Asiad 18 tại Việt Nam: 'Khoan thủng' ngân sách?

Thể thaoThứ Hai, 31/03/2014 07:00:00 +07:00

Không chỉ các công trình ngàn tỉ dự kiến sẽ xây dựng cho ASIAD 18 - 2019 gây lo lắng về sự lãng phí.

Không chỉ các công trình ngàn tỉ dự kiến sẽ xây dựng cho ASIAD 18 - 2019 gây lo lắng về sự lãng phí.

Những sự kiện thể thao mang tính quốc gia như Đại hội TDTT toàn quốc, Hội khỏe Phù Đổng cũng có hiện tượng dùng những khoản ngân sách lớn để tổ chức, xây dựng các công trình thể thao mà hiệu quả không cao đối với người dân.

Hội chứng thích “đăng cai”

Trở lại chuyện xin đăng cai ASIAD 18 của VN. Khác với hình ảnh đại diện các quốc gia ăn mừng khi có quyền đăng cai World Cup hay Olympic thì những sự kiện thể thao nhỏ hơn ngày càng thiếu sức cạnh tranh.


Hiện tượng các quốc gia từ chối đăng cai SEA Games hay ASIAD ngày càng nhiều. 4 năm trước, khi Hội đồng Olympic Châu Á nhận hồ sơ đăng cai ASIAD 18 thì có tới 5-6 quốc gia và vùng lãnh thổ xin đăng cai, gồm: Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia, Indonesia, Ấn Độ, UAE và Việt Nam. Thế rồi, Đài Loan, Malaysia, Ấn Độ xin rút không tranh cử.

Nên nhớ Ấn Độ từng tranh giành đăng cai ASIAD 17 - năm 2014 với Hàn Quốc, nhưng khi thất bại thì chính họ đã cho rằng “may mắn khi thua cuộc”, khi ông Bộ trưởng thể thao Ấn Độ thừa nhận: “Tiền nhà nước được ưu tiên cho việc xây nhà ở cho cả tỉ dân nghèo trong nước hơn là chạy theo những vòng nguyệt quế thể thao vốn chưa cần thiết, trong khi người dân Ấn Độ còn đang nghèo đói”.

Asiad 18 nên được tổ chức thế nào?

  • Xin rút, dừng tổ chức
  • Giảm thiểu số môn thi đấu, tiết kiệm nhất có thể
  • Tổ chức hoành tráng, xứng tầm khu vực
  • Tăng chi phí, tổ chức ở mức chấp nhận được
  • Thăm dò ý kiến Thăm dò ý kiến

Cho đến “vòng chung kết” quyền đăng cai ASIAD 18, chỉ còn UAE, Indonesia và VN. Ngay trước khi bỏ phiếu, nước giàu nhất là Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) xin nhường “quyền” cho 2 nước nghèo nhất là VN và Indonesia tranh đăng cai một đại hội thể thao tốn kém hàng tỉ USD (căn cứ vào chi phí mà TP.Quảng Châu bỏ ra ở năm 2010). Hà Nội - VN thắng Surabaya - Indonesia một cách khá... dễ!

Ngay thời điểm ấy, dư luận đã đặt câu hỏi: “Nên hiểu là Việt Nam “bị” đăng cai hay “được” đăng cai ASIAD?”.

Chưa hết, “hội chứng thích đăng cai” còn thể hiện ở việc VN khá “hăng hái” trong việc xin đăng cai những đại hội thể thao lớn. Năm 2016 sẽ đăng cai Đại hội thể thao biển Châu Á, năm 2019 đăng cai ASIAD và năm 2021 đăng cai SEA Games.

Asiad 2019

Điều đáng nói là, dù trong 2 năm (2019 và 2021) đăng cai 2 đại hội khủng, nhưng lại chơi sang - khi ASIAD tổ chức ở Hà Nội, còn SEA Games dự kiến ở TP.HCM. Điều này có nghĩa là, những công trình làm cho ASIAD 18 sẽ chẳng giúp gì cho SEA Games, còn TP.HCM sẽ phải đầu tư hàng ngàn tỉ đồng xây các công trình thể thao để đăng cai “ao làng” SEA Games.

Khoan thủng ngân sách?

Trên thực tế, việc đăng cai ASIAD hay SEA Games không nằm ngoài cuộc đua thành tích: Tốn tiền đăng cai để có cơ hội đoạt thành tích cao. Với ASIAD là top 10, với SEA Games là nhất toàn đoàn.

Không chỉ với những sự kiện thể quốc tế, ngay ở những sự kiện trong nước, còn có hiện tượng muốn đăng cai để đạt 2 mục đích: 1 - có thành tích cao, 2 - có tiền ngân sách xây công trình thể thao. Tất nhiên, xây nhà thi đấu, sân vận động cũng tốt, nếu người dân được hưởng lợi từ những công trình đó và nó phát huy đúng hiệu quả, công năng.

Nhưng thực tế không phải vậy. Đại hội TDTT toàn quốc là một cuộc chơi tốn tiền (trên thế giới chỉ còn 2 nước duy trì mô hình đại hội TDTT toàn quốc là VN và Trung Quốc). Mỗi địa phương đăng cai là tính chuyện xin ngân sách xây nhà thi đấu.

Cung thể thao Tiên Sơn

Khi Đà Nẵng đăng cai Đại hội TDTT toàn quốc 2010, công trình lớn nhất là Cung thể thao Tiên Sơn, có vốn đầu tư 1.000 tỉ đồng, quy mô xây dựng 40.000m2, có 6.000-7.000 chỗ ngồi. Nhưng, sau đại hội đó, cung thể thao đẹp nhất, nhì Đông Nam Á này chỉ dùng tổ chức các sự kiện thể thao nhỏ, sức hút chỉ vào trăm khán giả.

Tác dụng chính của Cung thể thao Tiên Sơn là tổ chức các sự kiện ca nhạc, tạp kỹ, thi hoa hậu nhằm có nguồn thu để…bảo dưỡng và trả lương cho cán bộ, nhân viên. Điều đáng nói là trong khi Cung Tiên Sơn đang bị cho là lãng phí, thì Đà Nẵng đã có quyết định xây khu liên hợp thể thao Hòa Xuân ở quận Cẩm Lệ với công trình chủ đạo là sân Chi Lăng mới, quy mô dự kiến tương đương sân…Mỹ Đình.

Năm 2014, đến lượt Nam Định và các tỉnh lân cận đăng cai Đại hội TDTT toàn quốc, gần 2.000 tỉ đồng tiền ngân sách được chi vào các công trình. Toàn Nam Định có gần 10 nhà thi đấu, nhưng vẫn được duyệt cho xây 1 nhà thi đấu đa năng có vốn 855 tỉ đồng, bể bơi có mái che 150 tỉ cùng 100 tỉ để cải tạo các nhà thi đấu cũ.

Cũng trong khuôn khổ đại hội, Thái Bình được đầu tư 400 tỉ đồng xây nhà thi đấu đa năng chỉ để chơi bóng chuyền trong khi địa phương này đã có 1 nhà thi đấu 1.600 chỗ. Ngoài ra, Hà Nam cũng được đồng ý để xây nhà thi đấu đa năng. Riêng Hà Nam có một sân vận động đồ sộ, có vốn gần 100 tỉ đồng, nhưng hiện chỉ dùng vào việc vài năm tổ chức môn bóng đá nữ một lần.

Gần như có một "phong trào" đua đăng cai để được xây dựng. Bởi vậy, khi An Giang lên kế hoạch xin đăng cai đại hội TDTT toàn quốc sau... 4 năm nữa, họ đã đưa ra một đề án siêu khủng với tổng vốn đầu tư các công trình phục vụ thi đấu lên đến 3.425 tỉ đồng (ngân sách trung ương 1.690 tỉ, địa phương là 1.710 tỉ).

Xe đạp lòng chảo
Nhà thi đấu môn xe đạp lòng chảo được xem là gánh nặng chi phí cho Asiad

Theo đề án, An Giang sẽ xây sân bóng mới trị giá gần 1.000 tỉ đồng, nhà thi đấu đa năng 300 tỉ, bể bơi 200 tỉ, trường đua xe lòng chảo 150 tỉ và 1.000 tỉ đồng để đầu tư cho các sân vận động, bể bơi, nhà thi đấu nhỏ hơn ở các huyện.

Một trong những địa phương có ý “cạnh tranh” với An Giang là Cần Thơ cũng lên kế hoạch xin đăng cai Đại hội TDTT toàn quốc 2018. Cần Thơ là địa phương từng tổ chức Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc 2012 với “di chứng” là hàng loạt các nhà thi đấu đa năng cho học sinh không phát huy được hiệu quả.

Được biết, kinh phí cho Cần Thơ chi cho Hội khỏe Phù Đổng là trên 1.000 tỉ đồng. Trước đó, từ năm 2003 đến 2008, Phú Thọ đã chi hàng ngàn tỉ đồng để tổ chức một số môn ở SEA Games 22 - năm 2003 và Hội khỏe Phù Đổng 2008. Tuy nhiên cho tới nay, khu liên hợp thể thao tỉnh Phú Thọ đã xuống cấp trầm trọng và đang bị "xẻ thịt" để làm sân bóng đá cỏ nhân tạo, dịch vụ rửa - trông xe ô tô, quán bia...


Theo Thành An (Báo Lao động)
Bình luận
vtcnews.vn