Ảnh vệ tinh tiết lộ bất ngờ về quá trình tan băng ở Greenland và Nam Cực

Khám pháThứ Tư, 06/05/2020 13:30:16 +07:00
(VTC News) -

Phân tích về dữ liệu vệ tinh của NASA cho thấy hiện tượng tan băng ở Greenland và Nam Cực "góp thêm" 14mm vào mực nước biển dâng lên trong 16 năm qua.

Bằng cách kết hợp thông tin từ vệ tinh ICESat (phóng đi năm 2013) và ICESat-2 (phóng đi năm 2018), các nhà khoa học tính toán những thay đổi rất nhỏ trong các khối băng, điều từng bị bỏ qua trước đây. 

"Nếu bạn theo dõi một dòng sông băng haymột tảng băng trong một tháng hoặc 1 năm, bạn sẽ không hiểu được nhiều về việc khí hậu đang làm gì với nó. Chúng tôi có độ chênh 16 năm và nhận thấy những thay đổi trong băng liên quan tới các thay đổi dài hạn về khí hậu", ông Benjamin Smith, một nhà nghiên cứu về sông băng tại Đại học Washington (Mỹ), tác giả của nghiên cứu cho biết. 

Ảnh vệ tinh tiết lộ bất ngờ về quá trình tan băng ở Greenland và Nam Cực - 1

Hiện tượng mất hoặc tan băng ở Nam Cực trong 16 năm biểu thị qua các mảng màu. Màu đỏ và tím biểu thị cho mức độ mất băng trong khi màu xanh biểu thi cho mức độ tan băng. (Ảnh: Science)

Theo nghiên cứu, dải băng của ở Greenland mất trung bình 200 gigatons băng mỗi năm trong khi Nam Cực mất trung bình 118 gigatons băng trong 1 năm. Một gigaton băng đủ để lấp đầy 400.000 bể bơi theo tiêu chuẩn Olympic.

Tom Neumann, đồng tác giả của nghiên cứu cho biết hình ảnh mới đây giúp ông và các đồng nghiệp xem xét thay đổi trên các sông băng và thềm băng riêng lẻ cùng một lúc. 

Ở Greenland, sông băng Kangerdulgssuaq và Jakobshavn mất 4-6 m độ cao mỗi năm, nhiệt độ mùa hè ấm hơn làm tan băng từ bề mặt sông băng và các tảng băng. Trong khi đó ở Nam Cực, các dải băng dày hơn ở khu vực bên trong, có thể là do tuyết rơi nhiều hơn. Nhưng tình trạng mất băng ở rìa lục địa lại nghiêm trọng hơn nhiều so với các khu vực khác. 

Ảnh vệ tinh tiết lộ bất ngờ về quá trình tan băng ở Greenland và Nam Cực - 2

Hiện tượng mất hoặc tan băng ở Greenland. (Ảnh: Science)

"Phân tích mới cho thấy phản ứng của các tảng băng đối với sự thay đổi của khí hậu với các chi tiết chưa từng có, tiết lộ manh mối về lý do và cách thức các tảng băng này phản ứng", Alex Gardner, đồng tác giả của nghiên cứu cho hay. 

"Ở Tây Nam Cực, sông băng mỏng đi rất nhanh. Có những thềm băng ở cuối hạ lưu của các dòng sông băng nổi lên trên mặt nước. Những thềm băng này mỏng dần đi khiến nhiều băng chảy ra đại dương khi nước biển ấm hơn làm xói mòn băng", ông này nói thêm. 

Băng tan ra từ các thềm băng không làm tăng mực nước biển, nhưng các thềm băng mang lại sự ổn định cho các sông băng và các dải băng phía sau chúng.

Song Hy(Nguồn: Fox News, CM)
Bình luận
vtcnews.vn