Ảnh: Núi lửa triệu năm trên đảo Lý Sơn giờ ra sao?

Thời sựThứ Ba, 18/09/2012 05:00:00 +07:00

(VTC News) – Vết tích về hoạt động của núi lửa để lại trên đảo là 5 hòn núi dạng bát úp. 5 miệng núi lửa này đã từng hừng hực phun trào dung nham dữ dội.

VTC News) – Khi các miệng núi lửa triệu năm trên đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã “ngủ yên”, chúng được biến thành những công trình “độc nhất vô nhị”.

Theo các cứ liệu khảo cổ học thì cách đây khoảng 25-30 triệu năm, đảo Lý Sơn là một núi lửa khổng lồ hoạt động với 5 miệng. Vết tích về hoạt động của núi lửa để lại trên đảo là 5 hòn núi dạng bát úp là 5 miệng núi lửa đã từng hừng hực phun trào dung nham xưa kia.


Khi núi lửa đã “ngủ yên”, cư dân bắt đầu ra đảo sinh sống thì hàng năm, cứ vào mùa hè, người dân trên đảo lại phải đối mặt với việc thiếu nước sinh hoạt hàng ngày và thiếu nước tưới tiêu cho loại cây trồng đặc trưng trên đảo là hành, tỏi.


Ngày nay, khi Lý Sơn đã trở thành huyện lỵ của tỉnh Quảng Ngãi, với 3 xã: An Hải, An Vĩnh, An Bình (đảo Bé), quy mô dân số gần 22.000 người, thì nhu cầu về nguồn nước sinh hoạt, sản xuất ngày càng bức thiết.


 Miệng núi lửa lớn nhất trên đỉnh núi Thới Lới cao 169m vừa được tỉnh Quảng Ngãi biến thành hồ chứa nước ngọt để phục vụ cho đời sống người dân trên đảo.

“Cái khó ló cái khôn”, sau nhiều lần khảo sát, Quảng Ngãi đã quyết định đầu tư gần 40 tỷ đồng để xây dựng một hồ chứa nước ngọt “độc nhất vô nhị” ngay chính miệng núi lửa trên đỉnh núi Thới Lới cao 169m, thuộc xã An Hải.


Hồ chứa nước này có diện tích gần 10ha, dung tích chứa nước trên 270.000 m3; được xây dựng bằng bê tông dài 208 m, rộng 10 m, cao 120 m. Mực nước dâng bình thường trên 119 m so với mặt nước biển. Nước trong hồ sẽ đấu nối với hệ thống bể chứa, bể lọc có dung tích trên 1.600 m3 và gần 1.000 m đường ống dẫn nước đến khu dân cư.


Đầu năm 2012, khi hồ được chính thức chặn dòng, dù đang là mùa khô, nhưng mực nước ở khu vực lòng hồ đã dâng lên được 5-7m, bắt đầu cung cấp nước cho nhân dân phục vụ sinh hoạt cho nhân dân xã An Hải.


Theo tính toán của huyện Lý Sơn thì công trình sẽ cung cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt cho gần 10.000 dân xã An Hải và một phần dân xã An Vĩnh; cung cấp nước ngọt cho hàng trăm chiếc tàu thuyền của huyện, đồng thời chủ động nguồn nước tưới cho hơn 100 ha đất sản xuất nông nghiệp của xã An Hải.


Theo khảo sát thì ngoài miệng núi lửa trên đỉnh núi Thới Lới, 2 miệng núi lửa lớn khác trên đảo là Giếng Tiền và Hòn Sỏi (thuộc xã An Vĩnh) cũng có thể xây dựng thành hồ chứa nước. Có lẽ cái ngày toàn dân trên Lý Sơn được “giải khát” sẽ không còn xa.

Hiện nay, hồ chứa nước trên miệng núi lửa ở đỉnh Thới Lới không chỉ là "công trình trong mơ" của người dân đất đảo mà còn là điểm du lịch lý tưởng của du khách khi đến Lý Sơn muốn ngắm toàn cảnh trời mây non nước nơi đây.


Nghĩa Bình

Bình luận
vtcnews.vn