Bác sỹ kể chuyện trói tay bệnh nhân trị chứng lên cơn đập phá của 'đệ tử lưu linh'

Sức khỏeThứ Tư, 09/11/2016 15:09:00 +07:00

Mỗi ngày phòng cấp cứu của Bệnh viện Bạch Mai có 3 – 4 bệnh nhân "đệ tử lưu linh" trong tình trạng xuất huyết tiêu hóa vừa cầm máu thì lại bị sảng rượu; các bác sĩ, điều dưỡng phải trói tay, chân bệnh nhân, tránh những cơn đập phá thiếu kiểm soát.

Cột chặt vì mê sảng

Bệnh nhân Đinh Văn L. quê Hoài Đức, Hà Nội điều trị tại phòng cấp cứu vì chảy máu tiêu hóa. Các nhân viên y tế cùng con trai ông L. phải dùng dây trói chặt chân, tay và cố định đầu ông lại.

infonet__sang_ruou

Bệnh nhân vừa xơ gan, chảy máu thực quản, sảng rượu. Những hình ảnh này hiện hữu hàng ngày ở khoa Tiêu hóa, BV Bạch Mai. 

Nhìn cha với ánh mắt ái ngại và đượm buồn, con trai ông L. chỉ nói: “Bố em đấy, bố em bị chảy máu tiêu hóa đang cấp cứu cầm máu và giờ lại rơi vào tình trạng sảng rượu nên đập phá lung tung, bác sĩ phải cố định lại”. Nói rồi, người con trai ông L. quay mặt đi chỗ khác vì nhìn cha mình thật đáng thương.

Ông L. nghiện rượu nặng nhiều năm nay nhưng không bỏ được. Ông L. nhập viện khi phun ra cả lít máu tươi. TS Vũ Trường Khanh – Phó trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, khi bị nôn ra máu, máu còn đỏ tươi do vỡ ở thực quản, bác sĩ phải nội soi cầm máu cho ông L.

Cùng với ông L., người bệnh Nguyễn Văn H., trú tại Hà Nội, cũng bị chảy máu tiêu hóa và đang phải chằng chịt dây buộc chặt để ông H. không rơi vào trạng thái đập phá. Không chỉ bị chảy máu tiêu hóa mà ông L. còn bị xơ gan do uống rượu nhiều năm liền.

infonet_sang_ruou_2

Dù không muốn cột chặt bệnh nhân nhưng các nhân viên y tế đều phải làm như thế để tránh những cơn rối loạn hưng cảm của bệnh nhân.

Bác sĩ Khanh cho biết, thường những bệnh nhân bị xơ gan sẽ dẫn đến chảy máu tiêu hóa rất nhiều. Bình thường, dòng chảy máu bị chậm bởi mô sẹo trong gan gây ra. Khi máu đến gan bị chậm lại, nó bắt đầu chảy ngược trở lại, gây tăng áp lực trong tĩnh mạch cửa, tĩnh mạch mang máu đến gan.

Áp lực đẩy lượng máu vào tĩnh mạch nhỏ ở gần đó, chẳng hạn như trong thực quản. Những tĩnh mạch dễ vỡ, mỏng bắt đầu thêm máu. Đôi khi các tĩnh mạch có thể bị vỡ và chảy máu, những bệnh nhân này khi cấp cứu đều trên nền điều trị hai bệnh đó là chảy máu tiêu hóa và sảng rượu.

Một điều dưỡng khoa tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, dù biết rằng trông bệnh nhân thật khốn khổ nhưng họ không có cách nào vì trong điều kiện bệnh nhân có dấu hiệu sảng rượu, nếu không cột cố định thì không thể giúp bệnh nhân điều trị bệnh mà còn ảnh hưởng tới các bệnh nhân khác đang điều trị trong phòng.

Khó cai dứt điểm

Bác sĩ Khanh cho biết, những bệnh nhân tiêu hóa kèm theo sảng rượu là do thời gian họ uống rượu, bia quá lâu và khi bị chảy máu tiêu hóa, vào viện cấp cứu 3 – 4 ngày không có rượu uống, họ rơi vào tình trạng phải ngừng uống rượu đột ngột nên dẫn đến tình trạng sảng rượu, hay còn gọi là hội chứng cai.

Các rối loạn cơ thể và rối loạn thần kinh trong hội chứng sảng rượu khiến bệnh nhân bị các rối loạn thần kinh thực vật, sung huyết ngoài da, tăng tiết mồ hôi, tim đập nhanh, huyết áp động mạch dao động (có khuynh hướng giảm), run, giảm trương lực cơ, tăng phản xạ ảo giác, kích động.

Thực tế, bệnh nhân co giật rồi đập phá, la hét. Nếu lần đầu tiên xuất hiện mê sảng có thể gặp cơn dạng động kinh toàn thể hoặc cục bộ. Vì thế bệnh nhân được bác sĩ cột cứng lại và tiêm thuốc an thần.

TS Khanh cho biết với việc này điều trị từ 3 – 4 ngày sẽ hết hội chứng sảng rượu nhưng thường bệnh nhân về nhà lại rơi vào tình trạng tái nghiện dù bị chảy máu tiêu hóa và được bác sĩ khuyến cáo, vì họ rơi vào tình trạng lệ thuộc vào rượu quá lâu.

(Nguồn: Infonet)
Bình luận
vtcnews.vn