Ăn tiết canh lợn, thanh niên ở Hà Nội hôn mê suýt chết

An toàn thực phẩmThứ Hai, 31/08/2020 12:41:00 +07:00
(VTC News) -

Bệnh viện E (Hà Nội) vừa điều trị thành công trường hợp bệnh nhân bị nhiễm trùng huyết do ăn tiết canh lợn có liên cầu khuẩn.

Bệnh nhân nam, 29 tuổi, trú tại Xuân Phương, Bắc Từ Liêm, Hà Nội, nhập viện trong tình trạng lơ mơ, rối loạn ý thức, hôn mê, vật vã.

Khoảng 3 ngày trước, nam thanh niên có ăn tiết canh lợn trong bữa liên hoan ở công ty. Sau ăn, bệnh nhân có biểu hiện ý thức lơ mơ, vận động chậm, buồn và khó kiểm soát. Bệnh nhân có điều trị tại nhà nhưng không đỡ, hơn nữa còn rơi vào trạng thái co giật mất ý thức toàn thân trong 4-5 phút. Gia đình đưa bệnh nhân đi cấp cứu tại Bệnh viện E.

BS CKII Nguyễn Xuân Huyến - Trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện E cho biết, qua thăm khám và làm các xét nghiệm, bệnh nhân được xác định bị viêm não do liên cầu khuẩn (Streptococcus suis) ký sinh ở lợn gây nên.

Hiện bệnh nhân vẫn đang điều trị tại khoa Hồi sức tích cực của bệnh viện trong tình trạng nặng, .

Ăn tiết canh lợn, thanh niên ở Hà Nội hôn mê suýt chết - 1

Bác sĩ đang kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân.

Theo ThS.BS Vũ Mạnh Cường - Phó Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện E, hàng năm bệnh viện vẫn tiếp nhận rải rác các trường hợp bệnh nhân bị nhiễm liên cầu lợn. 

Đây là một bệnh nhiễm khuẩn toàn thân nặng do vi khuẩn liên tục sản sinh độc tố vào máu gây viêm não, viêm phổi, viêm cơ tim, viêm khớp…nặng nhất có thể gây nhiễm trùng huyết. Nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời dẫn đến sốc nhiễm trùng, suy đa tạng và tử vong.

ThS.BS Đỗ Quốc Phong - Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện E cho biết, các biểu hiện lâm sàng nhiễm trùng huyết do liên cầu lợn có thể kể đến như: sốt cao liên tục, rét run từng cơn, người mệt mỏi, đau đầu, mệt mỏi, ù tai, rối loạn tri giác, trên da xuất hiện ban xuất huyết trên da thành từng điểm hoặc mảng.

Ngoài ra, người bệnh có thể bị đau khớp, viêm thanh dịch, hoặc nặng có thể xuất huyết dưới da, xuất huyết toàn thân, hoại tử và rối loạn chức năng.

Để phòng bệnh liên quan đến lợn, các bác sĩ khuyến cáo người dân cần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không ăn tiết canh, các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín; Không sử dụng lợn thịt có khác màu đỏ, như xuất huyết hoặc phù nề;

Thực hiện bảo vệ tốt sinh cá nhân, sử dụng tay và các công cụ bảo vệ cần thiết khác khi tiếp xúc với lợn, chế biến thịt lợn.

Phạm Quý
Bình luận
vtcnews.vn