Ba lý do khiến xăng Việt Nam cao hơn xăng Mỹ

Kinh tếThứ Bảy, 23/01/2016 12:59:00 +07:00

Lý do nào khiến xăng ở Việt Nam cao hơn thế giới, làm cho chi phí sản xuất hàng hóa, giá thành cao hơn và gây tổn thương tới khả năng cạnh tranh của hàng Việt?

Lý do nào khiến xăng ở Việt Nam cao hơn thế giới, làm cho chi phí sản xuất hàng hóa, giá thành cao hơn và gây tổn thương tới khả năng cạnh tranh của hàng Việt?

Xung quanh câu chuyện giá xăng Việt Nam chênh lệch lớn với giá xăng Mỹ (khoảng 4.000 đồng/lít), PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi, Trưởng khoa Kinh tế, Đại học Nông lâm TP.HCM cho rằng điều đó là hợp lý bởi giá xăng ở Việt Nam bị ảnh hưởng bởi nhiều thứ, đặc biệt là các khoản thuế phí quá nặng nề.
Giá xăng Việt Nam chưa theo kịp với giá thế giới
Giá xăng Việt Nam chưa theo kịp với giá thế giới  
Trước đó, trong bảng tính giá cơ sở được công bố bởi Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam vào ngày 18/1 có chỉ rõ: thuế nhập khẩu (20%) là 1.421đồng/lít, thuế tiêu thụ đặc biệt (10%) là 853 đồng/lít, thuế bảo vệ môi trường 3.000 đồng/lít, thuế giá trị gia tăng là 1.404 đồng/lít. Bên cạnh đó, 2 khoản chi phí định mức và lợi nhuận định mức cũng được tính vào giá xăng dầu là 1.350 đồng/lít. Một khoản khác là mức trích quỹ bình ổn giá xăng dầu 300 đồng/lít cũng được tính vào giá cơ sở.

Một điểm khác nữa tác động đến giá xăng trong nước, theo TS Nguyễn Văn Ngãi đó là thị trường xăng dầu Việt Nam vận hành chưa hoàn hảo nên khi vạch ra 1 thời  điểm để so sánh giữa hai quốc gia thì sẽ thấy sự khập khiễng. Ví dụ, giá ở Mỹ rớt thì rớt rất nhanh, còn Việt Nam điều chỉnh chậm hơn, do đó sự chênh lệch ở đây chính là do sự điều chỉnh cạnh tranh của Việt Nam khi trên đà giá xăng dầu rớt.

Thứ ba, do Việt Nam thu quỹ bình ổn giá xăng dầu.

"Như vậy có 3 lý do dẫn đến giá xăng dầu trong nước tăng lên và tạo ra khoảng cách với giá xăng Mỹ. Ở Mỹ, giá xăng dầu hoàn toàn theo cơ chế thị trường và họ điều chỉnh giá hàng giờ chứ không phải hàng ngày", TS Nguyễn Văn Ngãi chỉ rõ.

Vị chuyên gia đặt câu hỏi: so với giá thế giới, giá xăng dầu trong nước thời gian qua đã được điều chỉnh giảm nhưng cước vận tải không giảm hoặc giảm rất ít dù chi phí vận tải phụ thuộc phần lớn vào giá xăng dầu?

"Nguyên tắc thị trường là anh bán khi có quyền quyết định tức có sức mạnh thị trường thì có quyền làm giá nhưng tại sao anh không giảm? Là vì thị trường chưa cạnh  tranh hoàn hảo ở ngành vận tải. Nếu khi giá cước giảm, doanh nghiệp thấy lời nhiều qúa thì để cạnh tranh, họ sẽ tự động rớt giá để tranh khách hàng, doanh nghiệp khác buộc phải giảm  theo, tức tự các doanh nghiệp cạnh tranh và tự các doanh nghiệp sẽ giảm giá, không cần sự can thiệp của Nhà nước nếu nó là thị trường cạnh tranh hoàn hảo.

Còn vai trò của Bộ Tài chính nếu kêu gọi hay gây áp lực buộc doanh nghiệp phải giảm giá cước thì họ có giảm hay không cũng khó kiểm soát Nhưng theo tôi, vai trò của Nhà nước không phải kiểm soát chỗ đó mà làm sao để giá cước giảm. Giá cước chỉ giảm khi các doanh nghiệp vận tải tự cạnh tranh với nhau, để tạo ra một thị trường cạnh tranh hoàn hảo hơn thì lúc. Sợ nhất là các doanh nghiệp tự thống nhất, cấu kết với nhau để độc quyền làm giá thì trong trường hợp đó cần thiết phải có sự can thiệp của Bộ Tài chính.

Còn đừng ra mệnh lệnh hành chính, bắt doanh nghiệp vận tải phải giảm giá. Nếu doanh nghiệp này giảm mà doanh nghiệp khác không giảm thì họ sẽ không chịu. Cho nên phải để tự họ cạnh tranh, để thị trường hoàn hảo thì sẽ tốt hơn, lúc đó Nhà nước không cần làm gì, các doanh nghiệp sẽ tự điều chỉnh giá cước hàng ngày hàng giờ theo chi phí để cạnh tranh lẫn nhau", PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi phân tích.

Trước câu hỏi khi giá xăng trong nước chưa theo kịp giá thế giới có tạo gánh nặng chi phí đầu vào cho doanh nghiệp? PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi khẳng định: Đó là điều chắc chắn vì khi đó hàng hóa bị chi phí sản xuất cao hơn, giá thành cao hơn nên khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới bị tổn thương.

Nguồn: Đất Việt
Bình luận
vtcnews.vn