản án nào sẽ dành cho Chu Vĩnh Khang?

Thế giớiThứ Năm, 31/07/2014 08:51:00 +07:00

(VTC News)- Cuộc điều tra Chu Vĩnh Khang có thể khiến nhân vật được cho là 'trùm an ninh' Trung Quốc phải ra hầu tòa như các chính trị gia cao cấp khác.

(VTC News)- Cuộc điều tra Chu Vĩnh Khang có thể khiến nhân vật được cho là 'trùm an ninh' Trung Quốc phải ra hầu tòa như các chính trị gia cao cấp khác.

Thật khó để đoán được “con hổ bất khả xâm phạm” Chu Vĩnh Khang sẽ phải lĩnh bản án như thế nào trong thế giới đầy bí mật của nền chính trị Trung Quốc. 
Nhưng sau đây có thể là những bước đi trong công cuộc điều tra được đánh giá là đã “nghiền nát những tin đồn” cho rằng các thành viên của Ủy ban Thường vụ Bộ chính trị được “miễn dịch hoàn toàn khỏi những sự trừng phạt”.
Ông Tập Cận Bình được cho là đã gặp không ít khó khăn để điều tra một nhân vật có tầm ảnh hưởng và quyền lực như Chu Vĩnh Khang. 

Diệt “chân rết” 

Những dấu hiệu cho thấy “hổ lớn” sẽ bị nhổ nanh chính là những cú “ngã ngựa” của một loạt các chính trị gia, những người có liên quan tới ông Chu Vĩnh Khang.

Trong vòng vài tháng trước khi Trung Quốc chính thức công bố quyết định tiến hành điều tra đối với cựu Uỷ viên thường vụ Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang do "vi phạm kỷ luật nghiêm trọng", các cơ quan chức năng nước này đã mở rộng điều tra, liên tục thẩm vấn hoặc bắt giữ nhiều người có liên quan tới ông Chu Vĩnh Khang.

Trong đó bao gồm cả nhưng nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn ở tỉnh Tứ Xuyên nơi ông Chu từng được bổ nhiệm làm Bí thư tỉnh ủy và các lãnh đạo cấp cao của Tổng công ty dầu khí quốc gia cũng một thời do ông Chu dẫn dắt. 
Ngay cả Chu Bân, con trai Chu Vĩnh Khang cũng đã bị bắt giữ vì liên quan đến các hoạt động kinh doanh bất hợp pháp.

Từ hồi tháng 4, các nhà chức trách Trung Quốc đã hướng việc điều tra vào các đối tượng bao gồm “vợ, con trai, anh trai, em dâu, con dâu và bố vợ của con trai” ông Chu. Tất cả những người này đều bị nghi lạm dụng ảnh hưởng chính trị của Chu Vĩnh Khang để thu lợi về tài chính.

Bạc Hy Lai được cho là đồng minh thân cận nhất của Chu Vĩnh Khang 

Đảng vào cuộc điều tra

Ủy ban chống tham nhũng của Đảng cộng sản Trung Quốc, cơ quan thực hiện hầu hết các vụ điều tra tham nhũng cỡ lớn, sẽ áp dụng một hệ thống giam giữ nội bộ bí mật mà ở đó các nghi phạm bị cho là không nhận được bất kỳ sự trợ giúp nào từ gia đình hoặc luật sư.

Ban đầu, các nhà điều tra sẽ bí mật làm một số công việc điều tra cần thiết với một thông báo được đưa ra sau khi họ đã thu thập đầy đủ bằng chứng.

Ví dụ như trong vụ việc của ông Từ Tài Hậu, Cựu phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, công tác điều tra được tiến hành từ hồi tháng 3 nhưng phải đến tháng 6 vừa qua mới có thông báo chính thức về vụ việc của ông này.
Về lý thuyết, ủy ban chống tham nhũng sẽ phải báo cáo những phát hiện của mình cho Bộ Chính trị Trung Quốc để thảo luận về cách thức điều tra.

Nếu không nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của những cựu lãnh đạo Trung Quốc, ông Tập Cận Bình sẽ gặp không ít khó khăn để điều tra một nhân vật có tầm ảnh hưởng và quyền lực như Chu Vĩnh Khang.

Trong vụ “nhổ nanh hổ lớn” Chu Vĩnh Khang lần này, Chủ tịch Tập Cận Bình đã phá vỡ điều cấm kỵ có từ nhiều thập niên qua, đó là không “sờ” đến các thành viên hoặc cựu thành viên trong Ban thường vụ Bộ chính trị “đầy quyền lực” của Trung Quốc. 
Các chuyên gia nhận định động thái này cho thấy ông Tập có vẻ đã thâu tóm được quyền lực lớn hơn tất cả những người tiền nhiệm của mình trong nhiều thập niên qua.

Cách chức, khai trừ khỏi Đảng


Thông thường, các quan chức bị buộc tội sẽ bị khai trừ khỏi Đảng, khai trừ khỏi Quốc hội và cách chức, giáng chức.

Trong vụ bê bối Bạc Hy Lai, từng là  “ngôi sao” sáng trên vũ đài chính trị Trung Quốc cũng là nhân vật bị cách chức và khai trừ khỏi Đảng vì một loạt các tội danh nhận hối lộ, tham ô và lạm dụng quyền lực.

Ngày 4/11/2012, Trung ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc quyết định chính thức khai trừ nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai và cựu Bộ trưởng Đường sắt Lưu Chí Quân khỏi Đảng Cộng sản. Bạc Hy Lai được cho là đồng minh thân cận nhất của Chu Vĩnh Khang.

Trong thông báo của cơ quan điều tra, kính ngữ thông thường trong Đảng là “đồng chí” cũng không được dùng. Đây là dấu hiệu cho thấy Chu Vĩnh Khang có thể bị khai trừ khỏi Đảng.

Truy tố, xét xử


Các điều tra viên của Đảng cộng sản Trung Quốc đã giao vụ án này vào tay các công tố viên để tiến hành điều tra hình sự đối với Chu Vĩnh Khang. Một bản cáo trạng được lập ra sẽ kèm theo một lệnh bắt chính thức.

Thực tế, chính trị gia quyền lực này đã bị đặt dưới sự giám sát của Đảng cộng sản từ nhiều tháng trước đó, hay như trường hợp của cựu thị trưởng Bắc Kinh Trần Hi Đồng (Chen Xitong), thời gian này là gần 3 năm.

Chính phủ cho biết các phiên xét xử vẫn đang được mở ra nhưng thực sự không được công khai bởi Các nhà chức trách cần chọn lọc hết sức kỹ lưỡng những người được ngồi vào phòng xử án. 
Các phiên xử án thường được sắp đặt rất chặt chẽ, thường kéo dài chưa đến hai ngày dù cho các tội danh khá phức tạp.

Cựu Bộ trưởng đường sắt Trung Quốc Lưu Chí Quân cũng từng phải đối mặt với tội danh nhận hối lộ nghiêm trọng, sau 3 tiếng rưỡi đứng trong phòng xử án và đã lĩnh án tử hình nhưng được hoãn thi hành án 2 năm. 
Riêng phiên tòa xét xử cựu bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai lại là một ngoại lệ bất ngờ khi kéo dài 5 ngày với lời khai của ông cùng những hé lộ về bi kịch tình yêu tay ba giữa ông, vợ ông là bà Cốc Khai Lai và cấp dưới của ông là Vương Lập Quân lại được công khai trước dư luận trên trang blog của tòa án.

Người dân Trung Quốc cũng đang chờ đợi một vụ xét xử đầy kịch tính trong vụ án của Chu Vĩnh Khang lần này.

Minh Lý
Bình luận
vtcnews.vn