Ba lớp rào chắn xe máy vào đường đi bộ và nền văn hoá giao thông hoang dại ở Việt Nam

Thời sựThứ Hai, 25/03/2019 07:54:00 +07:00

Những lớp rào chắn được dựng lên trên con đường đi bộ dài nhất Thủ đô là minh chứng rõ nhất cho sự chậm tiến, hoang dại của thứ gọi là văn hóa giao thông.

Tuần trước, người dân sống ven dòng sông Tô Lịch (Hà Nội) tỏ ra phấn khởi khi lần đầu tiên một con phố dài gần 4km được mở ra chỉ dành cho người đi bộ và đạp xe.

Nhưng niềm vui chẳng kéo dài được lâu thì người ta bắt đầu chuyển sang lo lắng. Con đường vốn chỉ dành riêng cho xe đạp và người đi bộ ấy lại biến thành làn đường của xe máy từ khi nào.

Những chiếc xe máy điên cuồng lao đi vun vút trên con đường không thuộc về họ vào mỗi giờ tan tầm. Trong khi người đi bộ phải khép nép đi lại trên con đường vốn thuộc về họ, trong tâm trạng lúc nào cũng sợ hãi vì chẳng biết đám người manh động ấy sẽ đâm phải mình lúc nào.

Để ngăn chặn dòng người kia trước khi đâm phải người đi bộ, người ta đã phải dựng lên những hàng rào chắn ngang ở mỗi đầu tuyến đường.

Những lớp rào chắn được dựng lên đó là minh chứng rõ nhất cho sự chậm tiến, hoang dại của thứ gọi là văn hóa giao thông, là một bước đi lùi của văn minh nhân loại.

Chẳng ở đâu, chẳng nơi nào người ta đón nhận cái văn minh theo cách kỳ lạ như ở nước ta. 

img_3279-3-1104139 copy

 Rào chắn ngăn chặn xe máy được lắp trên con đường đi bộ dài nhất Hà Nội.

Trước khi rào chắn được lắp trên con đường đi bộ ở Hà Nội, hồi năm 2017, trên một tuyến vỉa hè ở TP.HCM, khi muốn cấm xe máy chạy, không làm cách nào được, nhà quản lý họ cũng nghĩ ra rào các khung sắt mấp mô trên nhằm ngăn cản xe máy nhưng thực chất lại tạo ra những cái bẫy cho người đi bộ.

Đến hôm nay, tại tuyến phố đi bộ ven sông Tô Lịch (Hà Nội) cũng vậy, làm hẳn cái rào chắn như một chiếc cũi, nhem nhuốc ê chề xấu xí cũng chỉ mục đích cản xe máy chạy qua mà không hề nghĩ đến việc này sẽ ảnh hưởng đến những người tàn tật, người đi xe lăn.

 
Sẽ chẳng có tấm rào chắn nào vững chãi bằng văn hóa. Tấm biển trong tư duy của người văn minh có giá trị hơn triệu lần những hàng rào chắn.

Thật đau đớn khi nhận ra rằng thế giới đã tiến quá xa, còn người Việt ta vẫn chưa có nổi chút văn hóa tối thiểu.

Người dân ra đường thích đi thế nào cũng được: Vượt đèn đỏ, đi vào đường cấm, đi ngược chiều, lấn làn, chở hàng cồng kềnh bằng xe thô sơ, còi hơi điếc tai, đèn led lóa mắt người đi đường để thỏa mãn thú tính của người lái xe... nhưng gần như không ai bị xử lý.

Người ta bình thản nhìn những hình ảnh mông muội ấy hàng ngày để nó trở nên bình thường và đến nỗi giờ còn được coi là "văn hóa giao thông".

Chính thứ quái đản này đã khiến người ta nghĩ ra đủ thứ rào chắn kỳ khôi mà đáng lẽ thay vào đó chỉ là những tấm biển chỉ dẫn.

Ở đại đa số các nước, chỉ cần cắm tấm biển chỉ dẫn là người tham gia giao thông tuyệt đối chấp hành. Còn ở ta, dù đã có rào chắn đến đâu thì những kẻ hoang dã vẫn bừa bãi xông vào như thường, rồi tìm đủ mọi cách để luồn lách bằng được.

Sẽ chẳng có tấm rào chắn nào vững chãi bằng văn hóa. Tấm biển trong tư duy của người văn minh có giá trị hơn triệu lần những hàng rào chắn. Sự văn minh, tuân thủ luật pháp mới chính là những hàng rào chắc chắn nhất và cũng là thứ để đẩy lùi thói hoang dại, bừa bãi khi tham gia giao thông của nhiều người.

Chúng ta thường kêu gọi một sự cấp tiến, đường sá phải bằng nước này, sánh ngang nước nọ nhưng khi những con đường đẹp đẽ được mở ra thì chúng ta lại nhanh chóng làm ‘vấy bẩn’ chúng bởi những hành động xấu xí, mông muội cùng cực như thế. 

Video: Cận cảnh rào chắn ngăn những kẻ vô văn hóa phi xe máy vào đường đi bộ dài nhất Thủ đô

Nhưng sự hoang dã trong giao thông ấy từ đâu mà có? Nó chắc chắn xuất phát từ chính tư duy quản lý giống hệt tư duy bừa bãi của những người tham gia giao thông.

Chừng nào chúng ta ra đường mà không cần tôn trọng mạng sống của nhau, thì đường sá có rộng thênh thang cấp mấy thì thứ văn hóa cũng chỉ là “văn hóa ngõ hẹp” mà thôi. 

Muốn có văn hóa giao thông thì phải có con người văn hóa. Một nền giao thông hoang dại, với những con người tham gia giao thông tư duy như người tiền sử thì đừng chỉ nói đến "tuyên truyền, giáo dục", mà phải mạnh tay xử lý. 

Không thể mãi thỏa hiệp với những kẻ đang biến những cố gắng làm cho xã hội tốt đẹp trở thành 'dã tràng xe cát'.

Đừng để những thanh rào chắn vô tri ấy đưa xã hội thụt lùi về thời đại chẳng khác gì đang ăn lông ở lỗ.

Bạn nghĩ sao về quan điểm này? Hãy gửi ý kiến TẠI ĐÂY hoặc nút bình luận bên dưới bài viết.

QUYẾT THẮNG
Bình luận
vtcnews.vn