Ánh sáng cuối con đường

Tổng hợpThứ Hai, 16/12/2013 10:37:00 +07:00

Chị gọi điện báo tin với tôi rằng sau rất nhiều gian nan, chị đã lên chức bà ngoại.

     Chị gọi điện báo tin với tôi rằng sau rất nhiều gian nan, chị đã lên chức bà ngoại. Tôi chân thành nói lời chúc mừng chị, rằng rồi em sẽ gửi quà mừng cho cháu. Có nhiều tin báo mà ngay lúc đó, ta đáp lại vì nể nang, vì tính ngoại giao và những lí do khác, sau đó, trong nhịp điệu ồn ã của đời sống, ta có thể quên khuấy đi.  Nhưng với tin này của chị thì tôi không quên. Tôi mừng cho chị thật lòng. Vậy là bức tranh ảm đạm của đời chị đã có một góc được phết lên một gam màu sáng sủa.

 

     Chị Thoa hơn tôi vài tuổi. Trong đám chị em họ có chung ông bà ngoại thì chị lớn tuổi nhất, và cũng xinh nhất nhà. Tôi còn nhớ có lần, vào cái thời vô cùng khó khăn,  thấy tôi quá thiếu đồ, chị sang cho tôi một tấm áo còn khá đẹp của chị, tấm áo sọc dọc có những họa tiết bắt mắt mỗi lần chị mặc là tôi trầm trồ. Vậy mà khi tôi ướm vào người xong thì đành tiếc rẻ trả lại chị. Bởi thân hình bụng ỏng ngực lép của tôi mặc vào trông xấu kinh khủng. Tấm áo chỉ dành cho người có dáng vẻ mĩ miều như chị tôi.
     Tưởng rằng đời chị gặp may. Chị yêu một chàng bộ đội đẹp trai lớn hơn vài tuổi, gặp gỡ và làm quen trong một cuộc liên hoan văn nghệ giao lưu giữa đơn vị đóng quân và thanh niên địa phương. Anh tên là Thắng. Anh Thắng đàn giỏi hát hay, lại bông đùa rất có duyên nữa. Chị không ngại ngần khoe với tôi những lá thư được đọc nhiều lần đến mức nhàu nhĩ. Anh còn làm nhiều thơ tặng chị. Những bài thơ tình da diết đến mức không chỉ chị mà tôi còn thuộc: Em không yêu, cớ sao em bổi hổi/ Ánh mắt yêu, anh đã gặp buổi đầu/ Bao nhiêu lời định nói với nhau/ Bỗng tan biến vào đêm gặp gỡ... : Trong sương mờ/Anh suy tư lặng lẽ/ Tạc vào đêm kì diệu của đời anh/ Qua những đêm dài dằng dặc giữa chiến tranh/ Ôi, hạnh phúc chợt làm anh thảng thốt!
     Hạnh phúc! Vâng, đáng lẽ chị tôi sẽ rất hạnh phúc nếu sự chờ đợi của mình được đền đáp. Chiếc khăn tay chị tỉ mẩn và khéo léo thêu đôi chim bồ câu và 2 chữ T hoa lồng vào nhau vẫn nằm mãi trong tủ mà chẳng đến tay người được tặng.  Anh Thắng  đã không trở về. Như rất nhiều trai trẻ ưu tú đã không trở về ngày đó. 
       Không còn những lá thư dạt dào tình cảm, không còn tin tức gì của anh, chị đợi chờ đến mấy năm sau. Lúc này chị được coi là “rau quá lứa”. Gia đình bác tôi giục giã mãi, nói rằng chị sắp quá tuổi được làm mẹ rồi, liệu mà nhận lời “ai đó” đi. Nhưng “ai đó” là ai? Dù đẹp thì cũng chẳng còn người xứng đôi hỏi cưới chị. Hoặc những người đàn ông đã “vào lồng” tán tỉnh trêu ghẹo, hoặc chỉ vài người còn lại không thể đầu quân do có khuyết tật nào đó “tấn công” chị thôi. Chị chẳng yêu nổi ai bởi hình bóng anh Thắng còn nguyên vẹn trong lòng chị. Nhưng nước chảy đá mòn, sự kiên nhẫn của anh y sĩ trạm xá cơ quan mẹ chị, một chàng trai xấu xí không đủ thước tấc nên vẫn còn lại ở hậu phương và còn lại đến tuổi băm mà vẫn trong sạch về mặt tình ái, đã thuyết phục được hai bác tôi. Chị đã đầu hàng gia đình, đầu hàng số phận để làm vợ anh Thông năm chị tròn ba mươi tuổi. Ngày đám cưới chị, ông giáo Trí trong làng tôi cứ ca cẩm mãi: Tiếc thay hạt gạo trắng ngần / Đã vo nước đục lại vần than rơm. Tiếc thay hạt gạo tám xoan/ Thổi nồi đồng điếu lại chan nước cà…
      Sở dĩ mọi người tiếc thương cho chị vì anh Thông chẳng phải là người quá xa lạ. Nhà anh ở xã bên cách nhà ông ngoại tôi chỉ một con sông. Gương mặt anh không đến nỗi nào nhưng anh có cái đầu to quá khổ so với thân hình với vầng trán dô lồi ra . Và anh lùn lắm, chắc chỉ đứng đến tai chị tôi thôi. Khi tới tiệm chụp hình cưới, ông thợ hình đã phải sắp cho anh cái ghế ngồi cao hơn hẳn chị để có một tấm hình bình thường.

 

      Nhưng nếu chỉ xấu về mặt hình thể, khi sống lâu dài với nhau, nếu không yêu người ta cũng có thể thương nếu có cái nết đẹp. Đằng này ông anh rể tôi lại không được vậy. Tôi học Đại học xong thì đi làm ở xa quê. Mỗi lần về, sang thăm nhà ngoại không người này thì người khác “kể tội” anh Thông. Nào là đừng ai nghĩ có thể vay đỡ anh mấy đồng, nào là anh quý cái xe đạp Favorit của mình đến nỗi cậu em vợ có việc vội mà xe hỏng mượn một buổi cũng không cho. Nào là trong khu nhà ở của chị có người bị nạn, mọi người ùa đến đưa đi bệnh viện mà anh thì thờ ơ đứng ngoài. Vân vân… Chị cố gắng nín nhịn mọi chuyện như đã chấp nhận số phận mình. Rồi chị sinh liền tù tì hai đứa con cách nhau chỉ hai năm. Chị đã có nơi để chăm chút và hi sinh, để dồn yêu thương và cảm nhận hạnh phúc làm mẹ. Thời gian này, tôi cũng mải với chồng con và việc mưu sinh nên không mấy quan tâm đến cái gia đình đã an bài của chị nữa.
       Nhưng rồi ước mơ nhỏ nhoi của chị bị ông trời bỏ quên đâu đó. Hai đứa con chị không ngoan. Có thể do chị và anh Thông chiều quá. Chúng được chăm bẵm và đáp ứng bất cứ nhu cầu nào nếu có thể. Nên con gái chị mới lên lớp 10 đã bắt đầu ăn diện sửa soạn lắm, và đã biết yêu. Con trai thì lười học, chỉ ham chơi games, và đua đòi. Thưa dần rồi đến chấm dứt cảm giác anh chị biết đến niềm vui của các bậc bố mẹ khi cuối năm học hoặc cuối học kì con đưa phần thưởng hay giấy khen về khoe. Hơn thế, những cảnh báo của cô giáo cả hai đứa về chuyện lười học hay điểm kém, hay không làm bài gần như thường xuyên. Mỗi lần đi họp phụ huynh là một lần ngại ngần, vừa buồn vừa tủi thân so với người ta. 
      Chị cũng tiếp nhận lời khuyên chấn chỉnh phương pháp dạy con của hai bác tôi, của bạn bè. Tuy nhiên dạy con trẻ phải bắt đầu sớm, chứ khi dấu hiệu hư hỏng đã rõ ràng rồi thì rất khó. Hơn thế, vợ chồng chị tối ngày lục đục. Có an phận mấy thì chị cũng chẳng chịu nổi những vô lối của ông chồng xấu tính, ích kỉ và ngang ngược. Và tình trạng trống đánh xuôi kèn thổi ngược khiến chuyện dạy con đã không dễ còn khó lòng hơn. Con Huyền Anh vào đầu năm lớp 12 đã phải tới khoa sản nạo thai lần đầu. Và sau này còn vài lần nữa mà chị cố giấu nên mấy chị em họ chúng tôi chỉ nghe loáng thoáng. May mà kì thi tốt nghiệp nó còn đậu (bởi trong trường nó có ai rớt đâu!) Cũng đi thi vài trường đại học như người ta nhưng chẳng dính trường nào, anh chị đành cho nó học một trường trung cấp nghề gần nhà, ngay trong thị xã. 
    Thằng con trai, sau khi tốt nghiệp xong được gửi ngay ra lò luyện thi Hà Nội. Nó là quý tử, là thằng chống gậy của anh nên anh ưu tiên nó mọi điều. Nhưng rồi nó cũng vào ra đến mấy lò luyện thi “xịn” (cả quảng cáo và tiền bạc) trong 3 năm mà chẳng đưa lại kết quả gì. Anh chị lại đành gửi nó vào Trường Trung cấp nghề  học khoa tin học.

 

     Một tối hè, trời không đến nỗi nóng và trăng sáng vằng vặc. Đường phố dù điện sáng nhưng cũng nhiều người cảm nhận được sự hiện diện của trăng, của gió nồm nam làm không gian như thoáng đãng hơn. Người ta ra đường đi dạo nhiều hơn. Chị cũng ra khỏi nhà, nhưng có điều gì đó không rõ ràng đang gây nôn nao trong lòng chị. Và điều đó tới vào lúc 10h đêm. Thằng con trai chị tham gia nhóm đua xe đã bị tai nạn. Người nó bầm dập gãy nát và đã tắt thở trước khi được người ta mang về nhà. Chiếc xe cũng hư hỏng nặng. Đó là chiếc xe máy nó mới đòi mua cách đây một tháng, bằng tất cả số tiền tiết kiệm hồi nào giờ của gia đình. Chị chết lặng, không khóc nổi. Còn anh Thông thì gào thét như một người điên. Và anh trách mắng vô lí chị sao con nói đi sinh nhật bạn mà chị không đi theo nó. 
    Bác trai tôi dù đau buồn nhưng ông rất tỉnh táo. Ông nói trước sau điều này cũng đến với một đứa hư hỏng như nó. Vấn đề chỉ là nhanh chậm thôi. Và nếu không là lí do này sẽ là lí do khác.  Làm sao mà giữ được chân nó ngày này sang tháng khác nếu như  anh chị tôi đã bất lực trước sự tuột dốc của con? Và thậm chí, xin lỗi là nếu còn, nó vẫn làm khổ anh chị không biết đến bao giờ. Như đã gây biết bao phiền muộn và hao tốn tiền bạc cho bố mẹ cả mấy năm qua. 
      Dù buồn bã nhưng chị cũng cố gắng gượng dậy. Và được an ủi là sau cái chết của thằng em trai, con gái chị đỡ phá phách hơn một chút. Nó đã bớt tiêu xài hơn, chịu học hơn và rồi cũng ra trường được cùng bạn bè. Thất nghiệp khoảng nửa năm thì nó cũng xin được việc làm kế toán phụ cho một nhà hàng. Lương thấp, ăn mặc thì xài đồ sang quen rồi nên chị vẫn phải bù trừ cho con. May mà anh chị đều cùng là y sĩ, có một phòng hành nghề ngoài lương hưu để làm thêm nên cũng không đến nỗi túng. Nói con Huyền Anh ngoan hơn là so với chính nó, chứ một lần nó vào tôi chơi, đưa nó đi sắm cho bộ đồ làm quà, nó đã thử những món đồ giá cao ngất mà tôi chưa bao giờ dám rớ đến. Sau đó tôi nói với chị điều này, nói chị chiều con kiểu đó không hư mới lạ, nhưng chị nói, giờ nó quen nết rồi. Làm sao mà thay đổi? Con nhà nghèo mà xài toàn đồ hàng hiệu, nên dù đi làm và không phải đóng tiền ăn cho mẹ mà chẳng để dành được đồng nào. Chị nói vậy là nó đỡ hơn nhiều rồi đó, trước nó sắm tháng một đôi giày, hết thích thì cho bạn, điện thoại làm mất hoài, áo quần cũng thích đủ mốt… Để nó sửa dần dần. Tôi chẳng biết nói sao bởi con gái tôi kém nó chỉ vài tuổi, là sinh viên nhưng cháu chi tiêu tùng tiệm và luôn chú tâm chuyện học. 
      Chị thì nguôi ngoai nhưng anh Thông thì chưa bao giờ yên phận từ lúc thằng Út chết. Anh khóc lóc rền rĩ suốt. Anh nói vậy là nhà anh tuyệt tự vì chẳng còn người nối dõi. Chị Thoa đã ở tuổi năm mươi, làm sao mà có con được nữa. Nên anh đòi có con với người ngoài. Anh em bà con, ai cũng phản đối chuyện này, nhưng chị Thoa lại lặng lẽ yên phận. Chị đã quá mệt mỏi về chồng con rồi. Chị lại mới mắc thêm bệnh tiểu đường nữa. Người ta chỉ sáng suốt tranh đấu đòi hỏi quyền lợi chính đáng cho mình khi cơ thể khỏe mạnh thôi. Còn khi yếu ớt, người ta có xu hướng mặc kệ tất cả.
      Rồi anh Thông cũng tìm được người “đẻ thuê” cho mình với điều khoản rất rõ ràng: Nếu được con trai, anh sẽ chu cấp nhiều hơn, còn con gái anh cũng có trách nhiệm vừa đủ nuôi con. Đó là một cô gái lỡ thì mồ côi, người cục mịch nhưng khỏe mạnh, ở cùng xã quê anh, hơn con gái anh chỉ dăm tuổi và cách thị xã dăm chục cây số. Mỗi tháng anh về với cô Tuyết mươi ngày. Có cảm giác không những chị không ghen mà còn thấy thoải mái hơn với thời gian anh ra khỏi nhà. Tôi lấy làm lạ. Và bất cứ người đàn bà có chồng nào cũng lấy làm lạ về điều đó. Hay bởi sống với anh, chị khó chịu đến nỗi chỉ mong anh khuất mắt?

 

     Anh đã sống đời sống vợ chồng với cô Tuyết sang năm thứ hai mà chẳng thấy có tin gì mới. Lúc này thì con Huyền Anh đã có người yêu và chuẩn bị đám cưới. Tôi hỏi chị bồ con Huyền Anh biết chuyện anh Thông không. Chị nói không những nó mà cả con phố chị ở không ai biết điều này. Anh chị đã giấu rất kĩ và người ta chỉ biết là dạo này anh Thông chăm chỉ làm nghĩa vụ họ hàng ở quê thôi.
     Tin cô Tuyết có bầu đồng thời với tin đám cưới của Huyền Anh. Tôi bận việc không về được. Với đám cưới cháu thì tôi gửi quà mừng nhưng không biết phải chia sẻ  với chị như thế nào về cái tin còn lại. Nên buồn hay nên vui? Nói lời chúc mừng hay ngậm ngùi an ủi? Có cảm giác cái gia đình đa thê của chị đang lùi lại cách đây vài thế kỉ. Vậy mà cả chị và anh đều đã từng là cán bộ nhà nước, từng được học hành và hiểu biết luật pháp. Chao ơi! Tôi biết làm gì cho chị giờ?
     Cô Tuyết đẻ con trai. Khỏi nói là anh Thông mừng thế nào. Chị cũng mua quà tới thăm. Khi về, chị nói với anh: “Em thấy thằng bé chẳng giống anh chút nào!”. “Em nói sao? Em nói sao?” Anh hỏi dồn dập, mặt tái dại rồi té ngửa ra sàn nhà phải đưa đi cấp cứu. Chị rút kinh nghiệm, sau đó không dám nhắc lại nhận xét này nữa. Thôi thì cứ để niềm vui sống của anh làm loãng không khí ngột ngạt trong nhà. Để anh tin rằng dòng dõi nhà mình đang được tiếp nối (mà không cần biết cái dòng dõi ấy cao quý, cần bảo tồn vốn gen đến mức nào!) 
     Thằng em khác mẹ đã 3 tuổi mà con Huyền Anh vẫn tịnh không. Bố mẹ chàng rể bắt đầu sốt ruột đánh tiếng xa gần rằng nếu không có con thì phải tìm cách khác vì ông bà cũng chỉ có một đứa con trai duy nhất. Chị lo lắng gọi điện cho tôi nói rằng biết đâu quá khứ vào khoa sản của con gái bây giờ đang phải trả giá. Tôi nói chị cứ bình tĩnh làm hết cách. Nếu không được phải đi Hà Nội để nhờ Khoa hiếm muộn. Rốt cuộc rồi cũng phải bằng cách đó. Mà lại phải lần thứ ba mới có kết quả. Khỏi nói bao nhiêu công sức và tiền bạc cả hai gia đình đổ vào chuyện này. Nhưng cũng còn may. Các mối lo khác còn đó nhưng chị tôi đã có chút ánh sáng cuối đường hầm để còn muốn sống, còn có niềm tin vào cuộc sống sau những ê chề, cả quá khứ và hiện tại.
     Gọi điện cho chị mà mắt tôi nhòe nước. Chẳng lẽ nói hết những gì em đang nghĩ, chị ơi?

8/2013
Hội An
Bình luận
vtcnews.vn