Anh nông dân làm cả thế giới sửng sốt về Sơn Đoòng

Thời sựChủ Nhật, 17/05/2015 07:30:00 +07:00

Người đàn ông phát hiện ra hang Sơn Đoòng không thể nào tin được cái hang mình tìm thấy lại chứa đựng cả thế giới kì diệu bên trong.

Người đàn ông phát hiện ra hang Sơn Đoòng không thể nào tin được cái hang mình tìm thấy lại chứa đựng cả thế giới kì diệu bên trong, bây giờ, Sơn Đoòng đã được công nhận là hang tự nhiên lớn nhất thế giới.

Anh là Hồ Khanh (SN 1969) ở thôn Phong Nha, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình). Người được mệnh danh là “vua hang động”, là người đầu tiên tìm ra hang Sơn Đoòng và vừa được Nhà nước quyết định tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba cùng với chuyên gia hang động Hoàng gia Anh Howard Limbert vì có công phát hiện, thám hiểm và công bố hang Sơn Đoòng là hang tự nhiên lớn nhất thế giới.

“Tôi đã kể cho họ nghe…”

Trước mặt chúng tôi là ông “vua hang động” với dáng người rắn rỏi và nụ cười hiền lành.

Rót nước mời khách, anh vừa kể chuyện về hang Sơn Đoòng, cái hang mà trong lần gặp đầu tiên anh đã bỏ đi rồi để đến hàng chục năm sau mới quay lại tìm. Bây giờ, nó đãi trở thành hang động tự nhiên lớn nhất thế giới.

Hồ Khanh là con thứ 5 trong một gia đình 6 anh chị em, bố mất lúc anh vừa tròn 13 tuổi. Hoàn cảnh khó khăn nên anh chỉ đi học hết lớp 6, từ năm 1986 đã đi rừng kiếm kế sinh nhai.

Ông 'vua hang động' Hồ Khanh 

Anh Khanh kể:“Năm 1990, lúc đi từ km 30 của đường 20 quyết thắng vào rừng tôi đã nhìn thấy làn mây trắng đục kèm gió thốc lớn từ phía trong thổi ra mát lạnh. Lại gần, tôi thấy một cửa hang khá lớn, lúc đó phải can đảm lắm mới dám xuống sâu thêm 100m để múc nước uống và sinh hoạt. Tôi cũng nghĩ đơn giản đó là một hang động lớn của cái xứ lắm hang động này nên không bận tâm”.

Mãi đến lúc Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được thành lập, anh “tạm biệt” rừng trở về quây quần với ruộng nương. Lần đầu tiên gặp đoàn chuyên gia hang động Hoàng gia Anh đến Quảng Bình khảo sát, anh kể về cái cửa hang có làn mây trắng đục và gió thổi trong hang ra mát lạnh.

Ông Howard Limbert, một chuyên gia trong vấn đề này đã ồ lên kinh ngạc và nhận định đó sẽ là một cái hang khá lớn rồi động viên anh đi tìm lại cửa hang.

“Nghỉ đi rừng cũng khá lâu nên tôi cũng không mấy hứng thú với việc quay lại, nhưng khi thấy ông ấy háo hức quá nên tôi đã nhận lời”, anh kể.

Suốt hai năm trời với những lần đi rừng từ 8-10 ngày nhưng cái hang mà anh nhìn thấy cách đây hơn 15 năm vẫn “bặt vô âm tín”.

Bức ảnh chụp kỉ niệm giữa anh và chuyên gia hang động Hoàng gia Anh Howard Limbert 

“Cuối năm 2007, vợ chồng ông Howard Limbert về nước và “giao” lại cho tôi đi tìm cái hang đó, nhưng mãi đến năm 2008 tôi mới thu xếp được công việc rồi đi vào rừng tìm lại.

Sau hai ngày lần mò một mình trong rừng, cửa hang đã hiện ra trước mắt tôi sau mấy chục năm “lẩn trốn”, nói đến đây anh lại cười - "Chắc là cái hang có duyên khi tôi đi một mình...".

“Càng bước chân vào hang, tôi như không tin vào mắt mình, vì bên trong là cả những điều kì diệu mà tôi chưa từng được thấy bao giờ. Tôi lỗi hẹn với cái hang này lâu quá”, anh nói.

'Phó Thủ tướng: Ông trở thành huyền thoại rồi!'

Một năm sau, đoàn chuyên gia trở lại và Hồ Khanh cùng với ông Howard Limbert chính thức thám hiểm toàn bộ hang động này, đồng thời công bố trên tạp chí National Geographic về hang lớn nhất thế giới năm 2010.

Theo thông lệ quốc tế, đoàn thám hiểm đã đề nghị anh đặt tên cho hang và anh đã đặt là “hang Hồ Khanh”, cái tên đó cũng đã được đoàn ghi nhận.

Nhưng căn cứ vào địa danh: Hang này được góp ý đặt lại là Sơn Đoòng vì nó nằm ở vùng Hạ Đoòng, thuộc xứ Đoòng. Gần khu vực này, có một bản người dân tộc Vân Kiều sinh sống tên là bản Đoòng, còn Sơn nghĩa là núi. 
Quán cà phê 'Hồ trên núi' và home stay là nơi rất được khách nước ngoài ưa chuộng. 

Sau những phát hiện thú vị về hang Sơn Đoòng, bước chân của anh với những hang động càng miệt mài, anh đã phát hiện ra rất nhiều hang khác thuộc vùng lõi VQG Phong Nha - Kẻ Bàng và đều được đoàn thám hiểm dành cho quyền đặt tên. 

Tên của vợ (hang Nghĩa), con (hang Thái Hòa), bạn bè (hang Hùng) và cả... tên quán cà phê của vợ chồng anh (Hồ Trên Núi) đã được anh chọn cho những hang phát hiện sau này.

Trong những lần đi cùng đoàn thám hiểm, anh vừa là người khuân vác đồ, vừa là người chỉ đường, hướng dẫn… Các chuyện gia đều nhận xét anh là người rất nhiệt tình và có trách nhiệm với công việc.

Mặc dù không biết tiếng Anh nhưng chỉ cần nhìn vào cử chỉ, khẩu ngữ lúc các chuyên gia nói là anh có thể hiểu vanh vách họ đang muốn nói gì.

Nói về những vất vả khi đi rừng anh cho biết: “Trật chân, bong gân rắn rết côn trùng cắn mãi thành quen luôn rồi”.
Chụp với Sơn Đoòng (Ảnh internet) 

Năm 2011, khi hang Sơn Đoòng được đưa vào khai thác du lịch, anh trở thành nhân viên của đơn vị khai thác hang và là tổ trưởng của những người phục vụ gùi hành lý cho du khách, đoàn gồm tất cả 72 người.

Hiện nay, vợ chồng anh có một quán cà phê nhỏ, một home stay 6 phòng, gồm ba phòng gỗ và ba phòng xây để đón khách du lịch, ngoài ra anh còn làm thêm 4 sào ruộng.

Mỗi năm anh làm hợp đồng với công ty du lịch để dẫn các đoàn thám hiểm từ tháng 1 đến tháng 8, chủ yếu là sắp xếp, quản lí nhân sự đi theo đoàn cho phù hợp. 

Anh bảo, như thế cũng đã giải quyết được công việc cho rất nhiều thanh niên trong làng, giúp họ có thêm thu nhập và ổn định cuộc sống. 

Hồ Khanh nhớ lại, mới đây, khi được gặp Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong chương trình Good Morning America: “Lúc được mọi người giới thiệu tôi là Hồ Khanh, Phó Thủ tướng đã bắt tay tôi rồi nói: Ông trở thành huyền thoại rồi”.

Video toàn bộ chương trình Good Morning America về hang Sơn Đoòng 

Nguồn: Vietnamnet
Bình luận
vtcnews.vn