Bà bầu có nên đi chùa, đền miếu trong dịp Tết hay không?

Đời sốngThứ Tư, 31/01/2018 08:00:00 +07:00

Lễ chùa đầu năm là một hoạt động tâm linh rất phổ biến của người Việt trong dịp Tết Nguyên đán, tuy nhiên các bà bầu thường e ngại bởi sợ phải kiêng cữ.

Bà bầu lễ chùa tốt cho cả mẹ lẫn con

Cứ mỗi dịp Tết Nguyên đán, người Việt lại rủ nhau đi lễ chùa đầu năm để cầu mong những điều tốt đẹp, may mắn sẽ đến với cả gia đình trong năm mới. Tuy nhiên, nhiều bà bầu không dám đi lễ chùa bởi sợ phải kiêng cữ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia về tín ngưỡng thì việc bà bầu đi chùa không ảnh hưởng gì, ngược lại còn tốt cho mẹ và con.

Trả lời trên báo Gia đình và Xã hội, chuyên gia nghiên cứu Phật học Nguyễn Mạnh Cường (Viện Phật học Việt Nam) cho biết chùa chiền là chốn  linh thiêng, thanh tịnh, cũng là nơi chúng sinh ngoài thế tục tỏ lòng kính ngưỡng Phật, gieo mầm cơ duyên với Phật pháp, kết thiện duyên, tiêu tai giải nạn… Xưa, người phụ nữ có bị cấm tới đình làng và một số nơi thờ tự. Phụ nữ đến kỳ, đến tháng chưa sạch thì nên kiêng. Chưa bao giờ có chuyện cấm phụ nữ mang bầu lên chùa, kể cả trong các sách cổ xưa cũng không nói tới chuyện đó, bởi chuyện sinh nở không ảnh hưởng gì khi đi lễ chùa.

Việc đi lễ chùa còn giúp bà bầu tìm lại sự thanh thản trong tâm hồn, cầu bình an cho cả mẹ và con, về mặt tâm linh cũng rất tốt cho việc sinh nở.

Tuy nhiên, bà bầu cần lưu ý, chỉ nên đi những chùa gần nhà, không quá đông đúc. Nếu đi chùa lớn, đông người chen lấn sẽ rất nguy hiểm cho sức khỏe và an toàn của thai nhi.

Video: Đầu năm đi lễ chùa thế nào cho đúng?

Bà bầu nên tránh đi viếng đền, miếu

Khi mang thai chị em vẫn có thể đi lễ chùa bình thường, nhưng đền và miếu thì nên tránh đi. Cần biết chùa và đền, miếu là những địa chỉ tâm linh có tính chất hoàn toàn khác nhau. Chùa là nơi thờ phật, còn đền là nơi thờ thánh hoặc các nhân vật lịch sử có công với đất nước, miếu thường là công trình có kích thước bé nhỏ để thờ một vị thần bản địa nào đó có công đối với vùng đất này.

Theo tâm linh, đạo phật thì vô thần, nhưng đạo giáo và các tín ngưỡng bản địa là hữu thần. Trong hệ thống những vị thần này, có nhiều vị thánh dữ hoặc những vị thánh rất kị “đàn bà”. Do đó mà tốt nhất bà bầu nên kiêng tới đền, miếu để tránh những rủi ro không cần thiết.

Cũng trên báo Gia đình và Xã hội, bà Trịnh Thị Lan (Viện Nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người) cũng cho biết các bà bầu nên hạn chế đi lễ ở các đền, miếu phủ, nên tránh khi vào cửa cô, cửa cậu, đặc biệt tránh tới nơi hầu đồng. Bởi thai nhi có thể bị tác động khi nghe nhạc và việc hầu đồng bóng là việc riêng của đạo mẫu, bà bầu không nên tới quá nhiều.

Những lưu ý khi bà bầu đi lễ chùa đầu năm

- Bà bầu nên tránh những chùa lớn, nổi tiếng và quá đông đúc. Bởi ở nơi quá đông, thường thiếu không khí không tốt cho sự phát triển của thai nhi. Bên cạnh đó, việc chen lấn có thể khiến bà bầu sảy chân ngã, rất nguy hiểm.

- Chỉ đi lễ chùa nếu cơ thể khỏe mạnh và thai nhi ổn định. Nếu sức khỏe không tốt, dọa sảy thai thì nên ở nhà nghỉ ngơi, tránh đi lại nhiều.

- Chỉ nên đi những chùa gần nhà. Phật ở trong tâm, dù bạn lễ chùa ở đâu thì đều có công quả. Thế nên nếu đang mang bầu không nên đi những chùa xa, bởi việc đi lại xa xôi sẽ khiến bà bầu mệt mỏi quá mức.

- Khi tới lễ chùa, bà bầu nên dành thời gian vãn cảnh thì thư giãn về tinh thần, đồng thời cũng tạo quãng nghỉ để cơ thể không bị quá sức.

- Tránh tới chùa phải đi bộ nhiều, leo trèo nhiều vì không thích hợp cho người mang thai.

N.Q
Bình luận
vtcnews.vn