Ánh Tuyết chợt khóc chợt cười nhớ ‘Bố Phạm Duy'

Văn hóa - Giải tríThứ Ba, 29/01/2013 07:36:00 +07:00

(VTC News) – Chia sẻ những kỉ niệm về nhạc sĩ Phạm Duy, chị cười lớn khi nói về những chuyện vui nhưng có đôi lần, chị đã không kìm được những giọt nước mắt.

(VTC News) – Trong căn nhà nhỏ yên tĩnh, Ánh Tuyết một mình mở lại những bản nhạc của nhạc sĩ Phạm Duy mà chị đã thu demo trong album Thân Phận còn dở dang của mình sau khi đi viếng ông về...






Gặp phóng viên chia sẻ những kỉ niệm về nhạc sĩ Phạm Duy, chị cười lớn khi nói về những chuyện vui nhưng có đôi lần, chị đã không kìm nén được những giọt nước mắt xúc động cứ trào ra.

Ánh Tuyết là một trong những ca sĩ gạo cội gắn bó với âm nhạc của nhạc sĩ Phạm Duy xuyên suốt con đường ca hát của chị từ khi còn bé đến bây giờ khi chị đã ngoài 50 tuổi đời. Âm nhạc của nhạc sĩ Phạm Duy đến với Ánh Tuyết như một mối duyên tiền định và ông cũng chính là thần tượng của chị.

Không phải là một tình nghĩa gắn bó nhưng là một người yêu quý âm nhạc của ông quá lớn, Ánh Tuyết được gặp gỡ gia đình nhạc sĩ Phạm Duy từ khi ông về nước năm 2000 và có mối quan hệ khá thân thiết. Chị gọi nhạc sĩ là bố rất tự nhiên từ lúc nào không hay dù mới đầu, chị gọi ông bằng bác.

Chị đang có dự án làm 3 album nhạc Phạm Duy nhưng mới thu âm demo được 5 ca khúc trong album đầu tiên thì ông qua đời. Tin này đến với Ánh Tuyết không quá bất ngờ nhưng chị cũng bấn loạn bởi chị thường xuyên vào bệnh viện thăm ông và giữ liên lạc.

Cách đó khoảng 2 tuần, Ánh Tuyết vẫn gọi điện thoại và email thường xuyên với nhạc sĩ khi chị đi Đà Nẵng làm album đầu tiên nhạc của ông. Ông đã nghe 5 bài mới thu của chị là Nước mắt mùa thu, Hẹn hò, Hoa rụng ven sông, Đừng bỏ em một mình, Nếu một mai em sẽ qua đời và góp ý cho Ánh Tuyết.

Nhạc sĩ Phạm Duy và ca sĩ Ánh Tuyết (ảnh chụp năm 2000 khi nhạc sĩ về nước lần đầu tiên) 
Với niềm thương tiếc của một ca sĩ yêu nhạc Phạm Duy, Ánh Tuyết bồi hồi chia sẻ những kỉ niệm xúc động về ông cùng phóng viên VTC News:

Từ nhỏ, tôi đã “nhiễm” nhạc của ông vì tôi có mấy ông anh rất mê nhạc Phạm Duy. Các anh của tôi suốt ngày lập band tập đàn, tập hát và bắt con bé nhỏ xíu là tôi ra tập cùng. Thành ra, mới lớp 2 – lớp 3 mà tôi đã hát nhạc già chát như Đưa em tìm động hoa vàng, Áo anh sứt chỉ đường tà, Tình hoài hương, Tình ca, Hoa rụng ven sông…

Năm lớp 3, tôi đã đoạt giải nhất đơn ca Tình hoài hương ở cuộc thi giữa các trường tiểu học trong thị xã. Ở Hội An lúc, tôi được gọi là “Tình hoài hương” chứ không còn là “bé Tiết” nữa vì lúc đó, bài hát này tôi hát được mọi người yêu mến bảo “sao nó nhỏ thế mà hát to, vang và bay thế?”.

Lên lớp 6, tôi hát Áo anh sứt chỉ đường tà rất say mê trong band nhạc của các anh trai. Mỗi lần tôi đi thi, mọi người biết chắc là “bé Tiết” đoạt giải rồi.

Nhạc Phạm Duy không làm khó tôi bởi nó như là cái gen truyền thống. Thực ra, những ca khúc của ông như sự thuận miệng, thuận âm với giọng của tôi. Tôi hát rất dễ dàng, không có gì khó.

Tôi mê nhạc Phạm Duy từ nhỏ, ăn sâu vào qua giọng hát của những nghệ sĩ đi trước như Thái Thanh, Duy Quang, Thái Hiền…hay những người anh trai và dần nó trở thành bản năng. Hồi đó, nhà tôi bán quán cơm nhưng nhạc mở ra rả  suốt ngày và tôi lúc nào cũng bắt chước, trải khăn làm sân khấu chui xuống gầm bàn hát hoặc chui đầu vào cái chum nước hát, nghe giọng vang vang thích lắm!

Không hẳn nhạc của ông hình thành nên con đường âm nhạc của tôi nhưng giúp tôi say mê với âm nhạc từ tuổi thơ.

Hồi đó còn nhỏ quá, tôi không hiểu 2 từ quê hương là gì nhưng khi hát những bài nhạc của ông như  Tình hoài hương, Bà mẹ quê, Em bé quê, Vợ chồng quê, Tình ca… thì tôi cảm thấy hình ảnh quê hương rất chân chất, mộc mạc, ấm áp. Tất nhiên là có nhiều bài hát của các nhạc sĩ viết về quê hương nhưng nhạc của Phạm Duy là những ca khúc đầu tiên tôi hát.

Tôi cảm nhận được quê hương thân thương thế nào, khó mà xa rời. Nó hình thành trong đầu tôi một con người ướt át với quê hương, lúc nào cũng dễ rơi nước mắt. Tôi là người miền Trung, đi đâu cũng sông nước, ruộng lúa, trâu cày… và tôi lớn lên trải qua nhiều biến cố.

Nhạc sĩ Phạm Duy trong thời gian cuối đời (ảnh: internet) 
Tôi vẫn nhớ những cảnh hồi bé chạy giặc, trốn pháo, thấy cảnh những người mẹ ôm con chạy dưới bom mìn, những người đi cày đi cấy giữa trưa bị bom đạn rơi xuống đồng… những hình ảnh đó tôi không thể nào quên được.

Những biến cố đó làm cho con người mình thấy yêu thêm nhiều, thấy thân thương hơn và sợ quê hương bị mất mát, đau thương lan tràn. Và càng ngày tôi càng thấm hơn những hình ảnh quê hương trong lời bài hát của nhạc sĩ Phạm Duy.

Chưa phải xa quê nhưng năm 1978, lúc tôi 17 tuổi rồi, tôi chỉ đi xa Hội An ra Đà Nẵng ly gia đình đi làm mà tôi đã nghĩ xa quê hương rồi, xa quá dù chỉ có hơn 30km. Lúc đó mường tượng trong đầu tôi rất trẻ thơ.

Có lẽ là tôi quá yêu âm nhạc, đất nước Việt Nam nên mặc dù có điều kiện đi nước ngoài sống nhưng tôi không đi vì tất cả tuổi thơ, những gì có được, hun đúc nên con người tôi là ở đây.

Nếu nói âm nhạc của nhạc sĩ Phạm Duy gắn bó thế nào với tôi, tôi chỉ kể chuyện này chắc mọi người cũng đủ hiểu.

Năm 1993, tôi cảm thấy bế tắc và vào Sài Gòn. Tôi đói lắm và muốn bỏ nghề. Tôi mơ mộng ước gì nhạc sĩ Phạm Duy về vì âm nhạc của ông mới là sở trường để tôi tung hoành. Lúc đó, tôi nói cả với mấy anh nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Từ Huy, Nguyễn Hiệp… là “ước gì nhạc sĩ Phạm Duy về và âm nhạc của ông được hát để em được bơi trong âm nhạc”.

Tôi nghĩ nếu như ông không về thì tôi bỏ nghề.

Và phải đến năm 2000, giấc mơ của tôi đã trở thành hiện thực khi ông về nước lần đầu tiên. Nhưng thú thực, năm 1992 tôi đã đi hát chuyên nghiệp nhạc của ông, những bài như Áo anh sứt chỉ đường tà, Đưa em tìm động hoa vàng…rất nhiều.

Tôi còn nhớ mãi về bài Đưa em tìm động hoa vàng khi đi hát, tôi cầm micro dây ra sân khấu đang giới thiệu tên bài này thì đạp vào dây và mọi người chỉ nghe thấy là “Đưa em tìm động” (cười to). Khán giả cười rần lên, còn tôi đứng mặt sượng trân, đơ nghệt ra.

"Tôi biết rồi cũng đến lúc ông ra đi bởi tuổi già và ông nhiều lần phải vào viện nhưng không nghĩ lại nhanh thế". 
Từ khi gặp gỡ nhạc sĩ, tôi tích cực làm những điều có thể để ông về nước và những ca khúc tôi yêu thích mau mau được hát. Đơn giản là tôi yêu những ca khúc của ông.

Tết năm 2001, cả gia đình ông gồm 5 người về ăn tết nhưng không có visa vào cửa phía Bắc. Tôi cũng bất ngờ khi được ông tin cậy nhắn một người thân thiết nói là ông nhờ xin visa về nước ăn tết. Sau đó, tôi rất mừng khi nhờ người giúp làm được visa ngay tại cửa khẩu cho gia đình ông về đón cái tết ấm cúng.

 

Gần đây, có lẽ do tự ái trong lòng tôi lớn quá mà không biết do đâu nên dù vẫn gặp gỡ, thân thiết ông nhưng sau đó tôi né dần. Bây giờ tôi mới hiểu là không phải do ông mà do người khác.


 
Đây là lần thứ 2 ông về nước. Năm đó, tôi còn tổ chức một buổi tiệc buffet nho nhỏ tại nhà mình và mời tất cả những người bạn cũ của ông như Nguyễn Văn Tí, Nguyễn Văn Đông, Nguyễn Ánh 9, Kim Cương… và gia đình ông tới chung vui.

Ngoài gia đình riêng của tôi thì còn có ba mẹ chồng tôi cũng về đây tham dự. Nhạc sĩ đi cùng 2 anh con trai tới và ông rất vui khi gặp gỡ những bạn bè cũ. 

Với vai trò của một nghệ sĩ dù là lớp sinh sau đẻ muôn, tôi nghĩ mình đã làm đúng được việc cần làm để ông cảm thấy vui và ấm áp. Tôi sợ ông về đây sẽ cảm thấy lạc lõng ngay ở quê hương.

Sau đó không lâu, tôi mở phòng trà riêng của mình và ông về nước lần thứ 3. Lần này, ông cùng anh con trai đến đây nghe nhạc và rất vui. Ông bảo rằng tôi là người làm nhạc nghiêm túc. Ông còn đi xem tôi hát mấy lần ở những phòng trà của tôi sau đó và cũng có phát biểu trong những video clip để tôi đi lưu diễn.

Những thời gian đầu khi ông mới về nước định cư, ngày nào tôi cũng đến thăm, đi uống café với ông vì sợ ông buồn. Thời gian sau đó, tôi không dám mời ông đến xem chương trình của tôi nhiều, chỉ những chương trình đặc biệt như đêm nhạc Văn Cao và những đêm nhạc của ông vì sức khỏe của ông cũng yếu.

Gần đây, có lẽ do tự ái trong lòng tôi lớn quá mà không biết do đâu nên dù vẫn gặp gỡ, thân thiết ông nhưng sau đó tôi né dần. Bây giờ tôi mới hiểu là không phải do ông mà do người khác.

Không tham gia các chương trình lớn của ông do Phương Nam Film tổ chức nhưng các đêm nhạc Phạm Duy mà tôi tự tổ chức tại phòng trà riêng như Ngày xưa Hoàng Thị (2004) rất thành công.

Lần ông đến xem chương trình Ngày xưa Hoàng Thị cũng là lúc ông phát hiện ra giọng ca Nguyên Thảo với nhận xét riêng vào tai tôi rằng cô ấy là “một ngôi sao ẩn mình”.

Tôi nghe rất nhiều giai thoại về cuộc đời ông từ khi còn nhỏ, những trái ngược muôn màu nhưng tôi chỉ quan tâm đến âm nhạc của ông. Con người ai cũng có ưu và khuyết điểm nhất định nào đó nhưng có người giấu, có người dám hiên ngang mở ra là ông.

Bên ngoài, ông là con người rắn rỏi, mạnh mẽ nhưng gần ông, tôi cảm thấy bên trong không phải vậy. Ông nói vang vang, hào sảng và lí trí rất sáng suốt nhưng tôi cảm nhận được ông có cái gì đó vẫn giữ chặt trong lòng mình. Ông cố vui để mọi người thấy ông không suy sụp, để bản thân thèm làm việc và được làm việc.

Trong bệnh viện, ông có dự án âm nhạc và viết sách về những câu chuyện ra đời bài hát của ông. Khi tôi đến thăm ông ở bệnh viện, ông thường nói rất hăng, rất vui và hóm hỉnh: “Bố còn muốn sống! Bố còn nhiều dự án phải làm! Bố muốn làm việc!”.

Nằm viện nhưng nhạc sĩ Phạm Duy vẫn rất lạc quan 
Và ông nằm viện, cái máy vi tính lúc nào cũng phải để dựng đứng lên. Có lần tôi đến thăm thấy ông đang xem phim, liền trêu:

- Ái dà, bố làm biếng xem phim chứ có làm việc đâu?
 Ông cười khắc khắc khắc:
- Thì bố xem một tí cho nó giải trí ấy mà!
(Nói đến đây Ánh Tuyết cười lớn) Tôi thấy ông lúc đó cũng rất hồn nhiên.

 

Ông bảo “Duy Quang nó ra đi đã để lại trong lòng mọi người rất nhiều tiếc thương, điều đó khiến bố vui. Còn đau lắm vì nó sống với bố suốt 60 năm nay, là đứa sống gần bố nhiều nhất”.


 
Ông không muốn kể lể để khiến mọi người buồn. Vì kinh tế khó khăn, ông từ bệnh viện Việt Pháp phải chuyển qua bệnh viện 115. Khi tôi đến thăm thấy ông phải nằm chung với một người bệnh.

Nghe nhà văn, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân nói hôm qua có ông nhà thơ nào đó đến thăm và cho phong bì 1 triệu ông vui, tôi hiểu không phải ông vui vì 1 triệu mà ông vui vì có người đến thăm.

Khi cảm nhận như vậy, tôi làm show ủng hộ ông không hẳn vì tiền mà muốn làm cho ông có tinh thần, sống lâu hơn. Với ông, nghe ai định làm album hay chương trình nhạc của ông, ông rất vui và hăng hái.

Ban đầu tôi sợ ông không thích. Khi nghe tôi nói “con muốn làm 2 đêm nhạc để con gom tiền khán giả biếu bố”, ông nói “bây giờ ai cho tôi gì tôi cũng lấy”. Câu nói của ông bao hàm thật nhiều thứ!

Khi nằm viện, ông biết con trai là Duy Quang mất nhưng ông vẫn giữ sự bình thản, cười rôm rả với mọi người. Tôi hỏi “bố đau chứ?”, ông bảo “Duy Quang nó ra đi đã để lại trong lòng mọi người rất nhiều tiếc thương, điều đó khiến bố vui. Còn đau lắm vì nó sống với bố suốt 60 năm nay, là đứa sống gần bố nhiều nhất”. Ông nặng lòng với Duy Quang lắm!

Sau khi thăm ông, tôi gọi điện hỏi ông rằng có nhiều người muốn đến thăm bố, vào giờ nào được? Ông bảo bất kì giờ nào. Ông sẵn sàng đón bất cứ ai đến thăm.

Chỉ riêng câu đó là tôi cảm nhận được trong lòng ông cô đơn và thèm tình người biết mấy! Ông cảm nhận được ai xa lánh ông (đến đây nước mắt Ánh Tuyết chực trào ra). Tôi thấy đau và thương ông kinh khủng. Tôi biết mọi người đến thăm đều đem lại cho ông một nguồn sống rất mạnh, một niềm tin, niềm vui vào cuối đời.

Nhả văn, Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, ca sĩ Ánh Tuyết và diễn viên Quý Bình thăm nhạc sĩ khi ông còn nằm viện 
Tôi và ông không phải là một tình nghĩa gắn bó nhưng ông là một người tôi yêu quý. Trong âm nhạc, ông quá lớn! Âm nhạc của ông đem đến cho bao thế hệ tình yêu thương giữa con người với nhau qua từng ca từ, nó nặng lòng và sâu đậm lắm! (chị khóc nghẹn, lau nước mắt và tiếp)

Mọi người đừng nghĩ rằng “giữa Ánh Tuyết và nhạc sĩ Phạm Duy có cái gì mà phải khóc?”. Không riêng gì nhạc sĩ Phạm Duy mà bất kì một nhân tài của đất nước rơi rụng thì đối với tôi, nó như là một cái gì mất mát, đau lòng. Huống chi, nhạc sĩ Phạm Duy là một người đại tài, không tìm ra được người thứ 2.

Tôi biết rồi cũng đến lúc ông ra đi bởi tuổi già và ông nhiều lần phải vào viện nhưng không nghĩ lại nhanh thế. Tôi hồi hộp và đang cố gắng hết sức để làm đĩa nhạc dành tặng ông.

2 tuần trước, khi tôi đang làm đĩa ở Đà Nẵng, tôi gọi về không thấy ông bắt máy. Tôi gọi qua người chăm sóc ông thì được báo ông không ngồi xe lăn nữa mà tự đi bộ được rồi. Ông ăn khỏe, lên taxi chở ra thành phố rồi đi bộ dạo chơi. Nghe vậy tôi rất vui và hăng hái và thu liền được 2 bài. Tưởng kịp nhưng nào ngờ…

Phượng Hoàng(ghi)
Ảnh: Ca sĩ Ánh Tuyết cung cấp

Bình luận
vtcnews.vn