Arsenal, Chelsea bị loại: Ngoại hạng Anh chung một nỗi đau

Thể thaoThứ Tư, 18/03/2015 05:00:00 +07:00

(VTC News) - Hành trình của hai đại gia nước Anh cùng với cách họ dừng chân ở vòng knock-out, tưởng chừng khác nhau nhưng lại có nhiều điểm giống nhau đến kỳ lạ

(VTC News) - Hành trình của hai đại gia nước Anh cùng với cách họ dừng chân ở vòng knock-out, tưởng chừng khác nhau nhưng lại có nhiều điểm giống nhau đến kỳ lạ.




Cùng gặp các đại diện ở mảnh đất hình lục lăng, cùng hòa với tổng tỉ số 3-3, cùng bị loại bởi luật bàn thắng trên sân khách, hiếm khi Arsenal và Chelsea cùng rơi vào hoàn cảnh đau đớn đến vậy.

Chelsea có bàn thắng trên sân khách, được chơi trận lượt về trên sân nhà, lại có lợi thế hơn người sau khi Ibrahimovic bị thẻ đỏ và hai lần vượt lên dẫn trước. Họ bị loại vì đánh mất lợi thế.
Giroud phung phí quá nhiều cơ hội ở cả hai lượt trận
Trên lý thuyết, Arsenal “son” nhất trong các đại diện xứ sở sương mù. Lá thăm đưa họ chạm trán với Monaco – một trong những đội bóng được đánh giá thấp của vòng knock-out. Cổ động viên không khỏi vui mừng và đã bàn đến việc vào tứ kết sẽ gặp ai.

HLV Arsene Wenger, dù bình tĩnh cảnh báo người hâm mộ và các cầu thủ rằng không nên chủ quan, cũng khó tránh khỏi việc “thở phào nhẹ nhõm”. Nhất là khi nhìn sang các ông hàng xóm. Kẻ thì run sợ khi Barcelona, người thì bước vào cuộc đối đầu “một mất một còn” với Paris Saint Germain.

Thực tế, cả hai lượt trận đi và về đều chứng minh rằng, Monaco chỉ là đội bóng bình thường. Arsenal thua vì đòn “hồi mã thương”. Họ tự bắn vào chân mình nhiều hơn vì đối thủ quá mạnh. Áp lực cửa trên và cả sự thiếu may mắn đã giết chết Arsenal.
5 lần liên tiếp bị loại ở vòng knock-out là kỷ niệm buồn của thầy trò Wenger
Với việc Arsenal và Chelsea đã bị loại, giải Ngoại hạng Anh đứng trước viễn cảnh “sạch bóng” đại diện ở vòng 1/8. Bóng đá Anh vốn đã lép vế trước Đức hay Tây Ban Nha, nay còn thua toàn diện cả Ligue 1 – giải đấu bị đánh giá thấp nhất trong 5 giải đấu hàng đầu châu Âu. 

Thất bại của Chelsea và Arsenal cùng chỉ ra một điểm tương đồng nữa ở hai đội bóng này: tâm lý không vững. Arsenal yếu bóng vía thì quá rõ. Cần nhớ rằng họ sở hữu biệt danh nghe chẳng lấy gì làm vui vẻ: ”Những đứa trẻ nhà Wenger”.
Clip: Monaco 0-2 Arsenal

Còn Chelsea, nói họ tâm lý kém liệu có chính xác? Đúng là trước đây Chelsea sở hữu một danh sách các nạn nhân của những màn lội ngược dòng ngoạn mục. Họ cũng có trong đội hình những cầu thủ lỳ lợm và bản lĩnh. Nhưng kể từ “triều đại Mourinho 2.0”, những cầu thủ tấn công mềm mại được đưa về nhiều hơn, lối chơi của Chelsea thanh thoát hơn nhưng bản lĩnh trận mạc lại kém đi. 

Cần một dẫn chứng thuyết phục khác nữa. Hãy nhìn vào đội tuyển Đức. Đội bóng được mệnh danh là “cỗ xe tăng” này cũng liên tiếp thất bại ở các giải lớn, kể từ khi thực hiện công cuộc “thay da đổi thịt”, chuyển từ lối chơi xù xì, chắc chắn sang lối đá tấn công hoa mỹ, cũng bởi yếu tố “tâm lý cầu thủ”.

Chelsea ở mùa giải này đã 11 lần để tuột mất chiến thắng sau khi vượt lên dẫn trước. Và đúng ở trận cầu quyết định, căn bệnh cũ lại tái phát.

Điều tiếp theo là các đại diện ở Ngoại hạng Anh còn gì để mang ra so sánh với các “siêu đội bóng” như Real, Barca hay Bayern, sau khi để thua cả Monaco và PSG?
"Bao giờ cho đến ngày xưa?" 
Câu trả lời là không gì cả. Nếu coi ba đội bóng trên là “anh hào hạng nhất” thì câu lạc bộ như Man City, Arsenal chỉ là “anh hào hạng hai”. Còn Chelsea xếp vào nhóm nào?. Có lẽ cần phải có nhóm “hạng 1,5” dành cho họ.

Người ta đã mặc nhiên coi giai đoạn 2005-2012 là chu kỳ thành công của bóng đá Anh ở sân chơi Champions League. Nhưng điều đó bây giờ cũng cần xem lại. Ngoại trừ chức vô địch xứng đáng của Manchester United năm 2008 (năm đó Chelsea hay Man Utd vô địch đều thuyết phục), thì những chức vô địch của Chelsea năm 2012 hay Liverpool năm 2005 đều đến theo cách đầy bất ngờ. Những lần vào chung kết còn lại của M.U (năm 2009 và 2011), Liverpool (năm 2007), Arsenal (năm 2006), họ đều lép vế đối thủ hoàn toàn.

Cái hay của bóng đá Anh là họ có một đội ngũ các “anh hào hạng hai” rất đồng đều. Vậy nên có thời điểm, họ làm mưa làm gió ở châu Âu. Nhưng hầu như đều dừng ở mức “tiến xa”. Mà “tiến xa” và “vô địch” là hai chuyện rất khác nhau.

Đã đến lúc bóng đá Anh cần phải chấp nhận thực tế và xem lại cách làm của mình.





Anh Dũng
Bình luận
vtcnews.vn