Australia dừng quan hệ quốc phòng với Myanmar, chuyển hướng viện trợ

Thời sự quốc tếThứ Hai, 08/03/2021 10:47:25 +07:00
(VTC News) -

Trước bối cảnh tình hình Myanmar ngày càng trở nên bất ổn, Australia tuyên bố dừng quan hệ quốc phòng với nước này, đồng thời chuyển hướng viện trợ.

Bộ trưởng Ngoại giao Marise Payne cho biết, Australia đã đình chỉ chương trình hợp tác quốc phòng với Myanmar trong bối cảnh quân đội nước này tăng cường các cuộc trấn áp nhằm vào người biểu tình phản đối đảo chính trên khắp cả nước.

Cũng theo Ngoại trưởng Marise Payne, Australia cũng sẽ chuyển hướng các chương trình viện trợ nhân đạo tại Myanmar. Theo đó, Australia sẽ chú trọng hỗ trợ nhân đạo tới người Rohingyas và các dân tộc thiểu số khác.

Australia dừng quan hệ quốc phòng với Myanmar, chuyển hướng viện trợ - 1

Bộ trưởng Ngoại giao Australia Marise Payne. (Ảnh: Yahoo)

“Chúng tôi sẽ ưu tiên các nhu cầu nhân đạo cấp bách và đang nổi lên. Các chương trình nhân đạo của Australia tại Myanmar sẽ được thực hiện thông qua các tổ chức phi chính phủ, không phải với chính quyền hoặc các tổ chức liên quan đến chính quyền quân sự Myanmar”, Ngoại trưởng Marise Payne cho hay.

Bên cạnh đó, bà Marise Payne cũng kêu gọi chính quyền Myanmar giảm leo thang căng thẳng, dừng ngay hành động trấn áp người biểu tình. “Chúng tôi tiếp tục thúc giục mạnh mẽ các lực lượng an ninh Myanmar kiềm chế và dừng các hành động bạo lực đối với dân thường”, Marise Payne nói.

Giới chức Australia cũng cho hay, Canberra sẽ tiếp tục yêu cầu trả tự do ngay lập tức cho Sean Turnell, một nhà kinh tế và cố vấn của nhà lãnh đạo bị phế truất Aung San Suu Kyi. Sean Turnell đã bị giam giữ kể từ cuộc đảo chính ngày 1/2 lật đổ chính phủ được bầu của Myanmar, đồng thời quyền tiếp cận lãnh sự đối với Sean Turnell cũng bị hạn chế.

Quan hệ quốc phòng song phương của Australia với quân đội Myanmar bị hạn chế trong các lĩnh vực không tác chiến như đào tạo tiếng Anh.

Cuối tuần qua, hàng trăm người đã tập trung tại Sydney - thành phố lớn nhất của Australia, kêu gọi chính phủ Australia có lập trường mạnh mẽ chống lại cuộc đảo chính ở Myanmar.

Quốc gia Đông Nam Á đã chìm trong hỗn loạn sau khi quân đội nắm quyền kiểm soát đất nước và bắt giữ các nhà lãnh đạo được bầu. Đến nay, gần 60 người thiệt mạng và hàng nghìn người bị bắt giữ liên quan đến các cuộc biểu tình ở Myanmar.

Trước đó, Mỹ và một số nước phương Tây đã áp đặt các biện pháp trừng phạt mới lên những lãnh đạo quân sự Myanmar sau đảo chính diễn ra ở nước này hôm 1/2.

Kông Anh(Nguồn: Reuters)
Bình luận
vtcnews.vn