ASEAN và vấn đề lựa chọn cơ chế trong giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông

Thế giớiThứ Ba, 18/06/2019 22:06:00 +07:00

Các chuyên gia cho rằng việc đi theo cơ chế "ASEAN cộng" hay "ASEAN trừ" trong giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông là lựa chọn tiến thoái lưỡng nan.

Ngày 18/6/2019, tại Hà Nội, Học viện Ngoại giao, Quỹ Konrad-Adenauer-Stinftung tại Việt Nam, Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu Biển Đông và Đại sứ quán Australia tại Việt Nam tổ chức Đối thoại biển lần V với chủ đề “Hợp tác ASEAN trong vấn đề Biển Đông”.

Tham gia sự kiện này có bà Hoàng Thị Hà tới từ Việt Nghiên cứu ISEAS-Yosuf Ishak (Singapore), ông Edcel Ibarra tới từ Viện Nghiên cứu Đối ngoại Philippines, TS Ngeow Chow Bing tới từ Đại học Malaysia, TS Hà Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Chính sách Viện Biển Đông cùng nhiều học giả trong và ngoài nước.

Tại buổi Đối thoại, các khách mời tham gia thuyết trình đều nhất trí cho rằng Biển Đông là khu vực có vị trí địa chiến lược quan trọng, là một không gian hợp tác rộng lớn về hàng hải, kinh tế, chính trị, quân sự, song đây cũng là khu vực chồng lấn về lợi ích, tồn tại nhiều tranh chấp, nhiều thách thức an ninh. Vì thế, hợp tác trên biển để đối phó với những thách thức chung là nhu cầu cấp thiết, góp phần xây dựng lòng tin, thúc đẩy phát triển các lĩnh vực kinh tế biển và làm giảm nguy cơ xung đột. Nhưng vai trò này chỉ có được khi có sự đoàn kết của các nước thành viên ASEAN trong thống nhất hành động.

1

Đối thoại Biển lần V tổ chức ngày 18/6/2019 tại Sheraton Hotel, Hà Nội. (Ảnh: TTXVN) 

Là nữ khách mời duy nhất đăng đàn phát biểu tại buổi Đối thoại, bà Hoàng Thị Hà đã nêu bật vị trí, vai trò của ASEAN trong việc thúc đẩy hợp tác, phối hợp giữa các quốc gia với nhau. 

“Với tư cách là một tổ chức trong khu vực, ASEAN không có quyền đưa ra bình luận về tuyên bố chủ quyền, song ASEAN có một mục tiêu chính là đảm bảo hòa bình, an ninh, tự do hàng hải ở biển Đông. Đây là nguyên tắc chính định hướng cho tuyên bố của ASEAN về vấn đề biển Đông, bất chấp sự khác biệt giữa các nước thành viên trong vấn đề này”, bà Hà cho biết.

Theo bà Hà, quan điểm của ASEAN là đảm bảo những tranh chấp trên biển Đông phải được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực, bảo vệ quyền tự do hàng hải và hàng không trong khu vực, tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Khi có mối đe dọa về hòa bình an ninh trong khu vực thì ASEAN sẽ thay mặt các nước thành viên đưa ra lập trường thể hiện sự quan ngại.

Lựa chọn khó khăn: “ASEAN cộng” hay “ASEAN trừ”

Cũng tại buổi Đối thoại, các chuyên gia cũng đề cập tới việc lựa chọn giữa hai cơ chế “ASEAN cộng” và “ASEAN trừ”.

Liên quan đến cơ chế "ASEAN cộng", TS Ngeow Chow Bing cho rằng các nước ASEAN đang có khoảng cách giàu nghèo nhất định, do đó các nước nghèo hơn nên tìm đến các quốc gia khác ở bên ngoài khối để được hỗ trợ về kinh tế. Tuy nhiên, khi đó, các cơ chế mở rộng của ASEAN cũng rất dễ dẫn tới việc làm giảm vai trò trung tâm của khối.

Ở một chiều hướng khác, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á có thể sử dụng cơ chế “ASEAN trừ” trong một số trường hợp, tức là chỉ có một số quốc gia, chứ không phải toàn bộ thành viên của khối, tham gia thảo luận một số vấn đề liên quan đến biển Đông.

Cụ thể, theo ông Ngeow, cơ chế “ASEAN trừ” có thể được áp dụng theo nguyên tắc “nước có chủ quyền trên biển” và “nước không có chủ quyền trên biển” để tạo nên sự thống nhất trong vấn đề biển Đông. Tuy nhiên, việc sử dụng cơ chế này cũng có mặt hạn chế là có thể ảnh hưởng đến tinh thần đoàn kết nội khối.

Bà Hoàng Thị Hà bày tỏ lo ngại rằng mô hình "ASEAN trừ" có thể sẽ làm suy giảm sự nhất quán của khối trong xử lý vấn đề biển Đông. Đặc biệt là vấn đề tự do hàng hải, quản lý hàng hải trên nguyên tắc sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, khi ASEAN có áp lực từ bên ngoài. “Trung Quốc có thể nhắm tới việc thiết lập thiết chế khu vực, không để các nước bên ngoài can dự và có thể tách COC ra khỏi luật quốc tế", bà Hà cảnh báo.

Trong khi đó, ông Edcel Ibarra lại đưa ra gợi ý rằng ASEAN có thể sử dụng các cơ chế nhỏ để không làm mất đi vai trò trung tâm của khối, tương tự như “cơ chế ba bên” giữa Philippines, Indonesia và Malaysia trong một số vấn đề. Tuy nhiên, ông Ibarra cũng khẳng định việc xây dựng cơ chế “ASEAN trừ” là không dễ dàng và cần có các chủ đề cụ thể.

Mỗi cơ chế giải quyết các vấn đề trên biển Đông đều có mặt tốt và mặt hạn chế của nó. “Việc lựa chọn ASEAN cộng hay ASEAN trừ là một vấn đề không dễ quyết định", ông Ngeow kết luận.

Văn Đức
Bình luận
vtcnews.vn