Bác Hồ trong những ngày đầu tiên độc lập

Thời sựThứ Sáu, 03/09/2010 12:36:00 +07:00

Thường buổi sáng đầu giờ là cuộc hội ý Thường vụ Trung ương Đảng, sau đó là Bác tiếp khách, tiễn khách về là Người lại ngồi viết thư, báo...

Bác làm việc suốt ngày. Thường buổi sáng đầu giờ là cuộc hội ý Thường vụ Trung ương Đảng, sau đó là Bác tiếp khách, tiễn khách về là Người lại ngồi viết thư, báo bằng cách cặm cụi mổ cò trên chiếc máy chữ nhỏ mang theo từ chiến khu...

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm viện Viễn Đông Bác Cổ (10/1945) 
Tối ngày 23/8/1945, Bác Hồ đi đò qua sông Hồng đến làng Gạ. Chiều 25/8, Người vào nội thành Hà Nội và đến ở tầng 2 nhà 48 Hàng Ngang. Bắt đầu từ tối 2/9, Người chuyển đến Bắc Bộ Phủ và ở đây đến cuối tháng 10.  Bắc Bộ Phủ lúc đó gồm tòa nhà số 12 phố Hăngriviơ (nay là phố Ngô Quyền), kéo dài đến sát phía sau Bưu điện Hà Nội, bên phải là văn phòng Khâm sai, bên trái là vườn hoa Chí Linh (nay là chỗ đặt tượng đài Lý Thái Tổ). Sau khi giành chính quyền, Văn phòng Chính phủ cùng một số cơ quan Bộ cũng đến đặt trụ sở trong phủ Khâm sai.

Nhà Bắc Bộ Phủ gồm hai tầng chính và một tầng hầm. Bác ở căn phòng nhỏ trên gác hai trang trí rất giản dị: bàn làm việc, mấy chiếc ghế gỗ mặt đan mây hình lục lăng và chiếc ghế xích đu bằng song. Tầng dưới Bác tiếp khách ở phòng khách cũ, còn phòng ăn chỉ sử dụng khi Chính phủ mở tiệc tiếp thượng khách. Sáng 3/9/1945, tại Bắc Bộ Phủ (trụ sở tạm thời của Chính phủ). Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Phiên họp được tiến hành giản đơn, không có nghi thức. Ông Vũ Đình Hòa nhớ lại buổi họp quan trọng này: "Các vị bộ trưởng "nhân dân" an tọa xung quanh chiếc bàn dài gỗ mun, trải tấm dạ xanh. Vài người rì rầm, không khí nghiêm trang khác thường. Chiếc đồng hồ treo, khung chạm trổ, gõ tám tiếng trịnh trọng vừa dứt thì cánh cửa một phòng hé mở, ông Đổng lý văn phòng Hoàng Minh Giám khẽ nói: "Cụ Hồ Chí Minh" rồi rời nhanh chỗ ngồi.

Cửa phòng mở rộng, Cụ Chủ tịch Chính phủ lâm thời hiện ra. Một ông già thon thon, quần áo kaki vàng nhạt, cổ áo cài khuy, chân bọc trong đôi giày vải đen, êm. Mặt gầy, trán cao, râu đen, dài thưa, điểm vài sợi bạc, đôi mắt sáng lóng lánh như gương... Tôi tranh thủ vào lúc tạm nghỉ, đến nói nhỏ với anh Hoàng Minh Giám xin hộ với Chủ tịch cho tôi được "yết kiến" Cụ Chủ tịch lúc nào đó vào ngày mai, vì có chuyện gấp ở Bộ Giáo dục mong được Cụ Chủ tịch chỉ giáo...

May quá, khi mọi người đã ra về, thì anh Giám báo tin là Cụ sẵn sàng cho tôi gặp ngay lúc này, ở phòng làm việc của Cụ, cuối hành lang. Tôi vội chạy tới, Cụ đã đợi ở cửa. Một phòng nhỏ xíu, vừa là phòng làm việc, vừa là phòng ngủ: một bàn nhỏ, hai ghế tựa, một kệ sách báo, một giường hẹp, gỗ tạp, chiếu cói, màn sô. Tôi trình Cụ Chủ tịch anh em sinh viên rất nóng lòng muốn biết ngày Chính phủ mở cửa lại các trường đại học và tổ chức thi tốt nghiệp kỳ hai. Các sinh viên đã đỗ kỳ một thì xin được Chính phủ công nhận và cấp bằng. Cụ Chủ tịch tươi cười tán thành yêu cầu của sinh viên, còn ngày giờ và cách thức cụ thể thì tùy Bộ quyết định. Bắt tay tôi tạm biệt, Hồ Chủ tịch còn dặn với: 

“Chú nên lo ngay việc giải quyết nạn mù chữ cho đồng bào nghèo". Để thực hiện dân chủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kính cáo đồng bào về việc tiếp nhân dân và các đoàn thể: "... tôi sẽ vui lòng tiếp chuyện các đại biểu của các đoàn thể như: các báo Việt và Tàu, Văn hóa thế giới, Công giáo, Công hội, Thương giới, Thanh niên, Hoa kiều, Công chức, Phật giáo, Nông hội, Phụ nữ, Nhi đồng... Xin chú ý:

1. Gửi thư nói trước, để tôi sắp thì giờ rồi trả lời cho bà con, như vậy thì khỏi phải chờ đợi mất công.

2. Mỗi đoàn đại biểu, xin chớ quá 10 vị.

3. Mỗi lần tiếp chuyện, xin chớ quá 1 tiếng đồng hồ".

Thế là cửa trước Bắc Bộ Phủ đông vui tấp nập, nhân dân Hà Nội và các vùng ngoại thành náo nức đến thăm nơi Cụ Hồ ở và làm việc, kể cả bọn Tưởng và quân Đồng minh cũng kéo đến quấy quả Bác từ chuyện gạo, tiền, nhà ở và cả thuốc phiện. Đồng bào ta đến xin gặp Chủ tịch rất đông, cao điểm là hai ngày 6, 7/9 (20 và 32 đại biểu) chủ yếu là báo giới và trí thức cũ.

Một đại biểu trẻ thắc mắc: "Thưa Cụ, Cụ kêu gọi xây dựng đời sống mới sao lại thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư của Khổng Tử đề ra cách đây đã mấy ngàn năm?", Bác nhìn mọi người cười hiền hậu rồi giải thích bằng cách so sánh rất dễ hiểu: "Tôi hỏi lại chú nhé? Cơm hàng ngày chúng ta ăn có từ bao lâu rồi? Không khí chúng ta thở có từ bao giờ? Thực hiện đời sống mới không phải cái gì cũ cũng bỏ đi hết cả. Những cái cũ mà vẫn thúc đẩy cuộc sống thì cần phải giữ gìn nó".

Hồ Chủ tịch đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945. 
Bác làm việc suốt ngày. Thường buổi sáng đầu giờ là cuộc hội ý Thường vụ Trung ương Đảng (Thường vụ vẫn bí mật bố trí cho Bác ở số nhà 8 Lê Thái Tổ ngay sau Thủy tạ. Đây là nhà của ông Hồ Đắc Điềm, một nhân sĩ yêu nước. Sáng sáng, các đồng chí Trung ương trao đổi công việc và ăn sáng cùng Bác, nhưng cũng có hôm Bác ăn và bàn việc luôn ở Bắc Bộ Phủ để tranh thủ thời gian), sau đó là Bác tiếp khách, tiễn khách về là Người lại ngồi viết thư, báo bằng cách cặm cụi mổ cò trên chiếc máy chữ nhỏ mang theo từ chiến khu. Về Hà Nội, Bác được cấp tiêu chuẩn mỗi tháng 200 đồng cho việc ăn uống. Bữa sáng của Bác thường là cháo hoa với đường cát và quả chuối tráng miệng (lần Cụ Huỳnh Thúc Kháng ra Hà Nội gặp Bác, hai Cụ dùng điểm tâm món xôi ngô và bánh đa nướng).

Bữa trưa, Bác thường xuống tầng dưới ăn chung với anh em, có gì ăn nấy. Cơm chủ yếu là rau muống đỏ và muối vừng. Rau làm các món xào, luộc chấm muối hoặc tương bần. Bữa nào sang có cá mè kho mặn. Một hôm, Bác đang dùng cơm thì Cố vấn Bảo Đại đến thăm, nhìn mâm cơm của Chủ tịch nước chỉ có rau xào, đậu kho và bát canh nên ông ta đề nghị: "Bữa cơm của Chủ tịch thanh đạm quá. Nếu Chủ tịch cho phép tôi sẽ mang thức ăn Huế đến để Chủ tịch dùng", Bác vui vẻ trả lời: "Cảm ơn Cố vấn, tôi ăn cùng anh em đã thành quen lệ rồi".

Một lần Bác bận việc về muộn, anh em sơ ý quên phần thức ăn nhưng Bác vẫn vui vẻ ngồi vào bàn ăn đủ hai bát cơm như thường lệ. Sau bữa trưa, Bác ngả mình trên chiếc ghế xích đu chợp mắt mươi phút. Tỉnh dậy, Người bắt đầu đọc báo, xem tin. Có hôm Người đi thăm các công sở, văn phòng, bộ đội mà không báo trước.

Buổi tối, Bác cũng thức khuya đọc báo, đọc sách nắm tình hình và để kiểm tra, góp ý với các báo về việc phổ biến chủ trương chính sách của Đảng và đấu tranh chống luận điệu xuyên tạc của bọn phản cách mạng. Những bài quan trọng trên báo chí nước ngoài, Bác đánh dấu để anh em cắt dán vào một tập theo dõi riêng. Thấy Bác làm việc căng thẳng, ăn uống lại không có gì nên anh em bảo nhau thỉnh thoảng nấu món kha khá bồi dưỡng cho Bác nhưng Người nói ăn không ngon bởi đồng bào cũng đang bị nạn đói đe dọa thì người cán bộ không nên tạo ra một khoảng cách trong sinh hoạt với quần chúng.

Một lần, từ Cao Bằng về Hà Nội gặp Bác báo cáo công việc, đồng chí V.A mặc một bộ quần áo lụa mới được tặng, Bác khuyên: ''Đồng bào cho cũng không nên mặc. Việt Minh mình mới giành được chính quyền mà cán bộ đã ăn mặc đẹp là không nên''. Nhưng trong một lần ngồi nói chuyện, thấy đồng chí cán bộ cứ dúi chân vào gầm ghế vì ngại đi đôi giày mới, Bác bảo: "Giày hỏng thì đồng chí đóng đôi giày mới có gì phải ngại".

Biết bao công việc phải lo toan nhưng Bác vẫn không quên các cháu thiếu nhi. Ngày tết Trung thu của các cháu, ngày khai giảng năm học mới, Người đều viết thư căn dặn, động viên và đặt niềm tin vào thế hệ trẻ của một nước mới độc lập. Một ngày se lạnh, gió vun vút lùa vào cửa kính, Bác thức giấc khoảng 4 giờ sáng, ngoài đường có tiếng trẻ em rao hàng vọng lên, Người mở cửa ngó nhìn xuống cho tới khi em bé đi khuất mới từ từ khép cửa lại.

Bác thường thức rất khuya và dậy sớm để sửa chữa và bổ sung những nội dung quan trọng đã viết. Mỗi nhiệm vụ Bác đều phân tích cụ thể sâu sắc, chỉ ra việc làm và tự mình làm trước. Sau khi ra lời kêu gọi "sẻ cơm nhường áo" cứ 10 ngày một lần Bác lại nhịn một bữa rất nghiêm túc. Một buổi trưa, Bác bị cảm đột ngột, nhìn thấy Bác gầy rộc, da xanh, mắt trũng sâu, anh em đề nghị Bác không nên nhịn ăn, Người ôn tồn nói: "Bác kêu gọi đồng bào 10 ngày nhịn một bữa thì Bác cũng phải gương mẫu nhịn ăn như đồng bào, chứ các chú nói Bác cứ ăn thì làm gương cho ai được?".

Có nhiều anh em băn khoăn: vậy thì trong những ngày ấy Bác Hồ chẳng được nghỉ ngơi bao giờ sao? Thư ký của Bác kể rằng: "Trả lời câu hỏi này thật khó. Nói Bác nghỉ ngơi theo nghĩa thông thường thì không, Bác không nghỉ. Buổi sáng, Bác đến Bắc Bộ Phủ từ khi thành phố còn ngủ yên. Bác gọi anh em bảo vệ cùng tập thể dục với mình, sau đó lên phòng làm việc và ngồi ở đó cho tới trưa, nghỉ ăn cơm rồi nằm thiêm thiếp một lát cho đỡ mệt ở đivăng một phòng nào đó (Bắc Bộ Phủ hồi đấy còn rất nhiều phòng để trống, trong đó có nhiều đivăng) hoặc có khi ở dưới phòng anh em bảo vệ. Chiều cũng như sáng, lúc nào tôi bước vào phòng Bác cũng thấy Bác ngồi trước bàn trong tư thế quen thuộc, đầu cúi, mắt hơi nheo lại vì khói thuốc từ những ngón tay bay lên.

Có những hôm đầu óc căng quá, Bác chạy xuống với anh em bảo vệ, hỏi chuyện đời sống của gia đình anh em, tình hình các địa phương quê họ, thậm chí đánh nhanh với họ một ván cờ, rồi quay trở lại ngay lập tức với công việc. Bác thường ghi ý kiến lên những mẩu giấy nhỏ để chuyển cho những người có liên quan, những vấn đề suy nghĩ Bác cũng ghi lên mẩu giấy vụn như vậy, làm việc xong thì vò nát vứt vào sọt. Có lần, trước khi giao cho đồng chí cần vụ mang đi đốt giấy trong sọt vào cuối ngày (đó là kỷ luật bảo mật, phải nghiêm túc tuân thủ) tôi tò mò xem lại các giấy tờ bỏ đó và phát hiện mấy câu thơ của Bác Hồ.

Kể ra, nếu hồi ấy tôi hiểu được rằng trong những mẩu giấy vứt đi ấy có nhiều cái sẽ trở thành tài liệu quý giá soi rọi những thế hệ sau về tư duy của Bác thì tôi đã giữ lại những tờ không nhất thiết phải đốt, và di sản tư tưởng của Bác sẽ phong phú hơn. Anh Trường Chinh cứ sáng sớm lại gọi điện cho tôi hỏi tình hình sức khỏe của Bác. Anh Nguyễn Lương Bằng thì quan tâm tới chuyện ăn uống hàng ngày của Bác. Nhưng chưa ai kịp nghĩ tới chuyện tổ chức cho Bác được nghỉ ngơi, tôi cũng không biết bày trò gì cho Bác giải trí.

Mời Bác đi xem kịch, xem chiếu bóng thì không được rồi. Bảo vệ không nổi, mà Bác cũng chẳng chịu đi, chẳng cần hỏi cũng biết Bác không chịu. Chỉ còn có cách thỉnh thoảng vào phòng Bác, trong câu chuyện công việc tôi kể thêm ít câu chuyện tào lao để Bác được bứt ra khỏi công việc trong chốc lát. Nhưng nói chuyện về các địa phương tôi đã đi qua, về phong tục đặc biệt đâu đó thì Bác nghe, chuyện lan man quá thì Bác đột ngột cắt ngang, bắt tôi quay về với chuyện công việc, hoặc bảo tôi về phòng mình, chuẩn bị cho Bác tài liệu này nọ...".

Suốt cả tháng đầu tiên sau ngày đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, Bác Hồ bận rộn hầu như suốt cả ngày lẫn đêm, lo toan những nhiệm vụ quan trọng của đất nước nhưng vẫn quan tâm đến mọi tầng lớp nhân dân từ những việc nhỏ nhất, Người thường căn dặn cán bộ không nên coi thường những việc nhỏ vì việc nhỏ mà làm không tốt thì việc lớn không thể làm xong...

Theo CAND
Bình luận
vtcnews.vn