Ảnh: Những tác phẩm độc đáo trên vỏ bình trà làm bằng trái dừa khô

Thời sựThứ Năm, 18/07/2019 07:51:00 +07:00

Hàng chục năm qua, một người đàn ông ở Cần Thơ vẫn ngày ngày miệt mài chạm khắc, tạo nên những tác phẩm độc đáo trên vỏ bình trà làm bằng trái dừa khô.

doc-dao-nghe-cham-khac-01 3

 Dùng vỏ dừa khô đựng bình trà để giữ ấm đã trở thành nét sinh hoạt quen thuộc suốt hàng trăm năm qua của người Nam Bộ.  Với mong muốn nâng cao giá trị nghệ thuật cho sản phẩm truyền thống này, ông Đặng Hồng Điểm (58 tuổi, ngụ hẻm 38, khu vực 6, phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều,TP. Cần Thơ) khắc họa lên đó những tác phẩm điêu khắc độc đáo.

doc-dao-nghe-cham-khac-02 4

 Ông Điểm cho biết, năm 1983, ông học được nghề chạm khắc hoa văn trên vỏ dừa khô từ một người thầy ở đường Phạm Ngũ Lão, phường An Hòa, quận Ninh Kiều rồi làm nghề cho đến nay.

doc-dao-nghe-cham-khac-04 6

 Sau khi chọn được quả dừa ưng ý, ông Điểm cắt phần đuôi trái chừng 5 phân để làm nắp đậy rồi đục bỏ phần gáo dừa bên trong sao cho vừa vặn với bề hoành bình trà.

doc-dao-nghe-cham-khac-05 15

 Tùy vào hình dáng từng trái dừa, ông Điểm sẽ chọn nội dung chạm khắc phù hợp như tứ quý, long phụng hòa minh, song long tranh châu, hoa sen… "Đề tài chạm khắc cũng có thể là cảnh làng quê, đồng ruộng hay các di tích lịch sử... tùy vào sở thích của khác hàng.", ông Điểm cho biết.

doc-dao-nghe-cham-khac-06 8

Bước tiếp theo, ông Điểm vẽ những nét thảo phác họa đường nét rồi dùng dao khắc đường cơ bản và sau cùng là các đường nét chi tiết. 

doc-dao-nghe-cham-khac-07 9

 Vỏ dừa khô là loại vật liệu không cứng lại không mềm nên sẽ rất khó để thể hiện nét khắc chi tiết.

doc-dao-nghe-cham-khac-08 11

 Vỏ dừa sau khi chạm khắc sẽ được đánh một lớp véc-ni nhằm tăng độ bền cho sản phẩm.

doc-dao-nghe-cham-khac-09 12

 Theo ông Điểm, những chiếc bình này "xài đời đời không hư" bởi tác phẩm ông làm ra hơn 30 năm trước đến giờ vẫn còn nguyên vẹn.

doc-dao-nghe-cham-khac-10 13

 Ông Điểm chia sẻ, công việc điêu khắc này từng là nguồn thu nhập chính của ông trong suốt 20 năm. Việc dùng vỏ dừa khô đựng bình trà dần không còn thịnh cộng thêm tuổi cao nên giờ ông Điểm chỉ chạm khắc vào thời gian rảnh rỗi.

doc-dao-nghe-cham-khac-11 17

 Hiện, mỗi tuần ông Điểm chỉ làm ra từ 1 đế 2 sản phẩm với giá bán giao động từ 600 ngàn cho đến 1 triệu đồng. “Tôi chỉ lấy công làm lời. Làm chủ yếu để giữ nghề. Sản phẩm nào bán được thì bán còn không tôi để trưng ở nhà để sau này làm kỷ niệm cho con cháu”, ông Điểm nói

THANH TIẾN
Bình luận
vtcnews.vn