Bậc thang điện hiện hành, muốn rẻ, dân chỉ nên dùng đèn và quạt

Kinh tếThứ Ba, 04/08/2015 11:45:00 +07:00

(VTC News) - Theo TS Lê Đăng Doanh, bậc 1 thang giá điện hiện hành là dưới 50Kwh rất vô lý vì dưới 50Kwh, người dân biết dùng vào việc gì, chả nhẽ cả tháng chỉ bật đèn và quạt?

(VTC News) - Theo TS Lê Đăng Doanh, bậc 1 thang giá điện hiện hành là dưới 50Kwh rất vô lý vì dưới 50Kwh, người dân biết dùng vào việc gì, chả nhẽ cả tháng chỉ bật đèn và quạt?

Bộ trưởng Bộ Công thương vừa yêu cầu yêu cầu Cục Điều tiết Điện lực (ERAV) nghiên cứu để giảm số bậc thang lũy tiến trong biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt cho người dân từ 6 về còn 3, tiến tới chỉ có một bậc thang.

Giải thích rõ hơn vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết, giá điện bậc thang cho sinh hoạt được xác định theo bậc lũy tiến, với những mục tiêu khá rõ ràng. Bậc thang xác định trên cơ sở khuyến khích việc tiết kiệm năng lượng, sử dụng điện hiệu quả và bảo đảm cho ngành điện phát triển bền vững.
 

Theo Thứ trưởng Cao Quốc Hưng: Cơ sở của việc áp dụng giá điện theo bậc thang như sau: Thứ nhất, việc sản xuất ra điện sử dụng rất nhiều tài nguyên thiên nhiên của đất nước, vì vậy, cũng như nước sinh hoạt và các tài nguyên khác, chúng ta phải khuyến khích sử dụng điện một cách tiết kiệm, hiệu quả.

Thứ hai, trong quá trình hoạt động của hệ thống nhà máy điện, khi nhu cầu thấp thì sử dụng các nhà máy điện có giá thành thấp, nhu cầu lên cao thì từng bước sử dụng những nhà máy điện có giá cao tăng dần. Vì vậy, nhu cầu càng tăng lên thì giá điện sẽ cao hơn nhiều. Tương đương như vậy, nếu chúng ta có một thị trường điện theo giờ như nhiều nước trên thế giới đã áp dụng, thì giờ thấp điểm, giữa điểm và cao điểm có giá cả khác hẳn nhau, theo bậc thang của nhu cầu tăng lên.

Thứ ba, để đáp ứng đầy đủ nhu cầu của xã hội. "Ở đây, ví dụ chúng ta có 6 bậc thì bậc 1, 2 dành cho hộ có thu nhập thấp, còn bậc 5, 6 dành cho những hộ có thu nhập cao hơn. Tức là, mức tiêu thụ điện gần như là tương ứng với thu nhập của các đối tượng khác nhau trong xã hội", Thứ trưởng Hưng lý giả.

Như vậy, việc xác định bậc thang trong biểu giá điện sinh hoạt có cơ sở rất rõ ràng về kinh tế, kỹ thuật, xã hội và đang được áp dụng rộng rãi trên thế giới.

Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cho rằng, việc mỗi nước áp dụng bao nhiêu bậc thang thì tùy theo tính toán cụ thể. "Thời gian qua, chúng tôi thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và đang nghiên cứu, rà soát lại, sẽ xem xét đề xuất để có bổ sung thích hợp hơn. Bất cứ điều chỉnh nào đều có một bộ phận chịu tác động, do đó cần phải cân nhắc kỹ lưỡng việc này để có bậc thang phù hợp hơn so với tình hình thực tế hiện nay", Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cho biết.

Trả lời trên báo chí mới đây, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) cũng cho biết Cục đang nghiên cứu, tập hợp số liệu để xem tác động của biểu giá điện sinh hoạt mới với bậc thang rút gọn từ đó tính toán, đưa ra đề xuất để Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng, việc giảm bậc thang là cần thiết nhưng cần phải thu hẹp khoảng cách về giá điện.

Ông Đinh Quang Tri - Phó tổng giám đốc EVN cũng thừa nhận: Nếu tiêu thụ càng nhiều thì số tiền điện phải trả càng cao.Giá điện được quy định theo bậc thang lũy tiến, vì vậy, càng dùng nhiều thì mức giá ở sau càng cao hơn. Bậc thang lũy tiến thứ 6 nếu dùng từ 401 kWh trở lên có giá lên tới gần 2.600 đồng/kWh.

Vậy nên khi dùng nhiều số kWh điện thì khách hàng sẽ phải trả nhiều tiền hơn.

 
Để biết người tiêu dùng có được hưởng lợi từ việc hạ biểu giá điện xuống còn 3 bậc hay không theo còn phải xem áp hệ số như thế nào.
TS Ngô Trí Long
 
Ông Tri còn ví dụ, nếu 1 hộ khách hàng dùng 300kWh/tháng thì sẽ phải trả khoảng 609.000 đồng. Nhưng nếu dùng lên 450kWh/tháng thì sẽ phải trả khoảng 1.026.000 đồng. Nếu dùng lên đến 600kWh/tháng thì phải trả thêm khoảng 1.400.000 đồng.


Thời gian qua, hóa đơn tiền điện của một số hộ gia đình tăng cao bất thường, gấp 2-3 lần, thậm chí tới 8 lần so với tháng trước mà nguyên nhân được chỉ ra là do cách tính giá điện bậc thang, lũy tiến, dùng nhiều phải trả nhiều của ngành điện.

Trả lời trên báo chí, TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện quản lý giá (Bộ Tài Chính) cho biết, cách tính biểu giá điện 6 bậc là không phù hợp, khiến người tiêu dùng phải trả tiền điện cao gấp đôi, gấp 3 so với bình thường.

So với giá điện bình quân (1.622 đồng), hiện tại nếu sử dụng từ 101- 200 kWh phải trả 2.242 đồng/, tăng 10% ; từ 201- 300 kWh tăng gần 30%, bậc cao nhất là từ 401 kWh trở lên, cao hơn mức giá điện bình quân 1.000 đồng, tương đương với 60%.

Nhưng để biết người tiêu dùng có được hưởng lợi từ việc hạ biểu giá điện xuống còn 3 bậc hay không theo TS. Long còn phải xem  áp hệ số như thế nào.

“Rút xuống thế nào phải tính toán cụ thể. Nếu rút xuống 3 bậc nhưng hệ số 1,8 thì cũng chẳng khác gì giết con người ta”, TS. Ngô Trí Long nhấn mạnh.

“Nếu biểu giá điện rút xuống còn 3 bậc sẽ có nhiều kịch bản được đưa ra, cũng có thể sẽ chia làm 3 bậc như bậc 1 dưới 50 kWh, bậc 2 từ 50- 400 kWh, bậc 3 từ 400 kWh trở lên. Song điều quan trọng là giá điện được tính thế nào. Cái này phải tính toán thật cụ thể để có những điều chỉnh phù hợp, lúc đó người tiêu dùng mới hi vọng được hưởng lợi”, TS Long nói thêm.

PGS. TS. Nguyễn Minh Phong cũng cho rằng, việc để 6 bậc thang giá điện nhưng khoảng giãn cách hẹp nên không giúp gì được nhiều cho việc tiết kiệm điện.

"Theo tôi nên nới rộng mức đầu và giữa, riêng mức cuối có thể tăng giá cao để những hộ tiêu thụ điện quá nhiều sử dụng tiết kiệm hơn", ông Phong cho hay.

Trao đổi với phóng viên VTC News, TS Lê Đăng Doanh cũng cho rằng, 6 bậc thang giá điện hiện nay rất vô lý vì bậc 1 thang giá điện hiện hành là dưới 50Kwh, với bậc này người dân biết dùng vào việc gì, chả nhẽ cả tháng chỉ bật đèn và quạt?

Theo ông Doanh, muốn người dân có lợi, các cơ quan quản lý cần nghiên cứu cẩn thận và nghiêm túc về nhu cầu sử dụng điện của người dân, xem mỗi tháng đa số các hộ dân có nhu cầu sử dụng tối thiểu bao nhiêu là hợp lý, từ đó đưa ra mức bậc thang phù hợp.

Châu Anh
Bình luận
vtcnews.vn