ATM nuốt thẻ khi rút tiền: 99,9% lỗi do người dùng (!?)

Kinh tếThứ Sáu, 04/03/2011 11:00:00 +07:00

(VTC News) - Theo thống kê từ Ngân hàng Công thương Việt Nam: 99,9% xảy ra sự cố nuốt thẻ khi rút tiền là do lỗi của người sử dụng, ý thức của khách hàng.

(VTC News) - Ông Phạm Anh Tuấn - Phó TGĐ Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) cho biết: Theo thống kê từ phía Vietinbank: 99,9% xảy ra sự cố nuốt thẻ khi rút tiền là do lỗi của người sử dụng, ý thức của khách hàng chưa cao.

- Thưa ông, có khi nào các máy ATM của Vietinbank bị kẻ trộm tấn công bằng công nghệ cao để lấy tiền chưa? Các ngân hàng Việt Nam chống hành vi tấn công này như thế nào?

Ông Phạm Anh Tuấn: Hầu hết các ngân hàng đều từng bị kẻ trộm ăn cắp thông tin. Và hình thức tấn công ăn cắp thông tin này ngày càng tinh vi hơn. Trước đây, các thiết bị camera nhỏ xíu hoặc thiết bị ăn cắp thông tin được lắp đặt trong một thời gian dài, khoảng 1 – 2 ngày. Hiện nay, việc lắp đặt này có thể được các đối tượng thực hiện trong thời gian rất ngắn chỉ khoảng 10  - 15 phút và chờ sẵn trước cửa ATM để thu hồi thiết bị. Khi phát hiện ra có những hành vi trộm cắp, người dân báo cho ngân hàng, lập tức các đối tượng này có phản ứng nhanh để thu hồi thiết bị lắp đặt đó.

Tuy nhiên, các ngân hàng đều có phần mềm cảnh báo nghi ngờ gian lận. Đây là biện pháp bảo vệ an toàn cho khách hàng.  Khi chúng tôi phát hiện có dấu hiệu “trộm cắp" thông tin, ngân hàng liên hệ trực tiếp với khách hàng để thông báo đổi pass, tạo sự yên tâm cao nhất cho khách hàng.

- Việc phá máy có làm tổn hại tới túi tiền của khách hàng không, thưa ông?

Tôi có thể khẳng định, việc phá máy không liên quan gì tới người dùng, không thiệt hại tới túi tiền của người dân. Thiệt hại ở đây là từ phía ngân hàng – nơi đặt máy ATM bị phá, còn tài khoản của khách hàng vẫn bảo mật, người tiêu dùng không hề bị ảnh hưởng. Không phải chúng tôi chia sẻ với khách hàng mà chúng tôi có những biện pháp phòng trừ các rủi ro có thể xảy ra.

Cách phá máy ATM táo tợn, trộm cắp tiền bằng các thiết bị thô sơ như thế này chỉ làm thất thoát tiền của ngân hàng chứ không ảnh hưởng tới tài khoản thẻ của khách hàng. (Ảnh: Hồng Thắng).


- Ngoài giải pháp kỹ thuật để chống trộm đập phá, Vietinbank có biện pháp lâu dài nào khác nhằm giải quyết triệt để sự cố này không?

Sau khi xảy ra vụ việc mất hơn 1 tỷ ở TP.HCM, chúng tôi đã đưa ra những văn bản nêu lên các quy định đối với các điểm đặt ATM và nêu ra danh sách các chi nhánh không đạt, không đảm bảo các tiêu chí đó phải thu hồi máy ATM. Ngoài ra, các ngân hàng phải kí hợp đồng với an ninh địa phương hoặc các cơ quan vệ sĩ đảm bảo bảo vệ ATM 27/7. Đó không chỉ bảo vệ vấn đề khò, hàn mà còn đảm bảo giám sát được những kẻ cắp bằng công nghệ cao, muốn ăn cắp thông tin phải lắp đặt các thiết bị ăn cắp thông tin.

Dĩ nhiên, chúng tôi vẫn tiếp tục giám sát bằng camara và có người theo dõi các máy camera tuần tự, có thể xảy ra tình huống người theo dõi không online kịp thời, tuy biện pháp này không phải tối ưu nhất nhưng cũng góp phần nâng cao mức cảnh giác.

Ngoài ra, một biện pháp mà tôi muốn nhấn mạnh ở đây là: giảm số lượng tiền mặt đặt tại ATM. Bình thường, các ngân hàng thường bỏ 1,3 – 1,5 triệu/1 lần đặt nhưng giờ chúng ta nên giảm lượng tiền đặt cọc xuống mà tăng tần số tích quỹ, bình thường ngày 1 lần thì giờ 3 lần. Do đó, nếu xảy ra thất thoát, số tiền mất chỉ dừng lại ở số ít.

Theo thống kê từ Ngân hàng Công thương Việt Nam: 99,9% xảy ra sự cố nuốt thẻ khi rút tiền là do lỗi của người sử dụng, ý thức của khách hàng chưa cao (Ảnh minh họa).


- Vào buổi tối, rất nhiều điểm ATM trên địa bàn Hà Nội không hoạt động, đó có phải là giải pháp cụ thể để hạn chế tình trạng mất cắp tiền?

Có một số ngân hàng đang thực hiện giải pháp buổi tối thu gom tiền về - Chuyện đó có nhưng không phải là tất cả các điểm ATM. Giải pháp tình thế này chỉ thực hiện ở những điểm cảm thấy không an toàn mà chưa tìm ra chỗ lắp đặt.

- Với những rủi ro này, các ngân hàng có thu hẹp hệ thống các điểm đặt máy ATM?

Việc sắp xếp lại là điều cần thiết nhưng việc mở rộng là điều tất yếu phải làm. Nếu không, ngân hàng sẽ không thể tồn tại được trong điều kiện cạnh tranh khốc liệt hiện nay, có điều quy trình vận hành và giải pháp như thế nào để đảm bảo an toàn cao nhất trong ngân hàng. Còn trong kinh doanh không thể không có rủi ro, đó là điều tất yếu.

- Vậy để giảm chi phí xây dựng các điểm mới cũng như khó khăn trong việc tìm kiếm điểm đặt ATM an toàn, vì sao các ngân hàng không tính đến phương án dùng chung 1 cây rút tiền, giống như mạng viễn thông cùng chia sẻ cơ sở hạ tầng như trạm phát sóng?

Các dịch vụ của mạng viễn thông chung chỉ là những dịch vụ cơ bản như nghe, nói, gọi, còn những dịch vụ gia tăng, mang tính tiện ích cho khách hàng thì không có. Rõ ràng với các ngân hàng cũng vậy. Với từng ngân hàng, chúng tôi cung cấp rất nhiều dịch vụ đa dạng cho khách hàng nhưng chỉ thông qua smarlink, banknet,… các dịch vụ cơ bản như in sao kê, vắn tin, rút tiền,… Để tăng tính cạnh tranh của mình lên, tại những địa điểm đẹp, có khả năng thu lợi nhuận cao thì các ngân hàng sẽ tiếp tục lắp đặt máy ATM, chứ không thể nói tới chuyện “cùng làm cùng chia sẻ”.

- Hiện nay, thói quen thanh toán qua thẻ của người tiêu dùng vẫn chưa phổ biến, theo ông có phải do thanh toán qua thẻ chưa được phong phú và thuận tiện?

Thói quen thanh toán qua thẻ chưa phổ biến có thể do mức độ truyền thông chưa sâu rộng, người dùng chưa nắm vững. Thứ 2 là đơn vị chấp nhận thẻ chưa nhiệt tình với phương thức thanh toán này. Tại các siêu thị, nhà hàng, các địa điểm ăn uống... nhân viên vẫn thích nhận tiền mặt hơn là thanh toán qua thẻ. Cũng có thể do cách quản lý chưa chặt, họ có thể tận dụng lượng tiền mặt trực tiếp tốt hơn khi phải thanh toán qua thẻ và thu nhận tiền trở về từ phía ngân hàng cũng dễ hơn, chưa nói tới chuyện họ phải trả một mức phí khi đặt các điểm POS – máy chấp nhận thẻ.

Để khuyến khích người dùng, Nhà nước  cũng cần có những biện pháp thích hợp thậm chí là những quy định bắt buộc, biến nó thành thông tư, nghị định sẽ giúp cho người tiêu dùng tiếp cận nhiều hơn tới dịch vụ này. Ví dụ như hiện nay, ở một số cơ quan quy định hóa đơn với  số tiền lớn phải thanh toán qua thẻ, không được thanh toán bằng tiền mặt.

- Ngân hàng Nhà nước đang đề xuất việc không được đội mũ bảo hiểm, đeo khẩu trang khi rút tiền tại máy ATM. Ông có ý kiến gì về việc này?

Đề xuất này đang trong giai đoạn xin góp ý sâu rộng ở các phương tiện thông tin đại chúng thông qua website của Ngân hàng Nhà nước. Tôi nghĩ biện pháp này không giải quyết được vấn đề.

Thứ nhất, các luật dân sự đi kèm về vấn đề tự do cần sự đồng bộ, chế tài của người không bỏ mũ bảo hiểm ra khi thực hiện việc rút tiền là khó khả thi.

Thứ hai là phải đảm bảo tính thực thi một cách chặt chẽ. Ai sẽ đảm bảo rằng, khi đội mũ bảo hiểm thì không được rút tiền. Như vậy, rõ ràng khi vấn đề không được giải quyết một cách triệt để thì nó không có tác dụng, hay nói đúng hơn: “cấm thì cứ cấm, tôi vẫn thực hiện được khi không có ai giám sát”. Nói cách khác, đây chỉ là cái ngọn, nếu chúng ta không cấm, họ không đội mũ bảo hiểm mà họ trùm khăn hoặc đội mũ len, quấn kín mít, chừa đôi mắt hoặc đeo kính mắt thì còn nguy hiểm hơn mũ bảo hiểm.

- Nhiều khách hàng làm việc trong khu công nghiệp, cứ đến cuối tháng hay vào những dịp lễ tết, hoặc thậm chí là có cả ngày thường thì nhiều cây ATM báo trục trặc kỹ thuật hoặc hết tiền. Dù vẫn biết là do tình trạng quá tải nhưng tình trạng này đã kéo dài nhiều năm tại sao các ngân hàng vẫn chưa thể khắc phục được?

Máy ATM cũng chỉ là một thiết bị về công nghệ, khả năng xảy ra sự cố là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Khách hàng nên nắm được rằng: Thẻ của khách hàng không chỉ rút được tại ngân hàng phát hành thẻ mà còn rút ở nhiều điểm khác nhau, từ nhiều ngân hàng khác nhau, với hệ thống banknetvn, smarlink hoặc vnbc kết nối gần 40 ngân hàng trong liên minh thẻ, rút được trên 11.000 máy ATM… Do đó, khi máy ATM phát hành thẻ bị trục trặc, xin vui lòng rút tại các điểm ATM khác của các ngân hàng khác.

- Tuy nhiên, mỗi lần gặp sự cố, trục trặc phải làm lại thẻ, khách hàng lại bị thu cước phí, liệu như vậy có công bằng?

Cái này tùy thuộc vào chính sách của từng ngân hàng. Đối với chúng tôi,  việc thu thêm cước phí chỉ thực hiện khi lỗi thuộc về phía khách hàng. Tôi có thể khẳng định: trên 99,9% các lỗi nuốt thẻ khi rút tiền là do người sử dụng bất cẩn hoặc không tuân thủ các quy định của từng ngân hàng. Còn nếu lỗi thuộc về khách hàng thì việc này có thể kiểm chứng thông qua hệ thống nhật ký hoặc qua một đơn vị khách quan, các tổ chức thứ ba – liên minh thẻ…

Tiểu Phương (ghi)
 

Bình luận
vtcnews.vn