Bác Hồ làm gì trong ngày Tết Độc lập đầu tiên?

Thời sựThứ Sáu, 31/01/2014 06:47:00 +07:00

(VTC News) - Bác Hồ đứng lặng, một giọt nước mắt long lanh bên khóe mắt bởi đã bao nhiêu năm, đêm nay Bác mới được hưởng cái Tết cổ truyền của dân tộc ở giữa thủ đô đã thoát khỏi ách nô lệ.

Ngày 2/2/1946 (tức mồng 1 Tết Bính Tuất), Tết Độc lập đầu tiên, ông Vũ Kỳ, thư ký của Bác viết: “Sáng dậy sớm, chưa tới giờ làm việc Bác đã bảo lấy giấy ra khai bút...
 ảnh: Bác Hồ chia quà Tết cho các cháu nhỏ ở Hợp tác xã Khe Cát, huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh ngày 2/2/1965.

 Bác Hồ chia quà Tết cho các cháu nhỏ ở Hợp tác xã Khe Cát, huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh ngày 2/2/1965.

Bác đọc cho ông Vũ Kỳ viết những dòng mở đầu: “Hôm nay là mồng Một Tết, ngày Tết đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà...”. Cuối thư, bác đề mấy câu thơ kèm khẩu hiệu:
“Trong năm Bính Tuất mới
Muôn việc đều tiến tới
Kiến quốc mau thành công
Kháng chiến mau thắng lợi!
Việt Nam độc lập muôn năm”.
Trong “Thư chúc mừng năm mới” được đăng toàn văn trên báo Cứu Quốc (ra ngày mồng 3 Tết), trong đó Bác kêu gọi: “Trong khi đồng bào ở hậu phương đốt hương trầm để thờ phụng Tổ tiên, thì các chiến sĩ ở tiền phương dùng súng đạn để giữ gìn Tổ quốc. Trong khi đồng bào ở hậu phương rót rượu mừng xuân, thì các chiến sĩ ở tiền phương tuốt gươm giết giặc... Chúng ta quyết không để cho bọn thực dân trở lại đè nén chúng ta”.
Cũng trong dịp này, báo “Quốc gia”, cơ quan của một số trí thức Hà Nội ra số Xuân, Bác gửi thơ mừng:
“Tết này mới thật Tết dân ta
Mấy chữ chào mừng báo Quốc gia
Độc lập đầy vơi ba chén rượu
Tự do vàng đỏ một rừng hoa
Muôn nhà chào đón xuân Dân chủ
Cả nước vui chung phúc Cộng hoà
Ta chúc nhau rồi ta nhớ chúc
Những người chiến sĩ ở phương xa”.
Trong bức thư gửi báo “Tiếng gọi phụ nữ”, Bác cũng nhắn nhủ:
“Năm mới Bính Tuất
Phụ nữ đồng bào
Phải gắng làm sao
Gây “Đời sống mới”...”.
Trước đó, đêm ba mươi Tết, trời rét và mưa lất phất, ăn cơm tối xong, Bác đến chỗ đồng chí Chủ tịch Thành phố Hà Nội, Trần Duy Hưng, bảo đưa Bác đi chúc Tết một số gia đình nghèo ở xóm lao động.
Chia tay đồng chí Trần Duy Hưng, Bác trở về số 8 phố vua Lê. Đến nhà, Bác bảo chuẩn bị ra phố đón giao thừa với đồng bào.
Đồng chí giúp việc mở gói quần áo buổi sáng đồng chí Nguyễn Lương Bằng vừa đưa đến để Bác mặc cải trang. Nhìn Bác mặc áo the, quần trắng, mắt đeo kính trễ xuống trông thật giống một ông đồ nho. Đồng chí giúp việc thì mặc quần dài trắng, áo láng đen, chân đi dép da.
Bác cùng một số cán bộ đi bộ ra đền Ngọc Sơn, hòa vào dòng người đang chen chúc trên cầu Thê Húc để vào đền và hái lá lộc. Trong đền khói hương mù mịt. Tiếng xóc thẻ lách cách vang lên không ngớt. Người đông, không còn chỗ len chân. Nhiều người phải đứng từ ngoài vái vọng vào. Bác cũng làm theo số người này rồi vòng ra xem người hái lộc.
Giao thừa đến. Còi thành phố vang lên. Chiêng, trống từ các đình chừa và tiếng chuông nhà thờ lớn đổ dồn, tiếng pháo nổ ran tưởng như không thể dứt.
Một không khí thiêng liêng như hồn đất nước đang dâng lên trong lòng mọi người.
Thời gian cũng như dừng lại trong khoảnh khắc. Bác Hồ đứng lặng, nét mặt xúc động. Một giọt nước mắt long lanh bên khóe mắt. Đã bao nhiêu năm, đêm nay Bác mới được hưởng cái Tết cổ truyền của dân tộc ở giữa thủ đô đã thoát khỏi ách nô lệ.
Tiếp đó, Bác bảo đi lên dọc phố Hàng Đào rồi hãy quay về. Đêm khuya, tiếng pháo ngớt dần. Dòng ngươi qua lại trên phố cũng bắt đầu thưa, Bác Hồ cùng đồng chí phục vụ trở về nhà.
Lúc bấy giờ không ai biết rằng đêm giao thừa đầu tiên sau ngày cách mạng tháng Tám thành công, Bác Hồ đã cùng đồng bào thủ đô đến giữa hồ Hoàn Kiếm lịch sử để hưởng trọn niềm vui trong cái Tết độc lập đầu tiên của dân tộc.
Bình luận
vtcnews.vn