Bác kháng cáo của 4 công ty đòi tiền Vietinbank

Pháp luậtThứ Tư, 30/05/2018 15:16:00 +07:00

HĐXX đã bác kháng cáo của 4 công ty đòi Vietinbank trả tiền và khẳng định trách nhiệm trả tiền cho các công ty thuộc về Huyền Như.

Sáng 30/5, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã tuyên y án sơ thẩm 7 năm tù giam với bị cáo Võ Anh Tuấn về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tổng hình phạt, bị cáo Võ Anh Tuấn phải lĩnh án 27 năm tù giam.

Về kháng cáo của bị cáo Võ Anh Tuấn, HĐXX cho rằng không có tình tiết mới để xem xét giảm nhẹ trách nhiệm. Việc Võ Anh Tuấn giúp Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt tiền của Công ty Hưng Yên (hơn 200 tỷ đồng) được tách ra xét xử riêng chứ không phải xét xử 2 lần trên 1 hành vi như bị cáo nêu.

Còn bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như không kháng cáo, chấp hành theo bản án sơ thẩm đã tuyên ngày 9/2, với mức án chung thân và bồi thường số tiền đã chiếm đoạt của 5 công ty là 1.085 tỉ đồng.

1122444

HĐXX tuyên y án sơ thẩm vụ "siêu lừa" Huyền Như. 

Đối với kháng cáo của các nguyên đơn dân sự, HĐXX thấy rằng, Huyền Như đã thực hiện hành vi lừa đảo 4 công ty.

Cụ thể, đối với Công ty SBBS, tháng 5/2011, qua môi giới, giới thiệu, Huyền Như thỏa thuận trả chênh lệch lãi suất 2%-7% thông qua các hợp đồng ủy thác. Khi SBBS chuyển hơn 200 tỷ đồng vào tài khoản mở tại ngân hàng thì bị Huyền Như chiếm đoạt. Ngoài việc chi riêng tiền cho môi giới, Như còn chuyển tiền lãi ngoài hợp đồng cho SBBS là 4,2 tỷ đồng.

Tương tự, thông qua môi giới, thỏa thuận trả chênh lệch ngoài hợp đồng 2%/năm, Huyền Như đã chiếm đoạt của Công ty Toàn Cầu số tiền chuyển vào ngân hàng. Số tiền chênh lệch ngoài hợp đồng và tiền môi giới cũng được chi trả, nhưng những người nhận trong hành vi này không thừa nhận.

Đối với Công ty Phương Đông và Công ty An Lộc, thông qua bà Lê Thị Thanh Phương – nguyên Giám đốc Khối nguồn vốn TPBank, Huyền Như thỏa thuận chi lãi ngoài hợp đồng số tiền chênh lệch 5%-5,5%/năm. Khi hai công ty này chuyển tiền thì Như đã giả chữ ký, làm giả con dấu để chiếm đoạt.

Về thủ tục mở tài khoản, Huyền Như yêu cầu các công ty mở tài khoản tại Vietinbank để thể hiện ý đồ chiếm đoạt ngay từ đầu. Từ đó, Như đã quan sát để giả chữ ký, con dấu để làm lệnh chi giả. Việc mở tài khoản theo sắp xếp của Như để thuận lợi cho Như rút tiền. Việc giao dịch mở tài khoản cũng không thực hiện tại trụ sở ngân hàng.

Các hợp đồng ủy thác đầu tư, hay hợp đồng tiền gửi Như đều làm giả, một số trường hợp Như có xin chữ ký của lãnh đạo. Lãnh đạo Vietinbank không biết thỏa thuận của Như nên không có cùng ý chí với các bên, vì thế hợp đồng này không có giá trị thực hiện….

Từ các nhận định của mình, HĐXX cấp phúc thẩm tuyên bác kháng cáo yêu cầu Vietinbank trả tiền của các nguyên đơn dân sự. Trách nhiệm này thuộc về Huỳnh Thị Huyền Như.

Theo bản án sơ thẩm, Huyền Như đã chiếm đoạt 1.085 tỷ đồng của 5 công ty. 4 công ty gồm: SBBS; Bảo hiểm Toàn Cầu; Chứng khoán Phương Đông; Đầu tư và Thương mại An Lộc mất hơn 880 tỷ đồng đồng loạt kháng cáo đòi tiền từ Vietinbank. Riêng Công ty Hưng Yên không kháng cáo.

Do vậy, HĐXX không chấp nhận kháng cáo của 4 nguyên đơn.

Video: Xét xử bác sĩ Hoàng Công Lương trong vụ 8 người chết

Minh Hải
Bình luận
vtcnews.vn