“Ăn” tàu ngầm ở Malaysia

Thế giớiThứ Năm, 28/06/2012 12:49:00 +07:00

Truyền thông Malaysia đang gây sức ép mạnh mẽ buộc chính quyền Thủ tướng Najib Razak phải giải thích nghi án tham nhũng khi ký hợp đồng mua hai tàu ngầm Pháp.


Truyền thông Malaysia đang gây sức ép mạnh mẽ buộc chính quyền Thủ tướng Najib Razak phải giải thích về nghi án tham nhũng khi ký hợp đồng mua hai tàu ngầm Pháp vào năm 2002.


Từ ngày 25-6, báo mạng Asia Sentinel đã gây chấn động Malaysia khi đăng tải 133 tập tài liệu dài hàng trăm trang, tố cáo các hành vi tham nhũng của Bộ Quốc phòng trong hợp đồng trị giá 1 tỉ euro (1,25 tỉ USD) để mua hai chiếc tàu ngầm lớp Scorpene của Tập đoàn Pháp DCNS hồi năm 2002. Khi đó, Thủ tướng Najib là bộ trưởng quốc phòng đã thông qua hợp đồng mua bán này.
 Chiếc tàu ngầm quân sự lớp Scorpene mà Malaysia mua từ Pháp - Ảnh: Reuters

Tờ báo cho biết cảnh sát Pháp đã tịch thu được các tài liệu này khi khám xét văn phòng DCNS tại Paris hồi tháng 4-2010.
Các tài liệu này là thật, như AFP dẫn một nguồn tin từ Pháp khẳng định. Ngày 27-6, Bộ trưởng Quốc phòng Zahid Hamidi đã lên tiếng phủ nhận mọi cáo buộc.

Tuy nhiên, các nghị sĩ đối lập yêu cầu ông Hamidi phải lập tức điều tra toàn diện nghi án này và công khai kết quả điều tra.

Bán tài liệu mật, ăn tiền hoa hồng


Theo tài liệu do Asia Sentinel đăng tải, Bộ Quốc phòng Malaysia đã bán tài liệu về bí mật hải quân nước này cho Hãng Thales International, một chi nhánh của DCNS, hồi năm 2002. Nhờ đó, DCNS đã có thể thắng thầu (bán tàu ngầm cho Malaysia).

Người trung gian giữa DCNS và Bộ Quốc phòng Malaysia khi đó là Abdul Razak Baginda, lãnh đạo Tổ chức Nghiên cứu chiến lược Malaysia và là bạn thân của ông Najib.

Điều tra cho thấy Hãng Thales International đã mua tài liệu mật này với giá 36 triệu euro (44,9 triệu USD). Thales International đã chuyển số tiền này vào tài khoản của Công ty Terasasi, có trụ sở ở Hong Kong mà chủ sở hữu chính là Razak Baginda.

Trên thực tế, Terasasi chỉ là một công ty ma, không hề có bất kỳ hoạt động nào. Báo Malaysia Chronicle dẫn lời một số nghị sĩ đối lập mô tả việc cung cấp tài liệu quân sự bí mật cho nước ngoài là hành động phản quốc.

Vẫn theo điều tra, DCNS còn chi “hoa hồng” 115 triệu euro (160 triệu USD) của thương vụ bán tàu ngầm này cho một công ty có tên Perimekar, cũng thuộc quyền sở hữu của ông Razak Baginda.

Một tài liệu viết: “Khoản hoa hồng này hoàn toàn phù hợp với các quy định của DCNS cũng như của công ty con Thales”.

Trên thực tế, đây là hành vi vi phạm công ước chống tham nhũng của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) mà Pháp đã phê chuẩn vào tháng 6-2000.

Ngày 19-10-2006, phiên dịch viên người Mông Cổ Shaariibuugiin Altantuyaa mất tích ở Kuala Lumpur. Cô là người phiên dịch cho ông Razak Baginda khi ông này bay sang Paris để thương lượng với DCNS về vụ mua tàu ngầm, rồi sau đó trở thành tình nhân của ông ta.

Cảnh sát điều tra đã phát hiện cô bị bắn chết, thi thể bị phá hủy vì thuốc nổ C-4 ở một khu vực hoang vắng gần thủ đô Kuala Lumpur.

Báo Pháp Libération khi đó đưa tin lúc phát hiện DCNS có chi “hoa hồng” cho Công ty Perimekar, cô Altantuyaa đã đòi tình nhân của mình phải chia phần cho mình 500.000 USD để trả công phiên dịch.

Điều tra của cảnh sát Malaysia cho biết hai cảnh sát đặc nhiệm Malaysia, là vệ sĩ của ông Najib, đã bắt cóc và sát hại cô Altantuyaa.

Năm 2009, hai cảnh sát này đã bị xử tội tử hình. Ông Razak Baginda bị điều tra về tội chủ mưu giết người nhưng được xử trắng án.

“Đảng cầm quyền hưởng lợi”

“Ở Malaysia, đảng cầm quyền UMNO là đối tượng được hưởng lợi lớn nhất” - báo cáo này kết luận, bởi theo một báo cáo của DCNS có trong tập tài liệu, điều kiện tiên quyết để ký hợp đồng bán vũ khí cho Malaysia là “phải chuyển tiền cho một số cá nhân và tổ chức”.

Còn trong một tài liệu khác, một quan chức DCNS đã thẳng thừng khẳng định Công ty Perimekar, với danh nghĩa là hãng du lịch, được lập ra là để “làm giàu một cách bất minh” cho các cổ đông.

Trang Asia Sentinel cho biết kể từ năm 1991, khi lên nắm bộ trưởng quốc phòng, ông Najib đã mở chiến dịch tăng cường quân sự, đổ tiền mua xe tăng, máy bay chiến đấu Sukhoi, tàu tuần tra bờ biển, tàu ngầm...

Một cuộc chạy đua dữ dội đã nổ ra giữa các nhà sản xuất Pháp, Đức, Thụy Điển, Nga và Hà Lan. Năm 1995, chi nhánh của DCNS là Thales International đã bị thất thế trước nhà sản xuất Đức Kockums AB. DCNS quyết định “phản công” bằng việc vung tiền ra chung chi.

Một tài liệu cho biết ngày 1-10-1996, đại diện DCNS đã ký thỏa thuận với một thiếu tá quân đội Malaysia là Abdul Rahim Saad để “đưa DCNS trở lại danh sách các nhà thầu sau khi đã bị chính quyền Malaysia loại bỏ”. Để trả lễ, phía DCNS đã chi 100.000 USD “phí tư vấn”.

Sau đó DCNS chuyển sang “nhờ cậy” Razak Baginda do có mối quan hệ kép. Razak Baginda là bạn thân của ông Najib, còn vợ ông cũng là bạn thân của vợ ông Najib.

Bất chấp lời phủ nhận của Bộ trưởng Quốc phòng Hamidi ngày 27-6 như Reuters cho biết, sức ép của truyền thông và dư luận lên chính phủ Najib là rất lớn.

Giới quan sát nhận định với xìcăngđan này, phe đối lập đang có cơ hội tốt để đánh bại ông Najib trong cuộc bầu cử sắp tới.


Theo Sơn Hà/Tuổi Trẻ

Bình luận
vtcnews.vn