Bài học tình người sâu sắc từ sự tích ông Táo

Kinh nghiệm sốngThứ Hai, 01/02/2016 09:26:00 +07:00

Một câu chuyện đầy xúc động về tình yêu, tình cảm vợ chồng và tình người xung quanh sự tích Táo quân.

(VTC News) - Một câu chuyện đầy xúc động về tình yêu, tình cảm vợ chồng và tình người xung quanh sự tích Táo quân.

Truyền thuyết "Sự tích Táo quân" có nhiều dị bản nhưng cốt truyện nhìn chung để ngợi ca tình yêu, tình cảm gia đình khăng khít. Sau đây là một trong những dị bản của "Sự tích Táo quân".
Sự tích Táo quân và phong tục cúng ông Công, ông Táo
Sự tích "Táo quân" và phong tục cúng ông Công, ông Táo 

Theo truyền thuyết, xưa có hai vợ chồng nghèo, mâu thuẫn trong cuộc sống nên phải bỏ nhau. Sau này người vợ lấy chồng mới, còn người chồng cũ vẫn nghèo khó.
Trong một lần đi xin ăn, tình cờ anh ta gặp lại người vợ cũ và được hậu đãi. Không may, người chồng cũ uống quá say nên không thể đi về trong lúc đó người chồng mới cũng đã về đến đầu ngõ. Sợ chồng mới về nghi ngờ, người vợ đã giấu chồng cũ trong đống rơm trước nhà. Trong lúc vô ý, đống rơm bốc cháy thiêu chết người chồng cũ trong đó.

Người vợ vì ân hận đã đâm đầu vào đống lửa chết, người chồng mới cảm thương chết theo.

Ngọc Hoàng cảm kích phong cho ba người làm Táo quân - Vua Bếp. Vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm, các gia đình thường mua hai mũ ông, một mũ bà và ba con cá chép để cúng với quan niệm rằng, Táo quân cưỡi cá chép về chầu trời, tâu với Ngọc hoàng mọi việc trong năm, cầu may mắn.

Sự tích Táo quân (Nguồn: HTV7)
Theo tục cổ truyền của người Việt thì Táo quân gồm hai ông và một bà, tượng trưng là 3 cỗ "đầu rau" hay "chiếc kiềng 3 chân" ở nơi nhà bếp của người Việt ngày xưa.

Táo quân cũng còn gọi là Táo Công, là vị thần bảo vệ nơi gia đình mình cư ngụ và thường được thờ ở nơi nhà bếp, cho nên còn được gọi là Vua Bếp. Vị Táo quân quanh năm chỉ ở trong bếp, biết hết mọi chuyện trong nhà.

Vào ngày 23 tháng Chạp, Táo quân sẽ cưỡi cá chép lên thiên đình để báo cáo mọi việc lớn nhỏ trong nhà của gia chủ với Ngọc Hoàng Thượng đế (hay ông Trời).

Cho đến đêm Giao thừa Táo Quân mới trở lại trần gian để tiếp tục công việc coi sóc bếp lửa của mình.
 
Đồ cúng, đồ lễ

Thông thường chỉ đơn giản là bánh, kẹo, và nước trà, với mong muốn Táo công "ngọt giọng", nói những điều hay. Không cần thiết làm cả mâm cỗ, và nếu làm cỗ mặn, cũng không được đặt lên ban thờ, mà đặt ở cái bàn con bên dưới.

Lễ vật cúng Táo công thường có: mũ ông công ba chiếc: hai mũ đàn ông và một mũ đàn bà. Những đồ "vàng mã" này sẽ được hóa (đốt đi) sau lễ cúng ông Táo.

Thực tế cũng không cần thiết phải dùng những đồ vàng mã này, bạn không sắm cũng không sao. Ngoài ra, để ông Táo có phương tiện về chầu trời, ở miền Bắc hay cúng một con cá chép (hay cá vàng) còn sống thả trong chậu nước, ngụ ý "cá hóa rồng" đưa ông Táo về trời.

Sau đó sẽ "phóng sinh" (thả ra ao hồ hay ra sông) sau khi cúng. Nhiều nơi không hiểu cúng cá rán là không phải.

Đặc biệt, cũng không nên tham theo trào lưu phóng sinh mà mua cả chậu cá, là điều không cần thiết.

Tại miền Trung, người ta cúng một con ngựa bằng giấy với yên, cương đầy đủ. Ở miền Nam thì người ta chỉ cúng mũ, áo và đôi hia bằng giấy.

Vị trí đặt đồ lễ

Thường làm lễ ngay ở ban thờ thần linh gia tiên, chứ không nên đặt đồ lễ ở ban thờ Phật, hoặc lập riêng ban thờ Táo quân.

Một số nơi, nhất là miền Nam có xu hướng lập ban thờ Táo quân riêng ở bếp, là điều không cần thiết và không nên, vì trong một nhà thờ nhiều thần linh, sẽ hay xảy ra tranh cãi, bất hòa giữa các thành viên trong gia đình, con cái khó bảo, hoặc có những trục trặc khác về tình cảm, tình duyên.

Đợi hương cháy đến 2/3 là có thể mang vàng mã ra hóa (nếu có), và mang cá đi phóng sinh.

Thời gian

Dân gian cho rằng bắt buộc phải làm trước 12h trưa ngày 23 tháng Chạp, để ông Táo kịp báo cáo là không phải, vì thực tế theo truyền thuyết đến tối ông Táo mới lên trời. Chúng ta có thể làm trong ngày 23, hoặc nếu vì lý do thời gian, có thể làm từ 21-23 tháng Chạp.

Khi khấn, đa phần không cầu xin phú quý, cũng không cầu xin no đủ, mà chỉ xin Táo công bẩm báo điều tốt, bớt nói điều không hay.

Nguyễn Mạnh Linh
Trưởng phòng Phòng Phong thủy Kiến trúc
Viện Quy hoạch & Kiến trúc Đô thị – Đại học Xây dựng




Hoàng Anh
(tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn