‘Bác sĩ tử thần’ giả vờ chữa bệnh sát hại cảnh sát và binh sĩ

Tư liệuThứ Sáu, 10/09/2021 06:47:00 +07:00
(VTC News) -

43 nạn nhân bị sát hại trong vòng 6 tháng và hung thủ lại là người không ai ngờ.

Trung úy cảnh sát Arjuman tại thành phố Kirkuk, Iraq nằm bất tỉnh trong phòng hồi sức sau một ca phẫu thuật bỏ viên đạn ra khỏi ngực. Các bác sĩ mệt mỏi trở về nhà, hài lòng vì vừa cứu được một mạng sống.

Bệnh viện Al-Jumhuriya, bệnh viện lớn nhất và bận rộn nhất Kirkuk – vào lúc này khá yên ắng. 10 giờ 30, một bác sĩ đi dọc hành lang tầng hai vào phòng hồi sức. Anh ta đến bên giường bệnh và tắt nguồn cung cấp oxy. Nửa tiếng sau, Arjuman qua đời.

‘Bác sĩ tử thần’ giả vờ chữa bệnh sát hại cảnh sát và binh sĩ - 1

(Ảnh minh họa: MSF)

Phó chỉ huy đồn cảnh sát Miqdad, thành phố Kirkuk là nạn nhân đầu tiên trong 43 nạn nhân của “bác sĩ tử thần”. Trong 6 tháng, từ tháng 10/2005, bác sĩ Louay Omar Mohammed al-Taei, giữa đám đông trong phòng cấp cứu, âm thầm sát hại các sĩ quan cảnh sát, binh sĩ và quan chức bị thương trong các cuộc tấn công của quân nổi dậy, dù một số chỉ bị thương nhẹ.

Không có lý do rõ ràng nào để nghi ngờ anh ta. Bác sĩ trẻ nhiệt huyết 26 tuổi, tốt nghiệp Đại học Mosul năm 2003, luôn luôn có mặt khi có sự cố lớn, như một vụ tấn công bằng chất nổ hoặc đấu súng, nơi có rất nhiều người chết và bị thương. Dù Kirkuk đã trở nên khá im lặng kể từ khi Mỹ đưa quân vào Iraq năm 2003, bạo lực đã gia tăng ở thành phố trong năm 2005. Hơn 1.500 người chết hoặc bị thương. Vì vậy các nhân viên y tế ở al-Jumhuriya rất vui mừng được giúp đỡ mọi người.

‘Bác sĩ tử thần’ giả vờ chữa bệnh sát hại cảnh sát và binh sĩ - 2

Hàng chục binh sĩ và cảnh sát bị sát hại trong bệnh viện. (Ảnh minh họa)

10 ngày sau khi sát hại Arjuman, bác sĩ Louay lại tấn công một người khác. Lần này, anh ta dùng "phương pháp ưa thích”, tiêm một hỗn hợp thuốc. Những nạn nhân lúc bấy giờ là 4 vệ binh quốc gia Iraq. Họ vào bệnh viện sau một vụ tấn công bằng bom bên đường.

“Họ đến đó để được chữa trị, nhưng họ lại bị giết”, chỉ huy cảnh sát Kirkuk, ông Yagdig Shakir nói. “Tôi có thể hiểu việc bác sĩ đôi khi có sự đồng cảm với quân nổi dậy, nhưng dùng chính vị trí công việc của mình làm công cụ giết người thì thật là vô nhân tính”.

“Giết người không ồn ào”

Louay bị bắt vào tháng 3/2006. Hắn thừa nhận có liên quan đến ít nhất 19 vụ án. Hung thủ nói rằng ra tay giết người “vì ghét người Mỹ và những gì họ làm với Iraq”. Kẻ sát nhân đội lốt bác sĩ đã nghĩ mình có thể thoát tội vì hắn “giết người mà không ồn ào, và không có cơ sở nào trong bệnh viện có thể thực hiện khám nghiệm pháp y đầy đủ”.

‘Bác sĩ tử thần’ giả vờ chữa bệnh sát hại cảnh sát và binh sĩ - 3

Louay thường hạ sát các nạn nhân bằng cách tiêm thuốc. (Ảnh minh họa)

Tin tức về các vụ án mạng đã khiến thành phố chấn động. Những đoạn thú tội của “bác sĩ tử thần” được phát sóng trên truyền hình địa phương. “Làm sao chúng tôi có thể cảm thấy an toàn để đưa người nhà vào bệnh viện khi họ bị ốm hay bị thương nữa?, Ala Mohammed, một cư dân nói. “Tôi có con trai là vệ binh quốc gia Iraq. Nó là người tốt và muốn giúp cho đất nước này. Nhưng nhỡ nó bị thương và phải vào đây (bệnh viện), ai dám đảm bảo không có bác sĩ nào khác ra tay với nó?”

Một bác sĩ khác, sau vụ việc đã chạy trốn đến Hawjia, cũng bị nghi ngờ giúp Louay.

Trong những đoạn video thú nhận, Louay mặc áo màu xám, ngồi trên ghế sofa nói một cách bình tĩnh và tự tin với camera. Anh ta nhắc lại chi tiết những cái tên, thời gian và địa điểm và cho biết đã gia nhập Ansar al-Sunna, một nhóm hồi giáo vũ trang cực đoan vào năm 2005.

Chính trong thời gian giúp đỡ về y tế cho nhóm này, Louay đã nhận được lời đề nghị giết Arjuman, khởi đầu cho chuỗi tội ác.

‘Bác sĩ tử thần’ giả vờ chữa bệnh sát hại cảnh sát và binh sĩ - 4

 

Thử nghiệm thuốc

10 ngày sau vụ Arjuman, Louay được đề nghị “xử lý” nhóm binh sĩ Iraq bị thương do một vụ ném bom bên đường. “Họ có vết thương hở ở nhiều nơi trên người. Nên tôi đã pha hỗn hợp valium, voltaren và decadron tiêm cho họ. Họ chết trong vòng 3 giờ sau. Bệnh viện lúc đó không có thiết bị để phân tích máu của họ, nên không ai biết vì sao họ chết”, hung thủ nói.

Trong những tháng sau đó, Louay thử nghiệm các liều thuốc có sẵn tại bệnh viện. “Có lúc họ bị thương nặng và chảy máu nhiều, tôi dùng voltaren để họ tiếp tục chảy máu và họ sẽ chảy máu đến chết trong hai giờ sau”, kẻ sát nhân lạnh lùng tiết lộ.

Lực lượng an ninh Kurd ở Sulaimaniya gần đó bắt được Malla Yassin, thành viên cấp cao của Ansar al-Sunna, vào 24/2/2006. Yassin “thú nhận ngay lập tức” với hàng loạt thông tin tình báo và lực lượng an ninh tiến hành bắt giữ ít nhất 15 thành viên các tổ chức đã đứng sau những vụ tấn công chết người ở Kirkuk, từ đó dẫn đến bắt Louay.

“Tôi chưa bao giờ nghĩ về chuyện những gì mình gây ra khủng khiếp như thế nào”, Louay nói cuối đoạn phim thú nhận.

Phương Anh(Nguồn: The Guardian )
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp