Anh: Cho Nga điều tra chung vụ điệp viên bị đầu độc là vô lý

Thế giớiThứ Năm, 05/04/2018 12:13:00 +07:00

Trong cuộc họp của Tổ chức cấm vũ khí hoá học - OPCW, phần lớn các nước tham gia bác bỏ đề xuất mở cuộc điều tra chung với Anh của Nga để làm sáng tỏ vụ việc điệp viên Skripal bị đầu độc.

Đề nghị của Nga mở cuộc điều tra chung Anh - Nga để làm rõ các vấn đề liên quan vụ việc điệp viên Skripal bị đầu độc tại Anh không nhận được 2/3 số phiếu cần thiết (ít nhất 28/41 phiếu) tại cuộc họp được triệu tập bất thường của Hội đồng điều hành Tổ chức cấm vũ khí hoá học (OPCW).

Theo thông báo từ Bộ Ngoại giao Nga, sau khi 41 nước thành viên Hội đồng bỏ phiếu, Nga nhận được 6 phiếu ủng hộ, 15 phiếu chống trong đó có Anh và 17 phiếu trắng. Có 2 nước vắng mặt và 1 nước không được bỏ phiếu.

opcw-hq_03

Trụ sở OPCW tại Hà Lan.

Ông Alexander Shulgin đại diện thường trực của Nga tại OPCW chia sẻ sau cuộc họp ngày 4/4: "Tại Hague, Hà Lan đề nghị của Nga mong muốn thành lập một cuộc điều tra chung bị bác bỏ".

Trong khi đó, đại diện thường trực của Anh John Foggo tại OPCW cho rằng chính phủ Nga đang là nghi can trong vụ tấn công tại Salisbury, cuộc điều tra chung giữa London và Matxcoqva nếu được thiết lập thì sẽ là sự vô lý, RBC đưa tin.

Yêu cầu mở một cuộc họp khẩn cấp tới Ủy ban điều hành OPCW được Nga gửi đi ngày 29/3 nhằm làm sáng tỏ cáo buộc Nga sử dụng chất độc thần kinh Novichok đầu độc cựu điệp viên Skripal và con gái đang tị nạn tại Anh.

Video: Căng thẳng ngoại giao Nga, phương Tây nghiêm trọng thế nào?

Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov vào ngày 29/3 giải thích về việc yêu cầu triệu tập cơ quan hành pháp của OPCW với mong muốn được nói chuyện bình thường và điều tra tìm ra sự thật.

Tổng thống Putin cũng kỳ vọng kết quả cuộc họp của Hội đồng điều hành OPCW ngày 4/4 sẽ là chìa khoá để làm sáng tỏ vai trò của Matxcova trong vụ việc xảy ra tại Salisbury và nhờ đó chấm dứt khủng hoảng ngoại giao giữa Nga-Anh trong nhiều tuần qua.

Tuy nhiên với kết quả 6/38 phiếu ủng hộ đề nghị của Nga, kỳ vọng từ phía các nhà lãnh đạo Nga đã không được đáp ứng. Trên Twitter của Đại sứ quán Nga tại Hà Lan viết: "Đề xuất của Nga được ủng hộ bởi Iran, Trung Quốc, Azerbaijan, Sudan và Algeria".

Quan điểm

Theo ông Krassimir Kostov, đại diện của Bulgaria, với tư cách là nước giữ chức chủ tịch EU dù không nằm trong thành viên Hội đồng OPCW, kết quả bỏ phiếu của OPCW là hoàn toàn hợp lý, Nga ngay từ đầu từ chối cung cấp các thông tin, trốn tránh nghĩa vụ của mình dù là một trong những thành viên sáng lập tổ chức, làm giảm uy tín của tổ chức trên truyền thông quốc tế.

Đại diện đến từ các nước khác trong EU như Ireland, Estonia, Đan Mạch và Hà Lan cũng bày tỏ sự đồng ý với tuyên bố của ông Kostov và cho rằng Nga có khả năng đứng sau vụ đầu độc cựu điệp viên.

Đại diện của Thuỵ Điển, ông Peter Ljukke cho rằng: “Trước khi OPCW đưa ra các biện pháp cụ thể, nên chờ kết luận chính thức từ các chuyên gia hoá học của tổ chức. Tuy nhiên, Thuỵ Điển ủng hộ cách phản ứng của London về ưu tiên quyền điều tra của cơ quan cảnh sát nước này theo luật định. Đây là một trong những lý do vì sao đề xuất từ phía Nga không được chấp nhận".

Áo vẫn giữ nguyên lập trường, sẵn sàng làm trung gian hoà giải giữa Nga và Phương tây. Đại diện thường trực của Áo Gerhard Eisl không nhắc đến Nga trong bài phát biểu của mình. Theo ông, mặc dù Vienna liên quan với tuyên bố chung của Liên minh châu Âu, nhưng sẽ chỉ hành động khi có kết luận cuối cùng từ các chuyên gia.

Trong khi đó, Áo, Hy Lạp và Síp là 3 quốc gia trong EU công khai từ chối bất kỳ hành động ngoại giao nào đối với Matxcơva cho tới khi làm rõ rõ ràng những gì xảy ra tại Salisbury.

Sắp có kết quả

Trong tuyên bố kết thúc cuộc họp của Hội đồng điều hành OPCW, Giám đốc Ahmet Uzumdzhu hứa các chuyên gia hoá học của tổ chức sẽ hoàn thành việc phân tích mẫu các chất độc được sử dụng tại Salisbury vào đầu tuần tới. Công việc giám định của nhóm chuyên gia OPCW bắt đầu từ ngày 19/3.

Chia sẻ với RBC, chuyên gia vũ khí hoá học và là cựu thanh sát viên vũ khí Liên Hợp Quốc ở Iraq ông Anton Utkin cho hay, việc Nga đưa ra đề xuất và lấy ý kiến bằng cách bỏ phiếu trước cuộc họp của Hội đồng điều hành OPCW là quyết định không mấy sáng suốt.

Ông cho rằng, sẽ có những nước chống lại đề nghị của Nga và những nước không muốn tham gia vào việc bỏ phiếu này, Nga nên hiểu trước khi đề nghị bỏ phiếu và kết quả 6/38 không có gì đáng ngạc nhiên.

Theo chuyên gia này, điều Nga cần làm là tận dụng các thủ tục được quy định tại điều 4 và 9 của Công ước về Cấm vũ khí hoá học, yêu cầu được tiếp cận thông tin với tư cách là một trong những nước sáng lập Công ước, không cần bất cứ cuộc bỏ phiếu nào nữa.

Dương Hà
Bình luận
vtcnews.vn