Ba trẻ chết sau tiêm vắc xin viêm gan B, tại sao?

Sức khỏeThứ Hai, 22/07/2013 10:58:00 +07:00

(VTC News) - Chuyên gia suy đoán: Có 3 khả năng khiến 3 trẻ sơ sinh chết sau tiêm phòng viêm gan B.

(VTC News) - Theo GS.TS Nguyễn Trần Hiển, có 3 khả năng dẫn đến cái chết của 3 trẻ sơ sinh sau tiêm phòng viêm gan B là do chất lượng vắc xin, quy trình tiêm chủng hoặc do bệnh tật lâm sàng ở trẻ.

Hôm nay (22/7), đoàn công tác của Bộ Y tế đã trực tiếp đến điều tra tại bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) về vụ việc 3 trẻ sơ sinh tử vong sau khi tiêm phòng vắc xin viêm gan B.

Đoàn công tác cũng làm việc với các cơ quan y tế của Quảng Trị, với công an và tiếp  xúc với gia đình các trẻ tử vong trước khi có kết luận chính thức.

trẻ tử vong
Trẻ sơ sinh này tử vong sau tiêm, gia đình đau xót muốn biết nguyên nhân. Ảnh Lao động
Theo nhận định của GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tế TW, Chủ nhiệm Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia: Đây là sự cố nghiêm trọng trong lịch sử tiêm phòng. Giờ chưa thể kết luận chính xác về nguyên nhân gây ra tử vong của 3 cháu bé. Các bé tử vong sau tiêm vắc xin có thể do chất lượng vắc xin hoặc do quy trình tiêm chủng, cũng có thể do bệnh tật lâm sàng của trẻ.

Đoàn công tác đang rà soát toàn bộ hồ sơ để tìm ra nguyên nhân.

Hiện, Sở Y tế Quảng Trị đã yêu cầu các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn tạm dừng tiêm số vắc xin viêm gan B đã được cấp phát cùng lô sản phẩm liên quan đến vụ 3 em bé ở Bệnh viện đa khoa huyện Hướng Hóa tử vong sau chích ngừa. Còn vắc xin khác vẫn được tiêm bình thường.

Trước đó, ngày 19/7, bệnh viện đa khoa huyện Hướng Hóa đã tiếp nhận ba sản phụ đến sinh các cháu nặng từ 2,8-3,4kg.
3 thai phụ gồm Nguyễn Thị Nga (thị trấn Lao Bảo), Trần Thị Hà (thị trấn Khe Sanh), Hồ Thị Du. Sau khi sinh, 3 sản phụ và trẻ sơ sinh đều khỏe mạnh, các cháu bú mẹ tốt.

Đến 8 giờ sáng ngày 20/7, các y, bác sỹ bệnh viện đã tổ chức tiêm phòng vắc xin viêm gan B thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng. Sau khi tiêm 30 phút các cháu có biểu hiện tím tái, khó thở, các bác sỹ đã cấp cứu nhưng các cháu đã không qua khỏi.

Ngay sau khi sự việc đáng tiếc xảy ra, ngành y tế tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo bệnh viện niêm phong toàn bộ lô thuốc để chuyển cho các cơ quan chức năng kiểm tra đồng thời, chỉ đạo Bệnh viên đa khoa Hướng Hóa bố trí xe đưa các cháu về với gia đình để mai táng và thăm hỏi, động viên các gia đình.

Sáng 21/7, Sở  Y tế tỉnh Quảng Trị, UBND huyện Hướng Hóa và đại diện bệnh viện đa khoa huyện đã thăm hỏi, hỗ trợ mỗi gia đình có bé tử vong sau khi tiêm văcxin 8 triệu đồng.

3 liều vắc xin viêm gan B tiêm cho 3 trẻ sơ sinh vào sáng 20/7 thuộc lô vắc xin do Bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hóa tiếp nhận vào ngày 18/7/2013, được sản xuất vào tháng 9/2012 (hạn sử dụng đến năm 2015) theo chương trình tiêm chủng mở rộng.

Sau vụ việc trên, nhiều bà mẹ rất lo lắng nên từ chối tiêm vắc xin viêm gan B cho con trong vòng 24 giờ sau khi sinh.

Theo các chuyên gia về vắc xin, việc tiêm vắc xin viêm gan B ngay trong vòng 24 giờ đầu sau sinh là rất cần thiết. Tiêm càng sớm, hiệu quả càng cao, tuy nhiên cũng có khuyến cáo, nếu trẻ có trục trặc về sức khỏe, có thể tiêm trước 1 tuổi.

Trao đổi với phóng viên VTC News, GS-TS Nguyễn Thu Vân – chuyên gia đầu ngành về vắc xin cho biết: Vắc xin cơ bản là an toàn. Tuy nhiên, trong quá trình tiêm mỗi cơ thể phản ứng với vắc xin khác nhau nên có trẻ sau tiêm bị sốt nhẹ, sốt cao, có trẻ bị sốc phản vệ.

Hiện tượng này xảy ra do kháng nguyên trong vắc xin khi vào cơ thể gây phản ứng. Nếu cơ thể phản ứng mạnh để bảo vệ thì sẽ gây sốt cao. Thậm chí có thể bị sốc. Nhưng dù có sốc với loại vắc xin đó thì các bác sĩ, y tá tại chỗ tiêm sẽ biết cách giải quyết. Họ sẽ tiêm cho trẻ thuốc chống phản vệ. Đây là lý do tại sao sau khi tiêm, các bậc phụ huynh nên để trẻ nán lại thêm 30 phút để phòng trường hợp bị sốc.
Nhưng thực tế nhiều bà mẹ sau khi tiêm vì sốt ruột nên đưa con về ngay, và sau đó, trẻ bị sốc phản vệ đã không có thuốc tiêm kịp thời. Vì vậy, có những kết quả không mong muốn.

Thực tế, có trường hợp cùng một lô thuốc, thậm chí cùng tiêm 1 lọ thuốc nhưng có trẻ tử vong, có trẻ bình thường. GS Vân giải thích, đó là do cơ địa mỗi trẻ khác nhau, có phản ứng với vắc xin khác nhau.

Có những trẻ có cơ địa quá nhạy cảm, hoặc bản thân khi tiêm đã bị nhiễm trùng mà cha mẹ không biết. Khi đó, cơ thể đang mệt mỏi, lại phải tiêm thêm kháng nguyên khác. Như vậy, cơ thể đã ốm lại chống chọi với kháng nguyên từ vắc xin nên có trường hợp tử vong.

Theo số liệu của Bộ Y tế, năm 2011 đã có 7 trường hợp gặp tai biến nặng sau tiêm chủng, trong đó có 5 trẻ tử vong, tất cả đều thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng và 2/7 trường hợp liên quan đến vắc xin.

Trước đó, năm 2010, có 16 trường hợp biến chứng nặng, 10 tử vong, 1/16 trường hợp biến chứng liên quan đến vắc xin dịch vụ.
Tháng 3/2008, Bộ Y tế đã chính thức công bố nguyên nhân của hàng loạt vụ trẻ chết sau tiêm phòng từ 2007 đến đầu năm 2008 không phải do lỗi ở văc xin. Phần lớn các trường hợp là trùng hợp ngẫu nhiên hoặc không rõ nguyên nhân.
Trong 7 trường hợp phản ứng nặng sau khi sử dụng văcxin từ đầu năm 2008, trong đó 5 ca trùng hợp ngẫu nhiên, 1 do lỗi dịch vụ và 1 không rõ nguyên nhân.






Nguyễn Tâm


Bình luận
vtcnews.vn