Bạch tuộc hút máu dân nghèo (kỳ 3)

Phóng sự - Khám pháThứ Bảy, 05/03/2011 06:00:00 +07:00

(VTC News) - Điều rùng rợn mà tôi thấy ở trường gà này, là có cả hiệu cầm đồ… mạng sống. Số tiền được cầm phụ thuộc vào tên, tuổi, địa chỉ, gia cảnh.

(VTC News) - Điều rùng rợn mà tôi thấy ở trường gà này, là có cả hiệu cầm đồ… mạng sống. Số tiền được cầm phụ thuộc vào tên, tuổi, địa chỉ, gia cảnh.


Mỗi khi “cuộc chiến” kết thúc, một đấu thủ gà nằm trên vũng máu, thì cuộc cá độ dừng lại. Trọng tài làm nhiệm vụ đi thu tiền của những tay thua để trả cho những tay thắng. Những tay thua đều trả tiền nghiêm chỉnh, không thiếu một xu, một cắc. Nếu đặt tiền bằng “hơi”, lập tức có người dí súng vào đầu, nặng thì mất mạng, nhẹ thì cũng để lại vài ngón tay. Chính vì thế, các con bạc đều chấp hành nghiêm chỉnh, ăn thua rất sòng phẳng. Đặt nhiều hưởng nhiều, đặt ít hưởng ít. Giải quyết xong vụ này mất chừng 20-30 phút tùy vào lượng tiền được đặt.

Trường gà rộng khoảng 2 ngàn mét vuông, nằm cuối làng Chạy Thum. 

Trong thời gian chia chác tiền thắng cược, các con bạc lại tỏa đi khắp hướng, tranh thủ làm điếu thuốc, ăn bánh trái ở mấy quán vỉa hè quanh sới. Các dịch vụ quanh sới đều có đầy đủ, phục vụ các thượng đế ngoại quốc đến nơi đến chốn. Trong lúc chờ đợi đến hiệp đấu tiếp tục, một số sới xóc đĩa, tài-xỉu được lập ra, các con bạc vây đến đặt tiền giết thời gian.

Cũng trong thời gian đó, trọng tài làm công việc lựa hai đối thủ gà để chủ gà buộc cựa sắt. Khi chia chác tiền xong, hai đối thủ gà cân xứng được chọn lựa, cuộc đấu đá, đặt cược ầm ĩ lại tiếp tục.

Mỗi cú đá có thể trị giá cả tỷ bạc. 

Điều lạ là kỷ luật trật tự ở trường gà này rất nghiêm. Trước khi hai chú gà khai cuộc, dân hàng xáo chỉ cần đặt cược bằng miệng, bất kể số tiền là bao nhiêu, nhưng khi thua độ thì đều tự động rút tiền ra trả sòng phẳng, không nợ nần gì. Dân hàng xáo đều hiểu nguyên tắc thắng thua sòng phẳng, việc lừa bịp, xù nợ sẽ phải trả bằng mạng sống nên đều không có ý nghĩ ăn quỵt tại xới bạc này.

Nếu không còn tiền, các con bạc có thể cầm đồ ngay tại làng Chạy Thum. Quanh ngôi làng này có rất nhiều cửa hàng cầm đồ phục vụ các thượng đế với giá cắt cổ. Chủ trường gà cũng nhận cầm đồ, các con bạc vay bao nhiêu cũng được.

Với những chiếc cựa sắt, chú gà có thể mất mạng vì một cú đá. 

Điều rùng rợn mà tôi thấy ở trường gà này, là có cả hiệu cầm đồ… mạng sống. Tức là, nếu con bạc hết tiền, hết cả đồ, thì có thể cầm mạng sống của mình, với mức vay tùy thuộc vào tên tuổi, địa chỉ, gia cảnh. Cỡ như Tuấn “gà”, hoặc các đại gia nhẵn mặt ở trường gà, thì có thể vay vài tỷ, thậm chí chục tỷ cho mạng sống của mình, còn dân hàng xáo, bậu xậu thì cũng có thể vay đến một vài trăm triệu.

Các con bạc cầm cố mạng sống phải viết một giấy cam kết với các điều khoản soạn sẵn. Nếu thắng, thì chỉ phải trả một khoản lãi nhất định, còn thua thì xin mời ở lại ăn uống, ngủ nghỉ miễn phí, có người đẹp phục vụ hẳn hoi. Khi nào người nhà mang tiền sang chuộc thì mới được về, chậm ngày nào, lãi tăng ngày đó.

Một chú gà mất mạng sau vài giây. 

Qua tìm hiểu, tôi thấy rằng, số đông các con bạc có mặt ở trường gà đến từ các tỉnh An Giang, Cần Thơ, Tiền Giang, Bạc Liêu… Phần lớn là các nông dân giàu có, người vừa xuất được mẻ cá da trơn vài chục tấn, người vừa thu hoạch mấy chục ha lúa, rỗi rãi mấy ngày xuân vượt biên sang Campuchia kiếm vận may. Tôi hỏi chuyện cầm cố mạng sống, họ thản nhiên cho rằng đó là chuyện rất bình thường.

Tuấn “gà” kể: “Mới cách đây mấy hôm, thằng cu Hóa, con bạc khát nước ở TP. Long Xuyên vừa bị chặt đứt ngón tay út vì tội cầm đồ mạng sống của mình. Trước tết, tay này đã thua 200 triệu, bố mẹ phải sang trả nợ cho chủ sới để dẫn về, thế mà ra giêng nó lại mò sang tiếp tục đặt cược “mạng chó” của nó. Lần này nó thua 300 triệu. Bố mẹ nó chán, mặc xác nó. Không ngờ, chủ sới chặt phăng ngón tay út gửi về cho bố mẹ nó. Bà mẹ khóc lóc, ông bố gán nhà sang kéo nó về”.

Nghỉ ngơi chờ chia tiền cược và thay gà. 

Những chuyện như thế diễn ra từng ngày không chỉ ở cái sới gà này, mà còn ở các loại hình cờ bạc bên đất Campuchia. Nhiều gia đình tán gia bại sản vì lũ con vượt biên cầm cố mạng sống của mình. Nhiều ông bố bà mẹ đã mất sạch nhà cửa, ruộng vườn, mà nhận về từ bên kia biên giới thằng con tàn tật, đứa mất tai, đứa mất tay, mất chân, thậm chí mất quả thận. Những chuyện thảm khốc như vậy diễn ra hàng ngày, nhưng dân hàng xáo chẳng biết sợ, bởi vì, thằng nào ngu thì phải chịu, hết tiền thôi chơi, thì chả ảnh hưởng gì đến mạng sống.

Những cuộc sát phạt sôi động như chảo lửa diễn ra đến 5 giờ chiều, khi những “chiến binh gà” bại trận đã bị nhổ lông sạch sẽ, bị thui vàng ươm treo lủng lẳng trên thân những cây bạch đàn, thì trường gà bắt đầu tan. Dân đá gà lục tục kéo sang khu vực kinh doanh mại dâm để xả hơi, hoặc xuống thuyền qua sông Bình Di về nước.

Những người đẹp tham gia sới bạc bị công an bắt. 

Tuấn “gà” và tôi lượn lờ ngắm cảnh một lát ngoài biên ải, làm vài chập bia rồi xuống thuyền về nước. Bữa đó, Tuấn gà mất hơn trăm triệu, mà mặt mũi cứ dửng dưng. Theo Tuấn “gà”, dọc vùng biên giới từ Mộc Hóa xuống, có độ 4 chục trường gà, vô số sới bạc, toàn bộ được nhà nước Campuchia bảo hộ. Tôi trộm nghĩ, những sới bạc này chẳng khác nào những con bạch tuộc đang hút máu dân nghèo, khiến các làng quê xơ xác.

Theo Đại úy Trần Văn Cá, Trưởng Công an thị trấn Long Bình, xới bạc này hình thành từ năm 2006. Trước đây, sới chỉ hoạt động hai ngày cuối tuần, nhưng giờ thì ngày nào cũng hoạt động. Mỗi ngày, có 400 đến 700 con bạc sang cá độ. Việc ngăn chặn các con bạc sát phạt nhau trên đất Campuchia là rất khó. Đã nhiều lần công an huyện và thị trấn kết hợp với lực lượng biên phòng, hải quan triển khai lực lượng gác dọc sông Bình Di, đoạn qua thị trấn Long Bình nhằm ngăn chặn các đối tượng vượt biên trái phép, song gác chỗ này chúng lại đi chỗ khác. Có hàng trăm con đường dẫn sang nước bạn, nên căng hết lực lượng cũng không xuể.

Không ít con bạc đã gán mạng sống của mình vào trò đỏ đen. 

Khu vực đường biên qua huyện An Phú dài gần 40 cây số, lại chỉ được ngăn cách bởi con sông Bình Di nhỏ, thuyền bè qua lại ngược xuôi, do vậy dân cờ bạc có thể đi Campuchia dễ dàng như đi chợ. Có lần các anh bí mật triển khai lực lượng tạm giữ những đối tượng mang gà vượt biên để tìm cách xử lý, song chúng lại đối phó bằng cách thuê người dân sang bên kia biên giới làm nương mang gà, còn dân cờ bạc thì đi người không.

Theo điều tra của tôi, vấn đề phức tạp mới nảy sinh liên quan đến cái trường gà này là hàng loạt động mại dâm rất lớn hiện đang hình thành và hoạt động công khai ở bên kia cửa khẩu để phục vụ dân cờ bạc, trác táng. Đau xót nhất là trong những “động quỷ” đó lại toàn là các em ở độ tuổi vị thành niên ở nước ta sang. Và cũng từ những “động quỷ” giáp biên này mà rất nhiều đường dây buôn bán phụ nữ và trẻ em hình thành để rồi An Giang trở thành địa phương phức tạp nhất cả nước về tình hình buôn bán phụ nữ, trẻ em.

Đỗ Duy
Bình luận
vtcnews.vn