Australia, nhân tố mới có khả năng kiềm chế Trung Quốc ở Biển Đông

Thế giớiThứ Sáu, 15/04/2016 08:00:00 +07:00

Theo chuyên san Diplomat, Australia có thể sẽ trở thành chìa khóa giúp kiềm chế Trung Quốc ở biển Đông.

(VTC News) - Khi sự quan tâm của Mỹ đang đổ dồn vào Trung Đông và cuộc chiến chống lại IS, theo tờ Diplomat, Australia có thể sẽ trở thành chìa khóa giúp kiềm chế Trung Quốc ở biển Đông.

Thời gian gần đây, Trung Quốc tiếp tục làm biển Đông dậy sóng khi liên tiếp triển khai máy bay chiến đấu, tên lửa chống hạm tại vùng biển tranh chấp với các nước Đông Nam Á như Philippines và Việt Nam.

Những động thái này của Trung Quốc rõ ràng cho thấy âm mưu bá chủ biển Đông một cách trắng trợn của quốc gia này đồng thời đe dọa tới tự do hàng hải ở vùng biển có giá trị thương mại lên tới 5.000 tỷ USD mỗi năm.
Tàu hải quân Hoàng gia Australia
Tàu hải quân Hoàng gia Australia 
Để đối phố với những hành động ngang ngược đó, Việt Nam, Mỹ, Nhật Bản, Philippines, Ấn Độ và mới đây nhất là Indonesia lên án những động thái hung hăng đó, đồng thời tăng cường hợp tác quân sự nhằm cảnh báo Bắc Kinh.

Tuy nhiên, theo Diplomat, chìa khóa kiềm chế Trung Quốc có thể nằm trong tay Australia, quốc gia vốn có cái nhìn đa chiều về quốc gia đông dân nhất thế giới.

Sở dĩ quốc gia này được đánh giá cao như vậy là bởi theo tay viết Freedman của chuyên san uy tín này, Australia có vai trò quan trọng trong việc duy trì tự do hàng hải Biển Đông.

Thêm vào đó, Trung Quốc lại đang là đối tác thương mại chính của Australia. Chính vì vậy, những áp lực xung đột từ quan hệ ngoại giao giữa hai nước nếu xảy ra có thể sẽ trở thành một đồn giáng đáng kể lên Bắc Kinh.


Sách Trắng Quốc phòng Australia mới được phát hành gần đây cũng lên tiếng ủng hộ việc mua lại 12 tàu ngầm hiện đại cùng với các loại máy bay hải quân để sử dụng một khi phía Trung Quốc khiến Australia không thể ngồi yên.

Tài liệu này cũng nêu rõ Australia phản đối bất kỳ hành động cưỡng chế hoặc đơn phương thay đổi hiện trạng ở Biển Đông.
 
Video: Tàu chiến Australia vỡ làm đôi trong một cuộc thử nghiệm ngư lôi 

Trong chuyến thăm Nhật Bản mới đây, Ngoại trưởng Australia, Julie Bishop cũng một lần nữa tái xác nhận quan điểm này khi nhấn mạnh sẽ không điều gì có thể lay chuyển được cam kết về tự do hàng hải của quốc gia này ở biển Đông.

Mặc dù vậy, cho đến thời điểm hiện tại, quốc gia này vẫn chưa có những động thái rõ ràng để thể hiện lập trường của mình dù Tư lệnh Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ, Phó Đô đốc Joseph Aucoin của Mỹ từng đánh tiếng về vấn đề này trong một chuyến thăm tới Australia hồi cuối tháng 2.

Tất nhiên,  không phải ngẫu nhiên mà ông Aucoin lại phải nhắc khéo Australia như vậy.


Hiện Australia vẫn chưa quyết định sẽ mua tàu ngầm của Nhật Bản, Pháp hay Đức vào giữa năm nay.

Đây sẽ là chìa khóa then chốt của rất nhiều vấn đề bởi một khi Canberra chọn Tokyo, mối quan hệ giữa hai quốc gia này sẽ được tăng cường. Và rõ ràng với Trung Quốc, đó cũng không phải là điều mà họ mong muốn.

Song Hy
(theo Diplomat)

Bình luận
vtcnews.vn