Anh tiếp tục 'đổ thêm dầu' vào chảo lửa Vùng Vịnh

Thế giớiThứ Tư, 17/07/2019 07:27:00 +07:00

Bộ Quốc phòng Anh hôm 16/7 xác nhận sẽ gửi tàu chiến thứ 3 tới Vùng Vịnh để tăng cường sự hiện diện của Hải quân hoàng gia Anh tại đây.

Động thái này được đưa ra sau khi lãnh tụ tối cao của Iran Ayatollah Khamenei cảnh báo Tehran sẽ tiếp tục cắt giảm các cam kết theo thỏa thuận hạt nhân, cáo buộc các đối tác châu Âu không thực hiện nghĩa vụ của mình.

Con tàu lần này được Anh điều tới Vùng Vịnh là tàu khu trục HMS Kent, sẽ bắt đầu khởi hành vào giữa tháng 9 để tiếp quản nhiệm vụ của khu trục hạm HMS Duncan. 

àu

Tàu khu trục HMS Kent. (Ảnh: DefPost)

Hôm 16/7, London xác nhận HMS Duncan đang di chuyển tới Vùng Vịnh để tăng cường hiện diện của quân đội Anh tại vùng biển này khi HMS Montrose, khu trục hạm đang nắm giữ nhiệm vụ trên, thực hiện bảo trì theo kế hoạch. 

Cùng đợt điều động với HMS Kent, tàu hỗ trợ RFA Wave Knight sẽ được triển khai tới vùng Vịnh vào đầu tháng 8. 

"Các đợt điều động được lên kế hoạch dài hơi theo thông lệ, không phản ánh sự leo thang của Anh trong khu vực", tuyên bố của Bộ Quốc phòng Anh nêu rõ. 

Hôm 16/7, ông Khamenei cảnh báo đáp trả vụ Anh bắt giữ siêu tàu chở dầu Iran ở Gibraltar hồi đầu tháng. 

"Anh phạm tội cướp biển và bắt giữ tàu của chúng tôi rồi khoác lên cho nó cái cớ hợp pháp. Iran sẽ chấp nhận hành động xấu xa này và sẽ đáp trả một một thời điểm, địa điểm thích hợp", ông Khamenei nói.

Iran trước đó kêu gọi Anh thả tàu chở dầu vốn bị London bắt giữ với cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt của EU vì vận chuyển dầu cho đồng minh thân cận Syria. Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt hôm 13/7 nói Anh sẽ tạo điều kiện thả con tàu đang bị giam giữ nếu Tehran đảm bảo tàu không đến Syria.

Căng thẳng Vùng Vịnh gia tăng sau khi Tổng thống Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran tháng 5/2018. Tehran hồi cuối tháng 6 tuyên bố đình chỉ 2 trong số các cam kết của JCPOA, khẳng định họ không có nghĩa vụ phải tuân thủ thỏa thuận mà Mỹ đang cố gắng làm suy yếu, đồng thời ra tối hậu thư buộc châu Âu, Trung Quốc và Nga hỗ trợ nước này trước các lệnh trừng phạt của Mỹ nếu không muốn họ rút thêm các cam kết còn lại.

Hôm 15/7, các quốc gia châu Âu tham gia Thỏa thuận hạt nhân 2015 quyết định không kích hoạt cơ chế tranh chấp của thỏa thuận để theo đuổi đàm phán và ngăn chặn bất cứ cuộc xung đột quân sự nào giữa Mỹ và Iran, nhưng không có hành động nào bảo vệ Iran trước lệnh trừng phạt của Tổng thống Trump.

Song Hy
Bình luận
vtcnews.vn