Asian Indoor Games 2009: Bài học còn nguyên vị đắng

Thể thaoThứ Bảy, 10/11/2012 01:11:00 +07:00

Thể thao Việt Nam từng có bài học “trắng mắt” với lần đăng cai Asian Indoor Games cách đây 3 năm nhưng gần như chẳng đọng lại điều gì.


Lãnh đạo ngành thể thao đều khẳng định Việt Nam chắc chắn sẽ chuẩn bị, tổ chức một kỳ Asian Games thành công về mọi mặt, song rất đông giới chuyên môn cùng người hâm mộ hoàn toàn có lý do để lo lắng.


Ngoài gánh nặng kinh phí, Thể thao Việt Nam từng có bài học “trắng mắt” với lần đăng cai Asian Indoor Games cách đây 3 năm nhưng gần như chẳng đọng lại điều gì.

“Đại hội tại Việt Nam mà như đang ở đâu”

Đó là cảm nhận chung của nhiều người về Đại hội tầm cỡ châu lục lần đầu do Việt Nam đăng cai, không chỉ trước mà ngay ngay cả trong thời gian tranh tài.

Trước thềm Asian Indoor Games chỉ mấy ngày, thậm chí, ngay chính những địa điểm tổ chức, kể cả Hà Nội và TP.HCM, gần như chưa có gì ngoài những băng-rôn được treo mấy tháng trước trên đường phố, rồi các đoạn giới thiệu ngắn trên truyền hình.

Vì quá ít và thực hiện hời hợt nên một vài hoạt động đồng hành như chạy, đi bộ, phát động 2 triệu chữ ký, gắn với văn hóa - văn nghệ cũng chưa đủ để tạo điểm nhấn cần thiết. Thực sự Asian Indoor Games chỉ hiện diện rõ nét ở một địa điểm duy nhất: 36 Trần Phú (Hà Nội) - trụ sở của Tổng cục TDTT.

 Asian Indoor Games đã từng là bài học về việc quảng bá hình ảnh của Việt Nam

Người dân, tất nhiên khi đến tên đầy đủ, rồi một số yếu tố cơ bản nhất của Đại hội cũng chưa rõ thì không thể đòi hỏi họ thực sự quan tâm, chứ chưa nói đến chuyện thích thú hay cổ động cho Đại hội… Trong khi đó, bản thân Asian Indoor Games đã là một loại hình rất mới và lạ, khác hẳn với SEA Games quen thuộc.

Tai hại hơn, suốt cả thời gian Đại hội tranh tài (từ 30/10 đến 8/11), sự kiện tầm cỡ châu lục này đã không hề tạo được không khí sục sôi, sức hút rộng khắp trong cả nước, cũng như kéo khán giả đến các địa điểm thi đấu như đáng ra phải thế.

Đầu tư 100 triệu USD, thu được... 30 tỷ

Tổng kinh phí Nhà nước đầu tư cho công tác chuẩn bị, tổ chức Asian Indoor Games khi ấy  là trên 100 triệu USD. Trong đó, khoản chi lớn nhất là dự án xây dựng Cung điền kinh trong nhà tại Mỹ Đình (Hà Nội), chiếm tới hơn 540 tỷ đồng.

Vấn đề kinh phí với BTC càng trở nên gian nan, khi riêng mảng tiếp thị - tài trợ thu về được tổng số 30 tỷ đồng (phần nhỏ là tiền mặt, phần lớn là sản phẩm dịch vụ).

Còn rất nhiều bài học “nóng” cho TTVN từ Asian Indoor Games 2009 cho lần đăng cai Asian Games 2019.

Nhưng rất ngạc nhiên, với kết quả đáng thất vọng này, những người có trách nhiệm vẫn có thể khẳng định chắc nịnh trong mãn nguyện rằng như thế là “quá đạt yêu cầu” . Nguyên nhân được đưa ra là những viện dẫn ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, các doanh nghiệp chẳng mặn mà. Cứ như thể, được như bây giờ đã là cả chiến tích và nỗ lực lớn (!).

Trong khi đó, họ đã quên mất rằng ngay dịp đăng cai SEA Games 22, dù chưa hề có kinh nghiệm, Việt Nam cũng đã tạo nguồn được 70 tỷ đồng, rồi nếu thực sự tập trung, chuyên nghiệp cho mảng này thì với Asian Indoor Games 3 hoàn toàn có thể vượt xa mức “quá đạt yêu cầu” trị giá 30 tỷ đồng.

Đáng nói hơn, nếu như Tiểu ban chuyên trách mảng công việc này cố gắng tối đa còn có thể thông cảm, song thực tế họ đã quá chậm chạp và thụ động, thực sự chỉ “vận động”  mấy tháng trước ĐH.

Đầu tư lớn, trong khi giá trị tuyên truyền quảng báo quá thấp, vận động tài trợ quá kém, rõ ràng việc đăng cai Asian Indoor Games 2009 đã lãng phí và phải coi như một thất bại.

Rõ ràng bài học từ đó hãy còn nóng hổi, cần được ngành thể thao tổng kết rút kinh nghiệm kỹ lưỡng cho việc chuẩn bị đăng cai Asian Games 2019, thay vì sự khẳng định cùng niềm tin vào một kỳ ĐH thành công về mọi mặt theo cách đơn giản và ứng phó như thế.

Việt Nam dự kiến thu 480 tỷ đồng cho Asian Games 2019 từ nguồn tiếp thị, quảng cáo, bản quyền truyền hình trong khi con số này ở SEA Games 22 chỉ là 70 tỷ và Asian Indoor Games 2009 chỉ 30 tỷ.




Phúc Tường

Bình luận
vtcnews.vn