Anh hùng trong phim kiếm hiệp Kim Dung

VideoThứ Ba, 17/07/2012 07:29:00 +07:00

(VTC News) - Võ thuật là nội dung chính trong các tiểu thuyết của Kim Dung. Khi nhắc tới yếu tố này thì lại càng không thể thiếu các nhân vật nam võ công cao cư

(VTC News) - Võ thuật là nội dung chính trong các tiểu thuyết của Kim Dung. Khi nhắc tới yếu tố này thì lại càng không thể thiếu các nhân vật nam võ công cao cường.

Thói quen của nhà văn Trung Quốc là mô tả đối tượng từ khi còn nhỏ, sắp xếp vô vàn thử thách hoặc xung đột trong giang hồ trước khi đạt tới trình độ võ công cao nhất. Ngoài số ít những người chất phác, hiền lành, Kim Dung thường đặt các nhân vật nam vào hoàn cảnh ham công danh lợi lộc dẫn đến tàn sát lẫn nhau.

Trong hơn 10 tác phẩm kiếm hiệp, Kim Dung đã xây dựng hàng chục nhân vật nam với dung mạo và tính cách vô cùng đặc biệt. Chính nét cá tính này đã ảnh hưởng trực tiếp đến số phận cũng như chuyện tình yêu của các bậc anh hùng.

Dưới đây là 8 vị anh hùng trong các tiểu thuyết nổi bật nhất của Kim Dung đã lên màn ảnh. Mời độc giả cùng đánh giá và lựa chọn cho mình một nhân vật ưng ý:

Dương Quá trong Thần điêu hiệp lữ

 

Thần điêu hiệp lữ là tác phẩm được Kim Dung đặt trọng điểm miêu tả chuyện tình yêu, là tiểu thuyết mang đến cho người đọc nhiều cảm xúc sâu thẳm trong tâm hồn. Trong đó, nhân vật nam chính Dương Quá hiện lên như một mẫu anh hùng thông minh, trung thực và can đảm tuyệt vời.

Bản sắc anh hùng của Dương Quá thể hiện rõ rệt nhất trong tình yêu – dù Tiểu Long Nữ đã thất tiết với Doãn Chí Mình nhưng trong mắt anh nàng vẫn là người con gái đoan trang nhất. Quan điểm của Dương Quá đã chiến thắng những rào cản luân lý cứng nhắc của xã hội cũ, thể hiện khí chất của một đấng trượng phu thực sự.

Lệnh Hồ Xung: Tiếu ngạo giang hồ

 

Tiếu ngạo giang hồ là tác phẩm được Kim Dung khắc họa sâu sắc nhất cuộc đấu tranh tàn sát của những kẻ ham công danh lợi lộc. Như một cách bày tỏ quan điểm bản thân, nhà văn đã đặt tên truyện là Tiếu ngạo giang hồ - nhìn sự đời mà cười ngạo nghễ.

Tiếp đó, ông xây dựng nhân vật chàng trai mồ côi Lệnh Hồ Xung với bản tính ngay thẳng, trung thực và luôn sẵn sàng ra tay giúp đỡ người khác. Chàng vừa mang đặc điểm của “con nhà võ”: mê rượu, kết giao rộng rãi nhưng lại vừa sở hữu nét tính cách lãng tử, xem thường phú quý danh vọng – đặc điểm được tác giả dùng cụm từ “kẻ thanh danh tàn tạ” để miêu tả. Và như để tăng thêm sự xung đột với quan lệ thông thường, Kim Dung đã sắp đặt cho Lệnh Hồ Xung trở thành chưởng môn phái Hằng Sơn, cai trị một bầy ni cô và phụ nữ tục gia.

Tiêu Phong: Thiên long bát bộ

 

Thiên long bát bộ là tác phẩm dùng triết lý Phật giáo để miêu tả những ân oán tình thù trong nhân gian. Trong đó, nhân vật nam chính Tiêu Phong (Kiều Phong) hiện lên với đầy đủ khí chất của một vị anh hùng thực thụ: anh dũng bao dung, uy nghiêm độ lượng.

Tính cách này của chàng được các khán giả nam ví von với đặc điểm của cung tuổi Sư tử - những người có bản lĩnh lãnh đạo, tinh tường, mạnh mẽ và hết sức nhạy cảm với những gì mà người khác nghĩ về họ. Tuy nhiên, Tiêu Phong lại là người anh hùng phải trải qua bi kịch tình yêu – vô tình ra tay giết nhầm người yêu (A Châu) và rồi sau đó cũng tự đâm vào lồng ngực mình tự sát.

Quách Tĩnh trong Anh hùng xạ điêu

 

Thần điêu hiệp lữ miêu tả nhiều cảnh võ thuật hoành tráng lại vừa bao hàm những tình tiết ly kỳ hấp dẫn, xứng đáng là một tác phẩm kinh điển của Kim Dung. Trong tiểu thuyết, nhân vật Quách Tĩnh được miêu tả chậm chạp, ngốc nghếch nhưng chân thật và trượng nghĩa.

Và dường như để bù đắp, nhà văn xứ Đài đã mang đến cho chàng hàng loạt võ công tinh hoa tổng hợp từ Giang Nam Thất Quái, từ Mã Ngọc chân của phái Toàn Chân, từ Hồng Thất Công với môn Hàng Long Thập Bát Chưởng, từ Chu Bá Thông với Song Thủ Hổ Bác và bảy mươi hai lộ Không Minh Quyền và nổi bật nhất là Cửu Âm Chân Kinh. Bên cạnh đó, Quách Tĩnh còn rất may mắn khi có được tình yêu của con gái Đông tà Hoàng Dược Sư – Hoàng Dung, sở hữu một gia đình hạnh phúc và êm ấm.

Viên Thừa Chí: Bích huyết kiếm

 

Tiểu thuyết Bích huyết kiếm sử dụng hình thức “đảo thuật” câu chuyện (kể lại chuyện đã xảy ra) để diễn giãi tình tiết, có những nhân vật tồn tại nhưng chưa khi nào được xuất hiện. Trong truyện, nhân vật Viên Thừa Chí xuất thân cao quý (con trai đại tướng Viên Sùng Hoán), văn võ song toàn, trọng tình trọng nghĩa. Điểm yếu duy nhất của chàng là dễ giao động trong chuyện tình cảm...

Viên Thừa Chí có thiện cảm với Hạ Thanh Thanh (tiểu thư của Hạ Tuyết Nghi và Ôn Nghi) nhưng cùng lúc đó lại rung động trước A Cửu (tức Trường Bình công chúa, con gái vua Sùng Trinh). Đứng giữa hai người con gái xinh đẹp, chàng băn khoăn lưỡng lự làm người đọc cũng cảm thấy sốt ruột, bồn chồn.

Trương Vô Kỵ: Ỷ Thiên Đồ Long ký

 

Ỷ thiên đồ long ký là cuốn cuối cùng trong bộ tiểu thuyết Xạ điêu tam khúc của Kim Dung. Ngoài nội dung xoay quanh truyền thuyết về Đồ Long đao và Ỷ Thiên kiếm, tác phẩm còn đề cập tới câu chuyện tình rối rắm của Trương Vô Kỵ và các mỹ nhân xinh đẹp: Triệu Mẫn, Chu Chỉ Nhược …

Nhà văn đã khắc họa hình tượng nhân vật nam chính hiền lành, trung hậu, mộtchàng trai không đủ đẹp mã như Đoàn Dự, Dương Quá nhưng xuất hiện ở đâu cũng khiến người ta phải dừng bước ngoái nhìn. Tuy nhiên, Trương Vô Kỵ lại có nhược điểm là dễ bị ảnh hưởng bởi người khác, đặc biệt là không có tính quyết đoán trong tình yêu.

Vy Tiểu Bảo: Lộc Đỉnh Ký

 

Kim Dung đã có những sáng tạo đột phá cho cuốn tiểu thuyết cuối cùng – Lộc đỉnh ký, đem lại dấu ấn cuối cùng và mạnh mẽ nhất trong số 15 tác phẩm kiếm hiệp của mình. Trong đó, việc trau chuốt xây dựng nhân vật nam chính với nét tính cách thường được so sánh với AQ của Lỗ Tấn đã nói lên được tính cách chung của người Trung Quốc.

Vy Tiểu Bảo gian nhưng không ác, giảo hoạt nhưng vẫn trượng nghĩa, tham tài nhưng không tiếc của, mê gái đẹp và hay mắc nhưng chưa từng nghĩ đến việc trả đũa. Và mặc dù biết rất ít chữ, không biết võ công, hay nói tục chửi thề nhưng nhờ tài ăn nói và sự tinh ranh láu cá, Vy Tiểu Bảo cũng đã gây dựng được một sự nghiệp đáng nể, được nhiều cô gái xinh đẹp hết lòng theo đuổi.

Đoàn Dự: Thiên long bát bộ

 

Đoàn Dự là nhân vật nam may mắn nhất trong Thiên long bát bộ nói riêng và trong tất cả các tiểu thuyết của Kim Dung nói chung. Chàng là vương tử Đại lý, dáng vẻ thư sinh điển trai và có tới 3 người vợ xinh đẹp là Vương Ngữ Yên, Chung Linh và Mộc Uyển Thanh.

Tính cách nổi bật nhất của Đoàn Dự mà người đọc có thể cảm nhận được ngay từ đầu tác phẩm là cái tâm từ bi, trong sáng. Chàng chẳng chịu học võ công vì cho rằng: “Học lối đánh người, giết người, lòng ta cảm thấy có điều trái ngược”. Trong lúc giang hồ tranh hùng xưng bá thì Đoàn Dự lại chỉ biết “lấy từ bi để dập tắt hận thù”.

Để phù hợp với thái độ sống đó, Kim Dung đã tặng cho chàng những môn võ công thượng thừa như Bắc Minh thần công (lấy nội lực của thiên hạ làm của mình), Lục mạch thần kiếm (vô hình nhưng có thể chặt đứt khí giới), Lăng ba vi bộ (phép di chuyển linh hoạt không gây thương tích cho người khác).

Hình ảnh những nhân vật nam chính trong truyện Kim Dung qua phim truyền hình của đạo diễn Trương Kỷ Trung:

 

Theo HChau/ 24h

Bình luận
vtcnews.vn