Áp KPI cho các Cục, Vụ thuộc Bộ TT&TT: Đột phá về đánh giá cán bộ, cần được nhân rộng

Thời sựThứ Hai, 27/08/2018 11:28:00 +07:00

ĐBQH Lê Thanh Vân cho rằng cho rằng việc áp KPI với các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ TT&TT là việc làm đột phá của quyền Bộ trưởng, là điều rất đáng hoan nghênh và cần được nhân rộng.

Mới đây, quyền Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng vừa yêu cầu tất cả các lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ phải xây dựng KPI (chỉ số đo hiệu quả công việc) nhằm quản lý, so sánh, đánh giá hiệu quả các văn bản, chính sách đã ban hành, từ đó có những đánh giá định kỳ, đồng thời công bố công khai các kết quả đo lường.

Liên quan đến vấn đề này, trả lời PV VTC News ĐBQH Lê Thanh Vân (Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội) cho rằng, việc áp KPI với các lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ TT&TT là việc làm đột phá của quyền Bộ trưởng, là điều rất đáng hoan nghênh và cần được nhân rộng.

le thanh van 3 7

ĐBQH Lê Thanh Vân cho rằng việc xây dựng KPI đối với tất cả các lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ TT&TT sẽ tránh được việc đánh giá bằng cảm nhận mang tính chủ quan, ngăn chặn được việc trù dập, gạt bỏ nhân tài.

- Quyền Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng vừa yêu cầu xây dựng KPI đối với các Cục thuộc Bộ ngay trong tháng 10, thưa ông?

KPI là chỉ số đánh giá đo lường về hành vi công vụ, đây là một công cụ được áp dụng đã lâu ở nhiều doanh nghiệp. Lần này, quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đưa vào áp dụng trong quy trình quản lý Nhà nước là một điều rất đáng hoan nghênh và tôi hoàn toàn ủng hộ. Mười năm trước, khi còn làm lãnh đạo Viện Nghiên cứu lập pháp của UBTVQH, tôi đã có ý tưởng này nhưng chưa thực hiện được vì chuyển công tác. 

Bản thân quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng là một nhà quản trị doanh nghiệp nên ông có kinh nghiệm trong việc này.

- Có ý kiến cho rằng, việc giao KPI chỉ phù hợp với doanh nghiệp và không phù hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước?

Đó là một tư duy bảo thủ, không dám mạnh mẽ. Đánh giá cảm tính chính là môi trường nảy sinh tiêu cực. Lâu nay, người ta đánh giá bằng cảm tính nên đôi khi, người có quyền lực, miệng thì rêu rao là trọng dụng người tài nhưng chính họ lại trù dập, ngáng trở, làm nghiêng ngả số phận của một người tài.

KPI đánh giá dựa trên lý tính, là mô hình quản lý hiện đại, tiến bộ, cần phải được tiếp nhận. Nhìn rộng ra, các bộ, ban ngành, các địa phương khác cũng nên áp KPI cho từng cán bộ, lãnh đạo. 

Tuy nhiên, việc này cần phải làm có phương pháp khoa học bởi môi trường quản lý Nhà nước khác với môi trường quản lý của doanh nghiệp. Còn nếu áp dụng như một cái mốt thì không nên.

 - Việc này sẽ có tác động thế nào, thưa ông?

Việc áp KPI sẽ là công cụ đánh giá tương đối chính xác về năng lực tổ chức thực hiện công việc của từng cá nhân. Đây là cơ sở để đánh giá theo lượng, lượng hóa được công việc, bằng thực chứng thay vì những tiêu chí đánh giá định tính hay việc dựa vào bằng cấp và chỉ số tín nhiệm như trước đây, 

Chỉ số KPI hiện hữu ra trước mắt và có thể đong đếm, chứng minh được những năng lực phẩm chất của người thực thi công vụ.

Việc này tạo ra nhiều giá trị. Thứ nhất, đó là cơ sở đánh giá thực chứng về chất lượng thay vì cái đánh giá định tính. Tránh được việc đánh giá bằng cảm nhận mang tính chủ quan mà đôi khi người ta dùng để trù dập, gạt bỏ nhân tài.

Thứ hai, đó là căn cứ mà người đứng đầu không thể thoái thác, buộc họ phải sử dụng đúng người. Chỉ số phơi bày như vậy thì trách nhiệm của cấp trên là phải biết sử dụng nhân tài.

KPI hiện hữu ra đấy mà không tận dụng được thì cấp trên cũng là kẻ bất tài. Dù không yêu quý người nào đó nhưng năng lực, hiệu quả công việc của họ được thể hiện ra như vậy thì buộc cấp trên phải sử dụng, phải bổ nhiệm họ, không thể khác được.

Thứ ba, việc áp KPI sẽ tránh được, chặn được chuyện mua quan bán tước trong hoạt động công vụ.

le thanh van - Copy

le thanh van - Copy

Việc áp KPI sẽ tránh được, chặn được chuyện mua quan bán tước trong hoạt động công vụ.

ĐBQH Lê Thanh Vân

- Khi áp dụng bất cứ điều mới mẻ nào cũng sẽ gặp phải những khó khăn nhất định?

Việc áp dụng KPI không phải ai và ở đâu cũng có thể làm được. Như tôi đã nói, môi trường quản lý Nhà nước khác với môi trường quản lý của doanh nghiệp.

Chính vì vậy, chúng ta cần phải xây dựng KPI cho từng cán bộ, lãnh đạo và từng đơn vị phải thật khoa học.

- Vai trò của người đứng đầu thế nào trong quyết tâm thực hiện giao KPI cho các đơn vị Cục, Vụ thuộc Bộ?

Quan trọng nhất là chất lượng người đứng đầu. Chỉ những người có bản lĩnh, có trí tuệ, có tâm trong sáng mới dám áp dụng mô hình này. 

Đối với người đứng đầu, điều tối quan trọng là phải có “ba cái minh”.

Thứ nhất tuệ minh, tức là bằng trí tuệ, bằng cảm nhận, bằng nhận định khách quan của mình để mà đánh giá chính xác việc thực hiện các chỉ số của cán bộ cấp dưới, không thiên lệch.

Thứ hai là tâm minh, đó là phải có tâm trong sáng vì việc chung. Đối với các vị trí trụ cột phải vì nước, vì dân, còn với các cán bộ công chức là phải thực hiện đúng bổn phận trách nhiệm của mình, vì lợi ích chung của đất nước, của nhân dân.

Thứ ba là nhãn minh. Người đứng đầu phải có con mắt tinh tường để nhìn ra được hành vi chân thật và hành vi giả tạo trong ứng xử công vụ của cấp dưới.

Làm lãnh đạo phải có ba cái minh đấy thì mới công bằng, mới đánh giá chính xác được cán bộ. Từ đó mới có cơ sở để đề bạt, cất nhắc, luân chuyển, bồi dưỡng đào tạo cán bộ.

Nếu như ba cái đó mà không minh thì khó có thể chọn được người cán bộ đủ năng lực, đủ tầm vóc.

 - Chúng ta vẫn nói chung chung là giao KPI cho các đơn vị quản lý nhưng cần có những tiêu chí cụ thể nào, thưa ông?

Trước hết là hệ thống tiêu chí về việc làm. Việc làm dựa trên cơ sở phân công chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan đơn vị. Từ chức năng định ra nhiệm vụ, từ nhiệm vụ định ra khối lượng công việc và từ khối lượng công việc định ra số lượng nhân sự tương ứng.

Đây là vấn đề liên quan đến khoa học tổ chức, đòi hỏi phải có một tư duy hệ thống cấu trúc là làm sao để phân công quyền lực này ở phạm vi phân công công việc về mặt thiết chế, phạm vi hẹp hơn là phân công công việc làm sao để nó khỏi chồng lấn lên nhau.

Thứ hai là hệ thống tiêu chí về năng lực, chỉ số năng lực. Ở đây là năng lực trí tuệ, khả năng sáng tạo, khả năng ứng biến với công việc.

Thứ ba là bộ tiêu chí về hành vi, đó là thái độ chấp hành kỷ luật kỷ cương của cơ quan đơn vi, thái độ hoàn thành nhiệm vụ, ý thức được trách nhiệm thời hạn giao nhiệm vụ.

Tiêu chí thứ tư, đó là sự hợp tác, cộng tác với các cán bộ nhân viên khác. Nếu anh làm tốt nhưng anh lại tìm cách hãm người khác để mình anh nổi lên, đấy là tương tác không tốt giữa các nhân sự với nhau.

Có rất nhiều tiêu chí và điều quan trọng nhất đó là tiêu chí về sản phẩm đầu ra, sản phẩm đầu ra chính là hệ thống tiêu chí để đánh giá cuối cùng mức độ hoàn thành nhiệm vụ đạt yêu cầu đến đâu, về chỉ số thời gian, đáp ứng nhu cầu, trong đó có cả ảnh hưởng đến uy tín cơ quan.

- Việc áp dụng KPI của Bộ TT&TT sẽ tạo ra đột phá?

Việc áp dụng mô hình quản lý này của Bộ TT&TT có lẽ là bước đột phá tạo ra tiền lệ để có văn bản pháp luật hoàn chỉnh hơn. Trước hết, có thể là một Nghị định của Chính phủ, sau đó là một đạo luật của Quốc hội như một bộ quy tắc chuẩn mực làm cơ sở cho người đứng đầu các cấp có công cụ pháp lý để đong đếm được thực chất năng lực thực hiện nhiệm vụ của cấp dưới.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Video: Vì sao Uỷ ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật hàng loạt cán bộ?

KPI là viết tắt của cụm từ tiếng Anh Key Performance Indicator, có nghĩa chỉ số đánh giá thực hiện công việc, là công cụ đo lường, đánh giá hiệu quả công việc được thể hiện qua số liệu, tỉ lệ, chỉ tiêu định lượng, nhằm phản ánh hiệu quả hoạt động của các tổ chức hoặc bộ phận chức năng hay cá nhân.

KPI là bộ công cụ được áp dụng phổ biến ở nhiều doanh nghiệp nhằm đánh giá hiệu quả công việc của nhân viên. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên KPI được một Bộ quản lý Nhà nước sử dụng.

Xuân Trường
Bình luận
vtcnews.vn