Bác sỹ bị hành hung: Có thể liên quan tiêu cực ngành y

Thời sựThứ Bảy, 27/09/2014 03:02:00 +07:00

(VTC News) - Nhà nghiên cứu tâm lý cho rằng, việc các bác sỹ bị đánh có thể liên quan đến những tiêu cực trong ngành y.

(VTC News) - Nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất cho rằng, việc các bác sỹ bị đánh có thể liên quan đến những tiêu cực trong ngành y.

Như VTC News đã thông tin, ngày 20/9 vừa qua, đối tượng Đỗ Mạnh Tuấn (ở ngõ chùa Liên Phái, phố Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng) đã xông vào bệnh viện Thanh Nhàn và đánh bác sỹ Phạm Thanh Tùng bị thương. 

Đây không phải là trường hợp cá biệt, mà gần đây đã liên tiếp xảy ra các vụ hành hung bác sĩ gây phẫn nộ dư luận. Liên quan đến vấn đề này, PV VTC News đã có cuộc trao đổi với Nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất – Giám đốc Công ty tâm lý An Việt Sơn.

- Mới đây đã xảy ra vụ việc một thanh niên đánh gãy xương gò má bác sỹ bệnh viện Thanh Nhàn, theo ông vì sao sự việc đến nông nỗi ấy?

Trong trường hợp này, theo tôi thì người nhà bệnh nhân chỉ biết đến lợi ích của bản thân mình. Họ chỉ quan tâm tới việc con em họ bị đau và yêu cầu phải cấp cứu ngay lập tức dù vết thương của bệnh nhân không quá nặng.

Nhưng cũng không loại trừ trường hợp các bác sỹ đã không giải thích rõ ràng, trọn vẹn để họ hiểu hoặc có những câu nói không vừa ý người nhà bệnh nhân.

Nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất. 
Chính điều này đã khiến người nhà bệnh nhân hiểu lầm, cộng với những ấn tượng không tốt về ngành y tích tụ từ trước thì khiến cho người nhà bị kích động, mất kiểm soát về hành vi. 

Trong tâm lý học, trạng thái này được gọi là “điên nhất thời”, mà người “điên” thì còn biết gì nữa. Khi đó, người ta sẵn sàng phá phách, hành hung, thậm chí là giết người… 

Video nam thanh niên hành hung bác sĩ tại BV Thanh Nhàn



- Những ấn tượng không tốt về ngành y được tích tụ từ trước là sao, thưa ông?

Tôi cần phải nói là người dân bây giờ “tự xử” nhiều quá. Ngay cả giữa những người dân bình thường với nhau, khi có mâu thuẫn, họ sẵn giải quyết bằng bạo lực hoặc trả thù bằng cách đổ chất bẩn vào nhà nhau, phá hoại tài sản của nhau/

Hành động đánh bác sỹ cũng là việc người dân lựa chọn cách “tự xử” nhưng đây còn là một vấn đề xã hội khác hẳn. 
 

Trường hợp bác sỹ làm khó bệnh nhân có hay không? Chắc chắn là có! Nếu nói tiêu cực là con sâu thì ngành y cũng đã có nhiều con sâu rồi. Nhưng chúng taphải có cái nhìn công tâm. Bởi thực tế, những bác sỹ tốt vẫn có rất nhiều, nhiều hơn rất nhiều những con sâu kia. 
Nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất
 

Điều này xuất phát từ lý do sâu xa những mặt trái trong ngành y. Chẳng hạn việc nhiều bệnh nhân phải đưa phong bì cho bác sỹ, nhiều trẻ em tử vong sau khi tiêm vắc xin, vụ nhân bản kết quả xét nghiệm ở Bệnh viện Hoài Đức…

Những tiêu cực đó đã khiến một bộ phận người dân có cái nhìn sai lệch, ấn tượng xấu về ngành y và đội ngũ y bác sỹ. Bởi vậy, chỉ một sai sót nhỏ từ các bác sỹ cũng khiến họ bức xúc và có những hành động thiếu kiểm soát.

- Thưa ông, vậy tại sao nhiều người lại lựa chọn cách “tự xử” thay vì việc nhờ pháp luật giải quyết?

Hiện nay, một số vấn đề tiêu cực xảy đã không được các cơ quan chức năng xử lý thấu đáo. Chẳng hạn trong vụ việc ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang,  giết người thì không bị bắt mà người vô tội lại phải ngồi tù.

Từ đó, nhiều người nảy sinh tâm lý đề phòng, thiếu tin tưởng vào pháp luật. Họ nghĩ nếu để các cơ quan chức năng can thiệp thì sự việc sẽ rất lâu được giải quyết hoặc không có kết quả. Chính vì vậy, họ lựa chọn cách “tự xử”. 

Tất nhiên, đây là cách nghĩ nông cạn, cách hành xử sai lầm. Khi lựa chọn cách tự xử, họ đang làm hại chính bản thân họ và xã hội. 

 Khung cảnh tại bệnh viện Thanh Nhàn khi đối tượng Đỗ Mạnh Tuấn đánh bị thương bác sỹ Phạm Thanh Tùng.
- Sau rất nhiều vụ việc bác sỹ bị hành hung xảy ra, theo ông Bộ Y tế có cần phải xem xét lại vấn đề gì?

Rõ ràng các bệnh viện cần phải xem lại cách phục vụ bệnh nhân của đội ngũ y bác sỹ. Ngành y tế cần phải xem xét lại chính mình, họ đã phục vụ bệnh nhân chu đáo chưa, vì sao lại có nhiều người nhà bệnh nhân “điên nhất thời” với bác sỹ như vậy.

Bác Hồ từng dạy lực lượng công an nhân dân là: “Đối với dân phải kính trọng lễ phép”. Tôi cho rằng, nếu cán bộ ngành y cũng như các nghề khác thực hiện tốt lời dạy này thì chắc chắn không xảy ra những vụ việc người nhà hành hung bác sỹ như thời gian qua. Vấn đề “tự xử” của người dân sẽ giảm đi rất nhiều và có thể chấm dứt.

Đáng tiếc là, nhiều cán bộ công quyền đều biết và thuộc câu nói này, nhưng số người làm theo lại không nhiều hoặc làm không được toàn diện.

Video: Người nhà bệnh nhân liên tiếp hành hung bác sỹ


- Vậy trong một số trường hợp, những hành vi 'điên nhất thời' có đáng được sự cảm thông?

Nếu nguyên nhân xuất phát từ phía đội ngũ y bác sỹ thì đó được coi là một tình tiết giảm nhẹ hình phạt cho người hành hung, chứ không thể thông cảm và nói người đánh bác sỹ là đúng. Vì ai cũng đánh người như vậy thì xã hội sẽ rối loạn.

Nếu bác sỹ có hành vi sai phạm thì đã có các cơ quan chức năng giải quyết. Họ có thể bị kỷ luật, đuổi việc, thậm chí là bị phạt tù nếu phạm tội hình sự. 

Xin cảm ơn ông!

Minh Quyết
Bình luận
vtcnews.vn