Bài học đau xót từ vụ "Đập phá Bệnh viện Cuộc sống"

Pháp luậtThứ Năm, 29/07/2010 12:53:00 +07:00

Vụ án xảy ra đã tròn 2 năm nhưng đang được dư luận quan tâm bởi tính chất nghiêm trọng và hậu quả để lại nặng nề với rất nhiều day dứt và bài học…

Trong 3 ngày 21-23/7/2010, TAND TP Hà Nội đã mở phiên Tòa xét xử 23 bị cáo trong vụ án đập phá Bệnh viện Cuộc sống ở thôn Đại Đồng, xã Đại Mạch, huyện Đông Anh, Hà Nội. 23 bị cáo bị truy tố với 6 tội danh: Gây rối trật tự công cộng, Hủy hoại tài sản, Cướp tài sản, Chống người thi hành công vụ, Cố ý gây thương tích và Công nhiên chiếm đoạt tài sản.

Vụ án xảy ra đã tròn 2 năm nhưng đang được dư luận quan tâm bởi tính chất nghiêm trọng và hậu quả để lại nặng nề với rất nhiều day dứt và bài học…

Khởi nguồn của vụ việc

Bệnh viện Đa khoa tư nhân Cuộc sống (BVCS) được Công ty cổ phần Phát triển công nghệ y sinh học Tuyết Thái (do bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết làm Giám đốc) xây dựng trên khu đất thổ cư của một số hộ dân ở thôn Đại Đồng, Đại Mạch, Đông Anh, Hà Nội vào năm 2007, với sự phê duyệt của Bộ Y tế, Sở Y tế, UBND TP Hà Nội và các Sở ngành. Theo Văn bản phê duyệt của Sở Y tế Hà Nội thì việc xây dựng một bệnh viện để phục vụ nhân dân tại xã Đại Mạch và khu vực lân cận là rất cần thiết: “Liên sở (Sở Kế hoạch và Đầu tư, Quy hoạch Kiến trúc, Tài nguyên Môi trường và Nhà đất Hà Nội) hoàn toàn ủng hộ việc công ty mạnh dạn xây dựng Bệnh viện Đa khoa tư nhân 115 Hà Nội (tên gọi ban đầu của Bệnh viện Cuộc sống) tại huyện Đông Anh để phục vụ khám chữa bệnh cho nhân dân vùng xa trung tâm thành phố. Đề án phù hợp với chính sách đẩy mạnh xã hội hóa theo Nghị quyết 05/2005/NQ-CP và quyết định 158/2003/QĐ-UB phê duyệt quy hoạch phát triển sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân Thủ đô Hà Nội đến năm 2010”.

Đến đầu tháng 8/2008, BVCS đã hoàn thiện xây dựng và đã lắp xong các thiết bị máy móc hiện đại để chuẩn bị cho việc mời Bộ Y tế thẩm định và sẽ đi vào hoạt động khám chữa bệnh cho người dân địa phương. Bất ngờ, trong các ngày từ ngày 1-5/8/2008, một số thanh niên ở thôn Đại Mạch bị kích động đã vào khu vực bệnh viện gây rối, xô xát với nhân viên và nhóm bảo vệ BV, dẫn đến việc hàng trăm người dân trong thôn nghe loan tin là con, cháu, em mình bị đánh thì đã tràn vào đập phá, cướp tài sản của BVCS. Khi vụ việc xảy ra, có 4 đồng chí Công an huyện Đông Anh đang làm nhiệm vụ tại BVCS cũng bị hành hung, mặc dù các anh đã rút thẻ công an thông báo rằng đang làm nhiệm vụ. Hậu quả là 7 người bị thương, toàn bộ tài sản của bệnh viện từ máy móc thiết bị đến nhà cửa bị hủy hoại gây thiệt hại hơn 13 tỷ đồng, bên cạnh đó còn có 02 xe ô tô và 10 xe máy bị các bị cáo đổ xắng đốt cháy, 01 xe máy bị lấy mất.

Các bị cáo trước vành móng ngựa 

Nguyên nhân dẫn tới vụ án đáng tiếc này bắt nguồn từ việc một số người dân hiểu sai về việc năm 2004 UBND xã Đại Mạch có ký hợp đồng giao đất thầu để sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và phát triển chăn nuôi theo mô hình trang trại tại Đầm Sen ở thôn Đại Đồng cho ông Hà Minh Tuấn (người dân ở địa phương) với tổng diện tích là 98.860m2. Góp vốn cùng ông Tuấn có bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết, chị Hoàng Thị Dương ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, ông Lê Văn Lương ở xã Kim Chung, huyện Đông Anh. Ngày 10-1-2006, ông Hà Minh Tuấn đã làm thủ tục đề nghị UBND huyện Đông Anh gia hạn thời gian sử dụng đất 12 năm. Đến ngày 30-8-2006, ông Tuấn chuyển giao 49.430m2 đất thầu cho bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết và ông Lê Văn Lương.

Khi Công ty Tuyết Thái xây dựng Bệnh viện Cuộc sống trong khu đất thổ cư liền kề thì Cty cũng đồng thời cải tạo khu đất giao thầu để trồng cây xanh, làm trại chăn nuôi lợn, gà và làm đường bê tông, lắp đường điện.v.v… Tưởng việc xây dựng bệnh viện trái với mục đích sử dụng đất, cho rằng có việc vi phạm trong quản lý sử dụng đất đai của Công ty Tuyết Thái và chính quyền xã Đại Mạch, nên một số người dân thôn Đại Đồng đã khiếu nại đến UBND xã Đại Mạch và chính quyền các cấp. Trong khi chính quyền các cấp đang tiến hành giải quyết thì một số đối tượng đã lợi dụng việc khiếu nại, kích động, lôi kéo đông người gây rối làm mất trật tự trị an ở địa phương, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản lớn của BVCS.

Sau khi sự việc xảy ra, Công an huyện Đông Anh đã tiến hành, khởi tố vụ án, khởi tố các đối tượng như sau: Vương Ngọc Khánh, Vương Xuân Sơn, Lưu Hữu Sáng, Vương Anh Việt, Nguyễn Văn Xuân về tội Cướp tài sản; Vương Văn Công, Nguyễn Xuân Chợ, Lê Tuấn Anh, Tô Tuấn Tài, Lê Văn Tuấn, Nguyễn Thế Vy, Lê trọng Phong, Tạ Đình Minh về tội Gây rối trật tự công cộng; Phạm Văn Tài, Trần Văn Hùng về tội Cướp tài sản; Phạm Văn Bình, Trần Văn Huy, Trần Tuấn Anh về các tội Gây rối trật tự công cộng, Chống người thi hành công vụ; Nguyễn Văn Hoạt về tội Hủy hoại tài sản và tội Cướp tài sản. Sau đó, Công an TP Hà Nội có quyết định khởi tố bổ sung về tội Công nhiên chiếm đoạt tài sản đối với Nguyễn Như Tâm, Nguyễn Văn Tạo, Lê Thị Minh, Trần Thị Bình; đối với Trần Văn Đồng, Lưu Văn Nguyên, Hà Quang Trung về tội Gây rối trật tự công cộng.

Bài học đau xót

Điều đáng nói ở đây là trong 23 bị cáo hầu Tòa đều thì nhiều bị cáo mới trên dưới 20 tuổi. Có bị cáo phạm tội khi mới 19 tuổi. Trong tất cả các ngày xét xử, bố mẹ, vơ con của các bị cáo đều cố gắng chen lên để nhìn thấy mặt con, chồng, cha mình… sau 2 năm bị bắt tạm giam. Nhiều người mẹ, người vợ nước mắt sụt sùi hối tiếc vì mình đã không kịp ngăn chồng, con mình do bị kích động mà phạm tội. Nhưng còn một vấn đề nữa, đó chính là việc thiếu hiểu biết về pháp luật, dẫn đến việc bản thân các bị cáo phậm tội gấy rối, phá hoại tài sản, đánh người gây thương tích, mà còn ngang nhiên tuyên bố khi các cán bộ Công an huyện đang làm nhiệm vụ: “Công an cũng đánh” và bị cáo Trần Văn Huy (19 tuổi) còn cầm dao đâm đồng chí Đinh Văn Mạnh khiến đồng chí bị thương.

Tại phiên tòa xét xử, những người tham gia phiên tòa đã đánh giá cao lời đề nghị giảm án cho các bị cáo từ phía bị hại-Cty Tuyết Thái, mặc dù bệnh viện đã bị thiệt hại nặng nề sau sự việc xảy ra, 2 năm trôi qua nhưng hậu quả chưa hề được khắc phục. Đó chính là sự cảm thông của doanh nghiệp đối với hành động thiếu suy nghĩ, thiếu hiểu biết pháp luật của các bị cáo.

Điều đáng tiếc nữa qua vụ án này là, nếu khi sự việc bắt đầu phát sinh “điểm nóng” mà chính quyền, đoàn thể địa phương phát huy hết sức mạnh và vai trò của mình, thì sự việc đã không nghiêm trọng như vậy…

Tuyên án

14h30 ngày 27/7/2010, HĐXX đã tuyên phạt các bị cáo về các tội trang như VKS đã truy tố và xử phạt các bị cáo mức án từ 12 tháng tù (cho hưởng án treo) đến 32 tháng tù giam.

Nhưng đặc biệt, HĐXX đã nhấn mạnh: Tại phiên Tòa, có bị cáo đã khai ra một số kẻ đã xúi giục, kích động người dân đập phá Bệnh viện Cuộc sống, nhưng chưa được các cơ quan pháp luật xử lý. Vì vậy TAND TP Hà Nội kiến nghị đến Cơ quan Điều tra yêu cầu điều tra bổ sung, tránh để lọt kẻ phạm tội.

Ngay sau khi Tòa tuyên án, đại diện của BVCS cho biết: Các cổ đông của BV quá bức xúc với việc các bị cáo đập phá, đốt cháy, cướp bóc tài sản, hủy hoại gần như hoàn toàn BVCS là do có những kẻ chủ mưu, xúi giục những người dân thiếu hiểu biết pháp luật, nhất là một số thanh niên trẻ tuổi, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như trên, nhưng những kẻ đó chưa bị đưa ra trước vành móng ngựa. Vì vậy phía BVCS sẽ kháng cáo Bản án này để yêu cầu TAND Tối cao trả hồ sơ yêu cầu Cơ quan Điều tra Công an TP Hà Nội điều tra bổ sung làm rõ tội lỗi của những kẻ cầm đầu, xúi giục người khác phạm tội, để đưa ra xử lý theo pháp luật.

Theo Phụ nữ Thủ đô

Bình luận
vtcnews.vn