Bài học Thái Lan là gợi ý cho mùa giải V-League bão tố

Bóng đá Việt NamThứ Ba, 20/07/2021 11:30:53 +07:00

Trước V.League, Thai League 1 là giải đấu từng phải hoãn nhiều tháng vì ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Dù chưa có quyết định chính thức nào được đưa ra, khả năng V-League 2021 buộc phải hoãn 6 tháng và kéo dài sang năm 2022 là điều dễ xảy ra. Đây là lúc chúng ta phải bàn về giải pháp cho các vấn đề liên quan như lương, thưởng, phí hợp đồng của nội binh lẫn ngoại binh, những yếu tố tác động lớn tới số phận các CLB.

Và nếu cần một tiền lệ, V-League có thể nhìn về phía Thai League 1 của Thái Lan, giải đấu cũng từng đóng băng” 6 tháng vì ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Thai League đổi thay

Tháng 3/2020, Thai League 1 buộc phải tạm hoãn vì ảnh hưởng của dịch COVID-19. Biến thách thức thành cơ hội, người Thái cũng thay đổi luôn toàn bộ thời gian tổ chức giải. Họ biến mùa giải vốn chỉ tổ chức trong một năm dương lịch theo kiểu châu Á, thành tổ chức vắt qua 2 năm dương lịch.

Thai League 2020 không còn tồn tại. Thay vào đó, Thai League 2020/21 ra đời. Dự định ban đầu của giải đấu này là khởi động lại tháng 9/2020, kết thúc tháng 5/2021, trùng với thời gian tổ chức các giải hàng đầu châu Âu. Chúng ta chưa bàn tới khía cạnh tích cực, thay đổi lịch sử của Thai League 1 đã dẫn tới hàng loạt khó khăn cho các CLB Thái Lan, khiến bóng đá Thái trải qua nửa năm “đóng băng”.

Về quy mô và tiềm lực tài chính, đa phần các CLB Thái Lan đều vượt trội so với Việt Nam. Số tiền bản quyền truyền hình mà Liên đoàn Bóng đá Thái Lan (FAT) kiếm được nhiều hơn, chia cho CLB cũng nhiều hơn. Nhưng kéo theo đó, mức lương cho cầu thủ cũng cao hơn. Ở tầm vĩ mô, Thai League 1 vẫn có những lo ngại về “cuộc đua bong bóng” giữa các CLB.

Đương nhiên, những “đại gia” có nguồn thu lớn và được hậu thuẫn bởi những doanh nghiệp mạnh như Buriram United, Muangthong United hay BG Pathum thì “không phải nghĩ”. Nhưng trước cơn bão mang tên COVID-19, tất cả đều phải đổi thay, thay đổi để thích ứng tốt nhất.

Cột mốc quan trọng nhất của Thai League 1 thời gian qua là quyết định hoãn giải từ tháng 3 đến tháng 9 của Chủ tịch FAT Somyot Poompanmoung. Ngay lúc đó, câu chuyện về lương, thưởng và hợp đồng của cầu thủ tại Thai League 1 đã được đem bàn đến rất nhiều. Một số sẽ có giá trị tham khảo cho các giải đấu vừa và nhỏ tại châu Á.

Cũng như V-League, các đội bóng tại Thai League dành một phần ngân sách rất lớn cho ngoại binh, nhất là cho các cầu thủ quốc tịch Đông Nam Á. Bởi vậy, 6 tháng đó sẽ là thử thách cho sức mạnh tài chính, hoặc với các đội bóng “con nhà nghèo” là sự linh hoạt trong chi tiêu.

Bài học Thái Lan là gợi ý cho mùa giải V-League bão tố - 1

Từ mùa giải 2020/21, Thai League 1 vận hành theo hệ thời gian giống với bóng đá châu Âu. Ảnh: Nationthailand.

Chia sẻ với Zing, nhà môi giới người Brazil Fabio Leandro Barbosa, đang đại diện cho một số ngoại binh tại Thai League, cho biết: “Nhìn chung, tôi với tư cách là người đại diện, phải động viên cầu thủ khá nhiều khi giải đấu tuyên bố hoãn 6 tháng. Không dễ để cầu thủ chấp nhận điều này. Còn về quyền lợi, tôi phải lo cho cầu thủ cũng là thân chủ của mình”.

Khi được hỏi về một “trường hợp” điển hình, Fabio nhớ lại: “Các CLB Thai League 1 khá dũng cảm và linh hoạt. Khi cảm thấy không thể đảm bảo được khoản tiền lương phát sinh quá lớn, họ nhanh chóng đàm phán thanh lý hợp đồng với cầu thủ và tạm thời không có ngoại binh, tiết kiệm được một khoản đáng kể. Trong khi đó, CLB khác có tiềm lực hơn, thì có thêm lựa chọn. Họ ký những hợp đồng để giữ chân cầu thủ, đặt cọc một khoản phí và chấp nhận để cầu thủ về quê”.

Khi thanh lý hợp đồng, các đội bóng đều phải trả thêm một khoản. Đây là khoản phí cam kết ban đầu để CLB chiêu mộ thành công cầu thủ, ở Việt Nam vẫn được gọi là “phí hỗ trợ ký hợp đồng” hoặc quen thuộc hơn là “phí lót tay”. Mức đền bù có thể rơi vào khoảng 2-3 tháng lương. Còn nếu giữ cầu thủ, các đội bóng sẽ phải trả đủ lương.

Rõ ràng, so việc trả thêm một số tiền để chấm dứt hợp đồng và việc phải trả lương tiếp trong nhiều tháng, phương án một là lựa chọn kinh tế hơn.

Về chuyện giảm lương, CLB thường dễ thỏa thuận với cầu thủ nội hơn. Nhưng giảm hay không giảm còn phải phụ thuộc vào thiện chí của đôi bên. Ở Thái Lan, mức giảm tối đa từng ghi nhận là 50% nhưng kéo dài không lâu. Thông thường, cầu thủ chấp nhận giảm 10-15% lương để chung tay cùng đội bóng”, Fabio Leandro Barbosa giải thích.

Vì việc giảm lương phụ thuộc vào thiện chí của đôi bên nên không phải khi nào, mọi thứ cũng êm đẹp. Năm 2020, trung vệ huyền thoại của Singapore Baihakki Khaizan từng “bỏ về quê” khi biết tin bị đội bóng chủ quản PT Prachuap giảm 50% lương. Cựu đội trưởng tuyển Singapore cho rằng mức giảm này là “quá cao” với người đã có gia đình và còn phải xa nhà như anh.

Đương nhiên, PT Prachuap chẳng còn cách nào khác ngoài việc đồng ý thanh lý hợp đồng, chấp nhận mất cầu thủ và mất cả khoản phí hợp đồng. Khi đó, Khaizan đã ra sân ở Thai League 1 cho PT Prachuap, nên đội bóng này phải thanh toán là điều hiển nhiên.

Bài học Thái Lan là gợi ý cho mùa giải V-League bão tố - 2

Nhiều ý kiến cho rằng các CLB Việt Nam sẽ khó giữ chân ngoại binh giỏi nếu V.League hoãn tới năm 2022. Ảnh: Minh Chiến.

Nửa năm không dễ dàng với V-League

Đánh giá về tình hình tại V-League, Fabio Barbosa nói: “Sẽ có những khó khăn dành cho các đội bóng khi phải dừng lâu như vậy, Thai League 1 hay V-League cũng vậy thôi. Chắc chắn sẽ có những bản hợp đồng đáo hạn và không thể chắc chắn họ có tiếp tục ở lại đội bóng cũ hay chọn đến đội bóng khác”.

Theo Fabio, việc quan trọng bây giờ là các đội bóng cần biết chính xác mốc thời gian giải đấu trở lại. Sau đó, dựa vào hợp đồng lao động với cầu thủ, quy định tại Việt Nam cũng như nguyện vọng đôi bên, đội bóng và cầu thủ cần nhanh chóng đàm phán cho quãng thời gian còn lại. Không phải cầu thủ ngoại nào cũng sẵn sàng chờ đợi rất lâu để rồi có khi chưa chắc đã được sử dụng tiếp.

Đối diện quãng thời gian nghỉ dài, Thai League 1 cũng có tiền lệ để ban tổ chức V-League tham khảo. Các đội bóng Thái cho cầu thủ về nhà trong những đợt nghỉ dài. Nhưng về nhà không có nghĩa là cầu thủ thích uống bia, uống rượu tùy tiện thoải mái, thích thì tập, không thích thì thôi.

Các đội bóng Thai League 1 đã quy định rõ ràng. Muốn nhận lương, cầu thủ hãy tham gia các bài tập trực tuyến theo giáo án, có báo cáo rõ ràng theo yêu cầu từ ban huấn luyện. Chúng ta từng thấy thủ thành Đặng Văn Lâm tham gia các bài tập của CLB Muangthong hồi năm ngoái.

Cách làm này hiện đã được nhân rộng, có xuất hiện ở một số đội chuyên nghiệp Việt Nam, điển hình là cách tuyển futsal Việt Nam tập thể lực trong giai đoạn cách ly sau khi giành vé tới World Cup.

Bài học Thái Lan là gợi ý cho mùa giải V-League bão tố - 3

Đỗ Duy Mạnh và nhiều tuyển thủ Việt Nam sẽ chỉ còn mặt trận đội tuyển nếu V.League hoãn trong nửa năm tới. Ảnh: Minh Chiến.

Song song với việc duy trì thể lực cho cầu thủ, các đội bóng Việt Nam cũng cần có chính sách giữ chân ngoại binh hợp lý. Nhiều đội bóng Thái Lan hay Indonesia chọn cách chi cho cầu thủ một khoản tiền lớn coi như “đặt cọc”.

Trong một khoảng thời gian nhất định, cầu thủ nhận tiền sẽ không được chơi cho CLB khác. Sau thời gian đó, cầu thủ được phép ra đi. Cách làm này vừa giúp CLB tạm yên tâm giữ người, vừa giúp cầu thủ có thu nhập khi bóng đá “đóng băng”.

Bruno Matos, tân binh “hàng hiệu” của CLB Viettel, có thể xem là điển hình cho tình huống này. Năm 2019, Bruno Matos ghi 9 bàn tại Liga 1, anh chia tay CLB Bhayangkara và chuyển đến Madura Untied ngay khi thị trường chuyển nhượng đóng cửa. Matos đá được 3 trận thì giải đấu bị hoãn, Madura không muốn mất cầu thủ nên chi trả cho Bruno Matos một khoản coi như “giữ chân”.

Giải VĐQG Indonesia Liga 1 đã bị hoãn từ tháng 3/2020, nhưng phải đến tận năm 2021 mới chính thức bị hủy bỏ do dịch bệnh leo thang ở xứ vạn đảo. Matos trở về quê nhà và cứ thế... chờ đợi trong vô vọng.

Sau khi ấn tượng với màn trình diễn của tiền đạo người Brazil, CLB Viettel mới quyết định tìm cách ký hợp đồng với Bruno Matos. Họ trả thêm một khoản phí chuyển nhượng cho Madura United, chấm dứt tình trạng thất nghiệp của Bruno và đưa anh về đội bóng.

Cách làm của người Thái và Indonesia có thể là những gợi ý cho V-League nếu giải đấu thực sự bị “đóng băng” thời gian dài sắp tới.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp