Bác sĩ ‘rich kid’ bỏ phố lên biên giới

Covid-19Chủ Nhật, 27/02/2022 12:10:00 +07:00
(VTC News) -

Xuất thân trong gia đình giàu có nhưng bác sĩ Dương Minh Tuấn vẫn tình nguyện lên huyện biên giới làm việc và thường xuyên dành tiền lương giúp đỡ bệnh nhân nghèo.

Xuất thân là “rich kid” Hà Nội chính hiệu, nhà mặt phố Trúc Bạch, mẹ là doanh nhân thành đạt, lại tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội danh giá nên ít ai có thể tin Dương Minh Tuấn (SN 1991) lại làm điều này.

Bỏ phố lên biên giới

Thay lựa chọn đi du học hoặc tiếp quản cơ nghiệp gia đình, tháng 2/2020, bác sĩ Dương Minh Tuấn viết đơn tình nguyện vào huyện Minh Hóa (Quảng Bình), vùng đất biên giới hai nước Việt - Lào theo chương trình đưa bác sĩ trẻ về vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo do Bộ Y tế phát động.

Dù bị ngăn cản nhưng anh vẫn quyết tâm và kiên định nói với mẹ: "Con muốn được sống một cuộc đời nhiều tình thương như bố đã từng”.

Bác sĩ Dương Minh Tuấn hồi tưởng: “Từ nhỏ, bố luôn dạy tôi phải cố gắng học tập thật giỏi để đổi đời vì gia đình mình rất nghèo. Cứ thế tôi lớn lên với tâm niệm phải thay đổi để bố mẹ đỡ vất vả, gia đình thoát nghèo. Nhưng cho đến khi bố qua đời, tôi mới thực sự biết được gia đình mình có điều kiện, nói đúng hơn là rất giàu có”.

Bác sĩ ‘rich kid’ bỏ phố lên biên giới - 1

Bác sĩ Dương Minh Tuấn. (Ảnh: NVCC)

Bố của Tuấn qua đời vì một cơn đau tim đột ngột vào mùng 6 Tết Nguyên đán năm 2015, một ngày trước sinh nhật mẹ và chỉ vài tháng trước khi anh tốt nghiệp đại học.

“Tôi nhớ ngày đưa tang bố, đoàn người tiễn đưa dài tắp. Trong đó có những người mà bố tôi từng cưu mang, giúp đỡ lúc khó khăn. Tất cả họ đều khóc. Đó là lý do tôi muốn được sống một cuộc đời vẻ vang như bố đã từng", Tuấn trải lòng.

Khi còn sống, bố của Tuấn là chủ doanh nghiệp lớn về xây dựng. Ông luôn dành 50% lợi nhuận mỗi năm để giúp đỡ những người hoàn cảnh khó khăn. Cũng chính những câu chuyện, hành động đẹp mà bố để lại khiến chàng bác sĩ trẻ càng kiên định hơn với quyết định lên biên giới làm việc.

Tuấn vững tin: "Nếu còn sống, bố nhất định sẽ ủng hộ tôi. Bố đã sinh ra tôi là một người lãng mạn và dạy tôi lấy tình thương làm lẽ sống, nên nếu cả thế gian này đã lựa chọn sống thực tế, thì cứ hãy để tôi làm người lãng mạn và được làm những điều mà nhiều người cho là điên rồ".

Bác sĩ ‘rich kid’ bỏ phố lên biên giới - 2

Bác sĩ Tuấn thăm khám bệnh nhân ở huyện Minh Hoá, Quảng Bình.

Bỏ lại cuộc sống đủ đầy nơi Thủ đô hoa lệ, bác sĩ Tuấn sống trong căn phòng nhỏ tuềnh toàng tại bệnh viện ngay sát biên giới, ngày ngày chữa bệnh cho những bệnh nhân nghèo người dân tộc thiểu số. Anh chọn cách sống vui vẻ với rất nhiều trải nghiệm mà một “rich kid” đất Hà Thành chưa bao giờ hình dung được.

Lần đầu tiên một bác sĩ chuyên khoa nội hô hấp như Tuấn phải lo từ A-Z trong ca trực của mình. Nào là đo nhịp tim, huyết áp, khám lâm sàng, kể cả tham gia đỡ đẻ cho sản phụ. Cũng nhờ vậy, sau gần 2 năm làm việc ở đây, Tuấn trở thành bác sĩ “đa di năng” khi kiêm luôn cả nhiệm vụ của điều dưỡng, y tá, hộ lý, chuyên gia tâm lý…

Ngoài thời gian làm việc, Tuấn thường viết tản văn kể lại quá trình làm việc, điều trị cho bệnh nhân, những tâm sự, nỗi niềm của bản thân khi chứng kiến hoàn cảnh của bà con dân tộc thiểu số ở huyện Minh Hoá. Những câu chuyện ấy được Tuấn tập hợp lại thành sách, xuất bản.

“Những chất liệu cuộc sống ấy không phải ai cũng được trải nghiệm, tôi muốn ghi lại để mọi người cùng đọc, cùng hiểu và có thêm những cái nhìn nhân văn hơn nữa với hoàn cảnh, bệnh nhân nghèo nơi biên giới”, Tuấn chia sẻ.

Dành tiền lương chữa bệnh cho dân nghèo

Kể từ ngày bác sĩ Dương Minh Tuấn đến Bệnh viện Đa khoa huyện Minh Hóa làm việc, mọi người đã quen với việc giới thiệu bệnh nhân không đủ tiền phẫu thuật đến gặp anh, bởi rất nhiều lần, bằng cách này hay cách khác, dù là dùng tiền lương, dù là xin mẹ, hay kêu gọi bạn bè trên mạng xã hội..., Tuấn đều cố tìm cách mang tặng những người bệnh khó khăn phép màu nho nhỏ để giữ họ lại với cuộc đời.

Làm việc ở Bệnh viện Đa khoa Minh Hóa, cả lương và phụ cấp đặc biệt được gần 10 triệu đồng nhưng Tuấn hầu như không tiêu đến. "Khi nào hết ca trực, tôi dịch tài liệu tiếng Anh cho một đồng nghiệp ở Hà Nội và dùng số tiền đó để sinh hoạt hàng ngày. Còn tiền lương tôi để dành, đến lúc có bệnh nhân khó khăn sẽ giúp đỡ", Tuấn nói.

Nhờ sự giúp đỡ ấy, có bà mẹ đơn thân nuôi 3 con nhỏ đã đủ tiền ra Hà Nội mổ tim, có bệnh nhân nghèo chết mà chưa có quan tài để chôn được Tuấn đi bộ vào tận bản đưa tiền giúp gia đình.

Bác sĩ ‘rich kid’ bỏ phố lên biên giới - 3

Bác sĩ Tuấn đến nhà người dân huyện Minh Hoá, Quảng Bình để thăm khám sức khoẻ.

Bệnh viện Đa khoa huyện Minh Hóa có hơn 100 y bác sĩ và cán bộ công nhân viên. Nếu tháng nào Tuấn "ăn chực" xoay vòng ở nhà các đồng nghiệp, thì ai cũng hiểu tháng đó Tuấn đã giúp người bệnh quá số tiền có được.

Tự nhận bản thân là người "ăn nhiều, nói nhiều và hài hước", ở Bệnh viện Đa khoa huyện Minh Hóa, Tuấn trò chuyện với tất cả bệnh nhân của mình, thuộc lòng từ tên tuổi đến hoàn cảnh gia đình của họ, pha trò khi họ bi quan vì bệnh tật. Để làm được điều đó, đôi khi Tuấn không ngại ngần xin ăn cùng suất cơm với bệnh nhân.

Tuần đầu đến Bệnh viện Minh Hóa, nhiều người e dè, nhiều người nghi ngờ cậu thanh niên Thủ đô khó thích nghi với nơi này. Nhưng bây giờ, không còn ai ở Minh Hóa, dù là bác sĩ hay bệnh nhân nhớ đến việc Tuấn là "bác sĩ người thành phố".

Tuấn tươi cười: "Bây giờ tôi có cả bố mẹ nuôi ở Minh Hóa. Đó là một bác gái người dân tộc Chứt bị bục dạ dày, nhưng vì nghe lời các hội nhóm mà không chịu phẫu thuật. Cả gia đình không ai thuyết phục được, cuối cùng tôi tỉ tê khuyên nhủ lại nghe. Đến lúc ra đến bệnh viện Hà Nội, bác sĩ ca mổ nói chỉ chậm 2 tiếng nữa là chết rồi. Vậy là sau đó tôi thành con nuôi của bác. Tháng nào bác cũng sang chơi, cho đồ ăn và lo lắng cho sức khoẻ của tôi".

Gần hai năm gắn bó với mảnh đất biên giới, Tuấn chưa từng hối hận về quyết định của mình. Ở đây, bản thân anh tự thấy nhận được nhiều điều hơn là mất. Tuấn có thêm bạn, người thân và những trải nghiệm đắt giá mà ít bác sĩ trẻ có được.

Về dự định sắp tới, Tuấn nói sẽ tiếp tục làm việc ở Minh Hoá để giúp đỡ thêm nhiều bệnh nhân nghèo. Từng bước đi của anh luôn có mẹ đồng hành và bố dõi theo.

“Tuấn là người có nghiệp vụ chuyên môn tốt, là cán bộ hoạt động phong trào Đoàn hết sức năng nổ, giàu lòng nhân ái. Trong thời gian công tác tại Minh Hóa, bác sĩ Tuấn nhiều lần kêu gọi, giúp đỡ bệnh nhân hoàn cảnh khó khăn, thậm chí là dùng tiền lương để hỗ trợ bệnh nhân nghèo”, Bác sĩ Đỗ Thanh Bình, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Minh Hóa (Quảng Bình) nói.

Những cái chết trong gang tấc

Tháng 10/2021, dịch bệnh COVID-19 bùng phát tại huyện Minh Hoá. UBND tỉnh Quảng Bình quyết định thiết lập cơ sở điều trị COVID-19 thuộc Bệnh viện Đa khoa huyện Minh Hóa, hoạt động từ ngày 21/10/2021.

Từng có kinh nghiệm “chinh chiến” hơn 3 tháng ở tâm dịch TP.HCM, bác sĩ Dương Minh Tuấn được bệnh viện giao phụ trách chính cơ sở điều trị này cùng 4 bác sĩ, 6 điều dưỡng và 3 nhân viên y tế khác.

Mỗi ngày, Bệnh viện Đa khoa Minh Hoá đều tiếp nhận thêm bệnh nhân dương tính nCoV, có ngày tới cả chục ca nhập viện. Điều đó khiến khối lượng công việc của nam bác sĩ gốc Hà Nội và đồng nghiệp tăng lên rất nhiều.

Hàng ngày, Tuấn thức dậy lúc 6h sáng để đi bộ một vòng quanh khu điều trị. Một tiếng sau, anh khoác lên mình chiếc áo blouse trắng, rồi tiếp đến là bộ đồ bảo hộ xanh kín mít từ đầu đến chân, bắt đầu đi thăm khám cho bệnh nhân COVID-19. Trong lúc điều dưỡng viên đo nhịp tim, huyết áp, cặp nhiệt độ, Tuấn đứng bên cạnh theo dõi, rồi khám lâm sàng, từ đó ra y lệnh điều trị phù hợp với từng bệnh nhân.

Khu Tuấn làm việc vốn là khu thu dung và phân loại bệnh, thuộc tầng 1 trong phân tầng điều trị. Vậy mà từ hồi dịch bùng phát, khu này kiêm luôn việc điều trị và cấp cứu bệnh nhân COVID-19 vì các tuyến trên đều đang bị quá tải, chỉ những bệnh nhân thật sự nặng cần cấp cứu và can thiệp ống thở mới được ưu tiên chuyển đi.

Bình quân một ngày khoảng 50 – 60 bệnh nhân COVID-19 điều trị tại Bệnh viện đa khoa Minh Hoá. Bác sĩ Tuấn và đồng nghiệp phải làm việc cật lực, vừa khám cho bệnh nhân cũ, vừa hoàn thành thủ tục đón bệnh nhân cấp cứu, cho bệnh nhân nặng thở oxy…

Nhớ lại những ngày ở tâm dịch TP.HCM, “phòng cấp cứu bệnh nhân COVID-19 lúc nào cũng hoạt động hết công suất, cảm giác giống khu chờ ở sân bay, cứ chuyến bay này vừa cất cánh thì chuyến bay khác lại thế chỗ, liên tục, liên tục. Nhiều khi tôi và đồng nghiệp không còn ý niệm về thời gian. Ăn uống cũng thất thường, khi đỡ việc thì luân phiên nhau trông chừng bệnh nhân để đi ăn tạm gì đó cho qua bữa. Có khi ăn sáng vào lúc 10g và đó là bữa ăn duy nhất trong ngày. Ngủ thì chỉ tầm 4 tiếng mỗi ngày”, bác sĩ Tuấn chia sẻ.

Những ngày làm việc trong khu điều trị bệnh nhân COVID-19 ở TP.HCM, Tuấn nhớ nhất là vợ chồng ông Giàng và bà Xuyến, cùng 79 tuổi, có kết quả dương tính SARS- CoV-2, nhập viện hồi đầu tháng 11/2021. Bệnh tình của ông Giàng có phần nặng hơn nên các bác sĩ dự tính chuyển ông lên tuyến trên. Bà Xuyến đòi đi theo, trong khi tuyến trên lại chỉ còn chỗ cho 1 người. Sau một hồi giải thích bà mới đồng ý ở lại.

“Nói là nặng hơn thôi chứ ông đi lại cười nói khoẻ lắm, thi thoảng thấy hơi hụt hơi, spO2 tụt xuống dưới 93% chút nhưng nghỉ tí là lại bình thường. Ấy vậy mà chỉ một giờ sau ông Giàng suy hô hấp nặng hơn, thông khí nằm sấp, thở oxy qua mask không cải thiện. Sau khi đưa ông lên tuyến trên được chừng 3 tiếng, điện thoại của tôi bỗng rung lên, tin nhắn của điều dưỡng Lành: “Ông Giàng mới qua đời rồi anh ạ! Diễn biến nhanh quá”. Đọc tin nhắn, tôi sốc nhưng vẫn phải nén lại nỗi buồn để tiếp tục quay lại công việc với các bệnh nhân khác”, Tuấn kể.

Cũng trong buổi chiều hôm đó, bà Xuyến bắt đầu suy hô hấp nặng hơn. Bà kêu khó thở, spO2 tụt, nhịp thở nhanh và nông như cái máy may gõ nhịp, cần chuyển lên tuyến trên gấp. Bà chưa biết chồng mình đã ra đi mãi mãi nên dặn bác sĩ Tuấn khoan thông báo cho ông, vì sợ ông sẽ lo lắng.

Một sự trùng hợp đau lòng, cũng 3 tiếng sau khi bà Xuyến chuyển viện, lại có tin bà đã mất. Tuấn thực sự sốc. Anh ngồi xuống chiếc ghế đá ngoài sân khu điều trị, lòng quặn thắt.

Chứng kiến những cái chết nhanh chóng của bệnh nhân trong đại dịch, bác sĩ Dương Minh Tuấn trầm ngâm: “Cuộc đời dài thật dài mà ngắn cũng thật ngắn. Những thời điểm đại dịch thế này, tôi càng cảm nhận mạnh mẽ hơn cái sự vô thường vốn lẽ…"

Hà Cường
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp