Anh tôi

Tổng hợpThứ Ba, 03/09/2013 01:34:00 +07:00

Sự ra đi đột ngột của bố khiến gia đình tôi chao đảo. Anh Hai trở thành người gánh vác phụ mẹ nuôi các em.

   Nói đến "gia trưởng", người có quyền quyết định trong nhà phần lớn đều rơi vào ngôi Bố nhưng với gia đình tôi, đặc biệt là với năm chị em tôi vị trí đó nhất nhất phải dành cho anh Hai. Sự ra đi đột ngột của bố khiến gia đình tôi chao đảo. Anh Hai trở thành người gánh vác phụ mẹ nuôi các em. 
   Từ đó, tất thảy mọi quyết định đều rắm rắp theo ý kiến của anh Hai. Trí nhớ của tôi bắt đầu bằng buổi chiều thứ sáu ở ký túc xá. Khi trời chạng vạng tối, anh Hai lại đón chị Phương và tôi về nhà. Hai chị em ngồi ở bình xăng đằng trước. Chị Phương "nhổ giò", anh Hai bắt ngồi nghiêng cái đầu sang một bên vì chị cao, che tầm nhìn. Lần nào cũng thế, anh chở ra bến Bạch Đằng, mua cho mỗi đứa một trái bóng hình con thỏ và một thỏi kẹo xi-gum. Rồi có một thời gian, anh Hai không đón, hai chị em tôi ngồi bơ vơ ở dưới đài Đức Mẹ chờ cho đến xụp bóng; theo sau đó là những chiều thứ sáu buồn rười rượi, lủi thủi leo lên chiếc taxi của chú Năm đi về nhà. Đó là lúc anh Hai đi vào quân ngũ.

 

   Anh Hai được miễn dịch vì con trai một. Chiếc Vespa thay chỗ cho chiếc Honda khi hai chị em đã cao hơn một tí vì ngồi trên bình xăng sẽ che tầm nhìn của anh Hai; ngồi đằng sau thì chưa đủ lớn. Hai đứa đứng trên chiếc vespa nhìn phố phường với những đèn neon đủ màu sắc. Chị Phương không phải nghiêng đầu một bên nữa. Trời mưa. Tôi thích trời mưa vì anh Hai lấy cái áo ponso trùm hai chị em kín mít. Đứng trong đó, mưa rơi đồm độp, tối thui nhưng lại vui vui. Có lần thấy một vết rách tí tẹo, nước nhỏ vào trong, tôi đưa ngón tay bé xíu lên ngoáy cho to ra để xem trời mưa ra sao. Vết rách thành một lỗ to, về tới nhà ướt như chuột. Chị Phương lớn thêm tí nữa nên ra sau ngồi, tôi chỗm chệ đứng đằng trước . 
   Tết Trung Thu. Tuổi thơ tràn đầy màu sắc như những chiếc lồng đèn bằng giấy kiếng. Tôi nhớ chiếc lồng đèn đầu tiên anh Hai và các bạn anh làm cho trường. Chiếc đèn hình trái địa cầu, xoay như đèn kéo quân. Ở trên đỉnh, gắn thêm một con chim bồ câu trắng to thật là to. Khi đang làm khung, tôi chui vô ngồi bị anh lôi ra, đét vào mông cho vài cái vì phá. Trở lại những chiếc đèn bằng giấy kiếng nhé. Ngập phố chợ những chiếc đèn xanh, đỏ, hồng. Nào là cá chép, tôm, gà, thỏ, ngôi sao; lớn và nhỏ đủ các cỡ. Những chiếc đèn được sơn phết và dán lông thỏ, lông gà sặc sỡ. Chính giữa có chỗ cắm cây đèn cầy nhỏ xíu bằng ngón tay út. 

 

    Buổi tối đốt đèn cầy, ánh sáng lung linh, lấp lánh, sáng ngời trong mắt tuổi thơ. Lúc nào cũng thế, sau khi đón từ ký túc xá, anh Hai chở hai chị em tôi đi chơi, đi mua đèn. Tôi thích đèn con cóc. Tôi còn nhớ con cóc màu xanh, hai con mắt lồi ra được dán trên lò xo. Khi gió thổi, miệng con cóc đóng mở, hai con mắt lắc lư. Tôi thích lắm nhưng anh Hai không mang theo đủ tiền. Hôm sau trở lại, chiếc đèn không còn vì họ đã bán. Tôi khóc nhất định không chịu chiếc khác. Năm đó tôi không có đèn nhưng năm sau, anh Hai tôi mua cho tôi một cái đèn y như vậy. Con cóc có cái miệng ngáp ngáp, đôi mắt lắc lư được thắp sáng, tôi hớn hở xếp hàng đi rước đèn. Trời thật kỳ cục vì cứ tết Trung Thu là lại lắc rắc vài hột mưa. Gió thổi to, đèn cầy lật. Con cóc của tôi... con cóc của tôi bốc cháy, kèm theo những giọt nước mắt rưng rưng. 
   Mẹ bảo khi tôi còn bé, tôi đeo dính lấy bố không rời. Khi bố mất, Út mới vài tháng nên mẹ phải bồng bế nó. Các chị tôi đi học. Tôi lẩn thẩn đi theo anh Hai. Tối ngủ không có bố gãi lưng, anh Hai vác tôi lên vai. Mẹ tôi hay đọc kinh gia đình vào buổi tối. Những lúc tôi ngủ gục, đọc kinh xong, anh Hai bế tôi đi lên lầu vì nặng quá mẹ bế không nổi và cũng không muốn đánh thức. Những ngày ở nhà, tôi lẽo đẽo theo anh Hai. Anh sửa xe, tôi cầm mỏ lết. Anh bắt điện, tôi đưa dây chì. Anh học chụp hình, tôi làm người mẫu mũi dãi lòng thòng ngồi ẹo qua, ẹo lại. Cười mỏi miệng, ngồi mỏi lưng, mắt cứ phải nhìn một chỗ mà ông phó nhòm nhắm lâu ơi là lâu. Tóc của tôi cũng do anh Hai cắt; mà ảnh có bao giờ học cắt tóc đâu. Anh lấy kéo phập ngang trán một nhát, thêm một nhát nữa từ cằm ra tuốt đằng sau là xong. Ngọ ngoậy, anh cốc cho một cái u đầu. Dần dần tôi bắt chước, khi lớn tôi sửa từ điện tới xe gắn máy luôn. Nhộn nhịp chuấn bị lễ Giáng Sinh được bắt đầu vào khoảng giữa tháng 12. 
   Anh Hai mua giấy làm bao xi măng và mực tàu về. Ở góc sân thượng, mấy anh em hì hục dời chậu kiểng. Mang hai cây thanh thùng, và sơn tùng vào vị trí cố định để giả cây thông. Anh đóng khung, bắt kẽm, còn các chị em tôi ngồi cắt giấy kim tuyến làm cỏ và tuyết. Khi giàn khung được hoàn thành, anh bẻ giấy làm thành những hòn đá, xếp chồng và dán keo xung quanh khung kẽm để làm thành một hang đá cho Chúa Hài Đồng. Phận sự của đám con gái là quét mực tàu lên những cục đá giả và rắc kim tuyến lấp lánh lên trên. Sau khi gắn đèn chớp và anh cẩn trọng bưng bộ tượng Giáng Sinh đặt vào hang đá. Năm nào mẹ cũng nấu nồi cháo gà, làm gỏi, nấu xôi. Chị Ba và chị Tư làm bánh "khúc cây". Sau khi đi lễ nửa đêm về, cả nhà quây quần trước hang đá ăn bữa tiệc nho nhỏ. Trời lạnh lạnh của sương đêm, của cuối năm. Hang đá lấp lánh đèn, nồi cháo gà thơm phức cô đọng thành thói quen của gia đình. Từ 10 năm nay, dù bận cách nào anh chị Hai cũng sang để quây quần với mẹ. Nồi cháo gà và hang đá vẫn tiếp tục lan ra 6 gia đình. Nhớ mẹ, nhớ anh Hai, nhớ tất cả các chị, em nhưng có lẽ chẳng bao giờ có thể ngồi quây quần lại một mâm như ngày xưa . 
   Anh Hai mang gánh nặng kinh tế của bố mà còn phải cưu mang luôn vai trò dạy dỗ, dẫn dắt các em. Mỗi buổi tối, chúng tôi ngồi quây quần trên bàn học bài. Anh Hai ngồi như ông tổng thống ở cái ghế dựa ngoài lan can nhìn vô. Dáng ngồi bắt chân chữ ngũ, mâm mê nhổ râu cằm. Từng đứa rón rén chìa cuốn vở cho anh xét. Đầu tiên sẽ nghe quát: 
- Chữ này phải viết rời ra. Xuống hàng ở đây. Không được viết leo ra lằn kẻ. 
Rồi sẽ nghe hét:
- Tao bảo mày sửa chữ, viết cho ngay ngắn. Viết như vầy này.
   Anh mua về hai loại viết chì màu xanh, đỏ. Bắt gạch đề bài bằng màu đỏ, những điểm chính bằng màu xanh. Từng trang vở phải ghi rõ ngày tháng. Ôi chao ơi, lúc đó anh Hai là ông "ôn thần" dữ như thiên lôi chứ chẳng phải người thường. Học bài lại nhớ đến chị Ba. Bà chị hiền nhất nhà và tất nhiên khù khờ nhất nhà. Chị mê tiểu thuyết, mê văn chương mà toán thì ù ờ. Chị Ba nhỏ hơn anh 7 tuổi; vậy mà khoảng cách 7 tuổi đó nó xa vời vợi. Chị sợ anh Hai. Sợ tới mức mà anh Hai hét một tiếng, chị quăng luôn cái bình thuỷ xuống ngón chân cái. Anh Hai giảng lượng giác cho chị. Giảng hoài mà chị vẫn không hiểu (có lẽ vì sợ quá), anh Hai bực mình hỏi:
- Vậy tam giác có mấy cạnh 
- Dạ ...dạ có hai cạnh 
Anh Hai gằn tiếng:
- Có mấy cạnh ? 
- Dạ… hai cạnh 
Chị trả lời hai mà lại giơ ba ngón tay. Trên bàn, 4 đứa còn lại mặt xanh lè. Mẹ ngồi gần đó phì lên cười mắng:
- Bố mày. Sao mà ngố thế. Tam mà là hai à! 
Chị vẫn đưa ba ngón tay. Anh Hai phì ra cười, mấy đứa còn lại lấm lét. Thế là bữa đó nghỉ sớm. Tam giác có hai cạnh của chị Ba được kể đi, kể lại. Giờ chị Ba đã 60 tuổi rồi nhưng vẫn còn sợ. Có bữa gài nhau ghẹo chị Ba:
- Chị Vân, anh Hai nói chị gọi cho anh Hai kìa 
Bảo đảm chị nhảy choi choi đưa phôn cho anh Vân . 
- Thôi tui sợ lắm, ông nói đi. Anh Hai nghiêm chứ không dữ. Anh sống mẫu mực, làm gương sáng cho các em. Tôi chưa bao giờ thấy anh la cà, đàn đúm với bạn bè ở quán nhậu, cà phê hay vũ trường. Anh đi làm, lo công việc buôn bán phụ mẹ; sau đó là về nhà "dí" 5 đứa em gái. Anh chỉ có một vài người bạn và chúng tôi gọi họ là chú hoặc cậu. 

 

   Tôi không hiểu tại sao gọi những người đó với vai bậc già khằng như vậy. Trong vài người ít ỏi đó có anh người miền Trung, tiếng lơ lớ, chúng tôi gọi Cậu Giáp. Cậu trong bộ quân phục ủi hồ thẳng nếp ghé nhà nhiều nhất vì... chị Ba. Mỗi lần cậu ghé, cả bầy con gái chất lên xe jeep nhà binh đi ra bùng binh Nguyễn Huệ, công viên con rùa coi phun nước. Cuối tháng 3 năm 75, cậu ghé nhà xin Mẹ cho chị Ba đi Bình Tuy về nhà của cậu nhưng mẹ không đồng ý. Tôi còn nhớ khoảng cuối tháng 4, khi Long Thành bị chặn, gia đình tôi không ra được Vũng Tàu, cậu lái xe jeep đi vô tìm anh Hai.
   Cuộc nói chuyện rất lâu và sau khi cậu đi, anh Hai tôi trầm ngâm cả buổi. Sau hơn một năm, cậu bất ngờ ghé nhà với cái nón cối và bộ quần áo "cán bộ", chở theo bó rau muống trên chiếc xe đạp Trung Quốc. Cậu vượt trại. Mẹ và anh Hai giấu cậu trong nhà. Mẹ ra Bình Tuy tìm gia đình Cậu Giáp. Hai nhà sắp xếp cho cậu vượt biển. Cuộc chia tay của chị Ba và cậu Giáp in hằn trong ký ức của chị em tôi vì trong bữa cơm tối cuối cùng đó, anh Hai khuyên chị Ba ở lại để mình cậu Giáp đi. Chuyến đi bị bể, Cậu Giáp chạy trốn bị bắn và từ đó không có tin tức. Chị Ba cứ chờ, chờ mãi. Chị viết nhật ký, viết thơ trong nhật ký và những lá thư mãi mãi không có địa chỉ để gởi đi .
   Người con gái đầu tiên mặc chiếc áo dài, khép nép ngồi sau chiếc Honda được anh Hai đưa về nhà là chị NA. Hai anh chị quen nhau từ thời sinh viên. Bố tôi mất, gia đình suy xụp và tình cảm của anh chị bị ảnh hưởng nặng nề. Ngày anh Hai tốt nghiệp đại học, bố mẹ xin cưới nhưng gia đình chị NA hẹn sau khi anh Hai du học trở về sẽ cưới. Bố mất, anh Hai bỏ dở học hành; lời hứa đó cũng trở thành số không. Mẹ và ông bà nhắc lại cưới hỏi thì bị trả lời "Nhà nghèo, vướng bịu 5 đứa cô chồng nên xét gia cảnh, tài chính thì Anh Hai không đủ điều kiện để lo cho chị NA ." Họ chia tay nhau, chị NA đã kết liễu cuộc tình bằng những viên thuốc ngủ. Có lẽ day dứt đó vĩnh viễn theo anh Hai. Hơn 40 năm mà những sách vở, lá khô, giấy bút của chị NA vẫn còn được giữ nguyên vẹn trên lầu thượng. Dọn nhà nhiều lần nhưng lúc nào chị Hai cũng dặn:
- Mấy cái thùng đó để yên cho ổng nghen . 
Mẹ bảo :
- Quăng đi. Cái đó giữ làm gì. Nát hết rồi. 
Nhưng chị Hai giữ lại.
- Mẹ! của ổng đó. Ổng quí nó lắm. Đừng đụng vô. 
Người con gái thứ hai được anh Hai đưa về nhà là chị Hai. Từ ngày chị NA ra đi, anh Hai sống như thầy tu chỉ đi từ nhà vào tiệm và từ tiệm về nhà. Chị Hai làm thư ký và tất nhiên "sợ" anh Hai. Chắc "ớn" tương đương như chị Ba. Lúc chị đã trở thành chị Hai, mấy chị em hỏi chị 
- Sao hồi đó chị gan vậy? Nhìn mặt anh Hai sợ thí mồ.
Chị cười công nhận :
- Giờ nhìn cũng ớn vậy. 

 

Sau gương mặt nghiêm nghị đó là tình thương yêu, đùm bọc. Anh chị sống với nhau êm đềm và hạnh phúc  Hạnh phúc mà tôi chưa thấy ai có được như họ. Anh Hai ân cần dặn bồi bàn trước khi họ quay đi:
- Làm ơn đừng bỏ hành cho bả nghen. Bả không thích hành.
Trưa nắng, chị cần ra ngoài một mình là anh Hai nhắc: 
- Bà làm ơn nhớ giùm tui cái nón. Hôm nhận được tin chị NA, mẹ tôi tát anh Hai ngay ở giữa sân. Đó là lần duy nhất tôi thấy mẹ la và tát anh Hai. Tôi không hiểu tại sao chị NA lại chọn kết cục như vậy khi mẹ thương chị hết mực. Thời gian 4-5 năm hai anh chị quen nhau, mẹ lo tất bật buôn bán. Bà lo cơm nước nên chị Ba, chị Tư nhìn quê trợt giống như dân ruộng. Chị NA trở thành nhà thiết kế thời trang. Những đồ dùng của con gái đều do chị NA dắt đi mua. Quần áo giày, dép của 3 đứa nhỏ: chị Phương, tôi và nhỏ út đều do chị lựa. Chị chăm chút cho chị Ba và chị Tư. Chiếc xe honda chở 3 , tôi ngồi trên bình xăng đằng trước, chị ngồi nép sát vào anh Hai ở ghế sau, đi khắp Sài Gòn từ thương xá Tax cho đến chợ Dân Sinh. Nhắc đến chị NA, mẹ tôi than:
- Con nhà sao lại dại thế. Có gì thì nói với mẹ chứ. 
   Từ ngày chị mất, căn phòng học trên sân thượng trở nên hoang vắng, lạnh lẽo, không ai dám lên vì hồi quen nhau, anh Hai hoạ hình bán thân của chị bằng viết chì lên tường. Bức hoạ như sống làm chúng tôi sợ. Mẹ kêu anh Hai sơn lại bức tường nhưng anh Hai không chịu, anh lấy bản đồ treo lên để che tấm hình đó. 
Chị Hai hiền. Không dám so sánh giữa hai chị nhưng họ cùng một tính. Từ ngày chị Hai về nhà, chị phụ mẹ lo cho chúng tôi nhưng hình ảnh nhu mì của chị NA vẫn luẩn quẩn. Chị Hai không thân như chị NA có lẽ chúng tôi đã lớn, không còn quấn quít với chị. 
   Chị Hai cũng mang gánh nặng với các em như anh Hai. Chị là con lớn trong gia đình chỉ đủ ăn. Dưới chị có bốn đứa em đều đang đi học. Ba chị phụ việc cho bố tôi. Sau khi chị học xong lớp 12, chị phụ mẹ lo sổ sách. Dây tơ bà Nguyệt, chị sợ anh Hai vô cùng vậy mà cuối cùng lại lên xe bông về với anh Hai. Chị có năm cô em chồng (nghe thôi đã ớn; chị hay nói đùa như vậy) và ông chồng nghiêm. Mấy chị em hồi nhỏ, nhất là chị Tư hay xù xì : 
- Tao tưởng ổng ế. Ai dè chị Hai gan mạy. 
   Mấy chị em rình coi ông "bố non" lãng mạn ra sao khi đi với chị Hai, ai dè... rình nỏ đôi mắt chỉ thấy "Anh chị Hai đi lễ Chủ Nhật. Anh đi trước. Chi Hai lọt tọt, xọt đôi guốc chạy bập bập phía sau. Anh chị đi cách nhau cỡ chục bước. Đường anh, anh cứ đi. Đường chị, chị cứ tiến. Đám em gái đi sau rốt. Lúc xa xa nhà, băng qua ngã sáu, chị bắt kịp anh. (Tôi nghĩ anh cố tình đi chậm lại chờ). À, hai anh chị đi song song. Rồi... có thế thôi vì có mấy chục bước nữa là tới nhà thờ. Mấy chục năm trôi mà vẫn như vậy. 
   Nhận vai trò "bố" , "thầy giáo", anh Hai kiêm luôn công việc của bác sĩ gia đình. Buổi trưa nóng bức, anh mua trái vải hộp về, đập thêm nước đá, bày ra 8 cái ly, gọi từng người. Ba đứa em nhỏ mê chơi không chịu uống, anh bắt tụi tôi đứng trong bếp, uống hết mới cho đi chơi. Sau 75, không còn đồ hộp, anh pha nước chanh cũng chia và bắt uống như vậy. Tôi èo ọt, anh bắt phải uống dầu cá và nhai vit C. Nhìn viên dầu cá, mặt mũi nhăn nhó không chịu uống, cây chổi lông gà nhịp nhịp trước mặt, thế là đành phải nuốt cái ực. 
Từ sổ mũi cho tới rửa vết thương, anh Hai đều làm hết. Ở nhà có người bịnh, Mẹ gọi anh:
- Thông à! xem em coi con  
   Anh Hai rờ trán, đo nhiệt độ và mở tủ lấy thuốc cho uống. Tết 76, sang mùng một, tôi đi lượm pháo ở xung quanh khu phố, rồi lén tụm năm, tụm ba trong hẻm để đốt pháo lẻ. Tôi thấy mấy đứa cầm pháo trên tay và nghĩ đó là "anh hung" nên bắt chước. Nổ một vài viên, thích cảm giác tê tê khi pháo nổ trên tay. Tôi dại dột cầm một cây pháo to cỡ ngón tay cái. Tiếng nổ vang khi tôi chưa kịp buông tay. Tôi vẩy tay, máu tuôn ra xối xả. Bàn tay tê rần, không còn cảm giác. Chú Tư trong xóm nghe tiếng la, chú chạy lại bóp chặt cổ tay để cầm máu và bế thốc tôi chạy về nhà. Anh Hai tôi cởi chiếc áo đang mặc, quấn kín lấy bàn tay, và ôm tôi chạy xe Honda tới bịnh viện Sùng Chính. May mắn "không bị cụt" nhưng 5 ngón tay nở hoa toè loe. Thịt cháy vàng, khét nẹt. Nhà thương bang bó rồi cho về nhà. Suốt một tháng, hàng ngày anh Hai thay băng, rửa ráy vết thương. Khi châm oxygià vô, anh thổi nhẹ nhẹ cho đỡ đau. Ba mươi năm sau gặp lại anh chị Hai trong dịp tết, chợt anh Hai hỏi:
- Tay mày còn thẹo không ?
- Dạ mờ hết rồi .
- Có dấu tay không ?
- Có, còn nguyên 
   Hai anh em cười nhớ lại cánh tay treo lên cổ cả tháng trời. 
   Chị em tôi lớn lên, anh và Mẹ xây dựng gia đình cho từng đứa. Mẹ tôi nhường tất cả quyết định cho anh. Nếu anh nói không, mẹ sẽ không bao giờ làm trái ý. Anh Hai tôi không khó, không cầu kỳ, yêu cầu của anh đơn giản đó là nếu các chị quen người nào thì đưa người đó về cho anh gặp; đừng hẹn hò lén lút. Dễ vậy mà cây si rất ít vì chẳng có tên con trai nào dám bén bảng lại nhà. Khi biết tôi quen anh V và tôi trở giọng "không thích", anh Hai tôi dạy:
- Nếu mày không thích nó thì tránh, đừng gặp nó nữa. Nếu nó tìm và chặn đường thì nói nhẹ nhàng. Bảo nó muốn gì thì lại nhà. 
   Khi chị Ba băn khoăn lập gia đình vì gia đình anh Vân có tới 9 đứa em. Anh Hai tôi bảo:
-Tụi mày phải nhớ. Đứa nào thương cha mẹ, thương anh em thì mới có tình thương mà thương mày. Chứ đứa ích kỷ chỉ biết bản thân nó, đến cha mẹ mà nó không thương thì lấy đâu mà nó thương mày. 
Hành trang anh Hai chuẩn bị cho năm chị em ra đời chỉ bao trọn trong câu dặn dò:
- Các em đi thì nhớ đừng tin tưởng hay nhờ vả vào ai cả. Những người không phải cha mẹ, máu thịt mà tốt với mình thì tất cả đều có mục đích. Mình không thể biết được mục đích của họ là gì do đó mình phải tránh. Không nhờ ai và cũng không dựa vào ai cả. Khó khăn tụi em sẽ vượt qua được. Khổ thì không ai khổ đến suốt đời. Nhưng khi các em mang ân huệ của người ta sẽ phải mang đến suốt đời. 
   Anh Hai sắp sửa vào "thất thập cổ lai hi". Cuộc đời của anh chị, cũng như của Mẹ đã vun đắp cho chúng tôi. Vui buồn của anh chị cũng chia ra thành nhiều mảnh. 5 mảnh bên này và 4 mảnh bên kia. Người ta viết để tri ân "cha", tôi viết để tri ân anh Hai. Người sống và thực hành câu" Quyền Huynh Thế Phụ". 

M.Trang
Bình luận
vtcnews.vn