Án oan chấn động: Thẩm phán kết tội ông Chấn không sai?

Pháp luậtThứ Sáu, 10/10/2014 07:45:00 +07:00

(VTC News) - Các chứng cứ trong vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn đã bị cố ý làm sai lệch, nên thẩm phán phiên tòa rất khó để nhận biết.

(VTC News) - Theo luật sư Thấm, các chứng cứ trong vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn đã bị cố ý làm sai lệch, nên thẩm phán phiên tòa rất khó để nhận biết.

Liên quan đến việc ông Phạm Tuấn Chiêm - cựu thẩm phán Tòa phúc thẩm TAND Tối cao, chủ tọa phiên phúc thẩm xem xét kháng cáo kêu oan của ông Nguyễn Thanh Chấn, bị khởi tố để điều tra về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với luật sư Bùi Văn Thấm (Đoàn luật sư TP Hà Nội) về vấn đề này.
Vụ án đặc biệt
Luật sư Bùi Văn Thấm khẳng định, vụ án giết người liên quan đến ông Nguyễn Thanh Chấn là một vụ án đặc biệt phức tạp.
"Giai đoạn điều tra, ông Nguyễn Thanh Chấn, lúc bây giờ là bị can đã có đơn tự thú, khai nhận hành vi phạm tội của mình. Quá trình thực nghiệm điều tra với ông Chấn trùng khớp với lời khai nhận tội trước đó của ông Chấn" luật sư Thấm nói.
 Ông Nguyễn Thanh Chấn ngồi tù oan 10 năm vì tội ác của kẻ khác (Ảnh: Minh Chiến)
Ở cả hai phiên tòa Sơ thẩm và Phúc thẩm, ông Nguyễn Thanh Chấn đều kêu oan, khẳng định mình bị các điều tra viên ép cung, sắp đặt lời khai.

"Đến phiên phúc thẩm, thời điểm đó tôi là luật sư bào chữa, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho bị cáo Nguyễn Thanh Chấn, ông Chấn vẫn một mực kêu oan, đề nghị tòa xem xét. Ông Chấn bật khóc trước phiên tòa và kêu to "Tôi bị oan" sau khi tuyên án phúc thẩm", luật sư Thấm nhớ lại.
Kết thúc phiên tòa phúc thẩm, ông Chấn nhận án chung thân, phía gia đình ông Chấn tiếp tục gửi đơn kêu oan lên các cấp. Lúc đó, vợ ông Chấn là bà Nguyễn Thị Chiến và người anh đồng hao Thân Văn Hoạt nhiều lần đến tòa tối cao kêu oan.
"Trong phiên tòa sơ thẩm, tôi đã tập trung làm rõ các chứng cứ buộc tội, khẳng định ông Chấn bị oan, đề nghị Hội đồng xét xử hủy bản án sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra lại" vị luật sư bào chữa cho ông Chấn nói.
Chủ tọa phiên tòa thiếu trách nhiệm?
"Là người công tác hàng chục năm trong ngành tư pháp, tôi rất bất ngờ và lấy làm tiếc khi ông Phạm Tuấn Chiêm bị khởi tố liên quan đến vụ án oan ông Nguyễn Thanh Chấn. Bản thân tôi biết ông Chiêm là một người rất liêm khiết, làm việc tận tụy và cống hiến nhiều cho ngành tư pháp", luật sư Bùi Văn Thấm nói.
Cũng theo luật sư Thấm, đây là lần đầu tiên truy cứu trách nhiệm của thẩm phán tại một phiên đã kết án oan người vô tội. "Đây là một bước đột phá mới, tuy nhiên cần thận trọng, xem xét toàn diện vụ án để đánh giá", ông Bùi Văn Thấm cho hay.
Liên quan đến việc ông Phạm Tuấn Chiêm bị khởi tố để điều tra về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, ông Thấm cho rằng, cần nhìn nhận vụ án một cách toàn diện, tổng thể, đánh giá cụ thể từng chi tiết thì mới có thể khẳng định được ông Chiêm có thiếu trách nhiệm hay không?
Ông Phạm Tuấn Chiêm, nguyên thẩm phán chủ tọa phiên phúc thẩm xử oan ông Nguyễn Thanh Chấn, vừa bị khởi tố (Ảnh: Một Thế Giới)

"Phải có cơ sở thì mới khẳng định được việc thẩm phán Chiêm có thiếu trách nhiệm hay không. Luật đã quy định rõ vai trò trách nhiệm của thẩm phán trong phiên tòa tóm lược gồm: nghiên cứu hồ sơ, thẩm vấn tại phiên tòa, tranh tụng, đánh giá chứng cứ tại phiên tòa. 
Với vai trò luật sư trong phiên phúc thẩm xét xử Nguyễn Thanh Chấn, tôi đánh giá, ông Chiêm đã nghiên cứu rất kĩ hồ sơ vụ án, rất thận trọng trong phiên xét xử và đảm bảo đúng quy trình tố tụng", ông Thấm cho biết.
Ngoài ra, phiên tòa cũng thể hiện được kết quả tranh tụng. Thời điểm xét xử, luật sư Thấm tập trung nhấn mạnh vào luận cứ biến động và tiêu thụ thời gian, lập luận về nêu các ý kiến về luận cứ này. 
"Trước những luận cứ của luật sư, thẩm phán đã xem xét rất cụ thể và lập luận để bác bỏ, điều đó thể hiện thẩm phán đã thực hiện tốt nhiệm vụ thẩm vấn, tranh tụng tại phiên tòa. Cần làm rõ việc thẩm phán không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao, từ đó mới đánh giá việc thiếu trách nhiệm hay không", luật sư Thấm nói.
Theo vị luật sư này, mấu chốt của vụ án là chứng cứ, lời khai đã bị cố ý làm sai lệch từ trước, đến phiên xét xử, thẩm phán không thể nhận ra việc này. 
Trước câu hỏi của PV về việc thẩm phán không nhận ra những chứng cứ sai lệch có phải do năng lực yếu kém, luật sư Thấm cho rằng, quá trình điều tra của cơ quan điều tra là một quá trình dài, có đầy đủ lời khai, thực nghiệm hiện trường, hung khí gây án...nên rất khó để thẩm phán có thể nhận ra nếu nó bị cố ý làm sai lệch từ trước.
"Chứng cứ, lời khai của bị cáo là một quá trình tố tụng, không thể dựa vào một lời khai tại phiên tòa mà bác cả quá trình điều tra được. Kết luận của thẩm phán tại phiên tòa cần phải có căn cứ, thuyết phục, mà chứng cứ, lời khai từ cơ quan điều tra một trong những căn cứ quan trọng", luật sư Thấm khẳng định.
Về trách nhiệm của Viện kiểm sát (VKS), luật sư Thấm cho rằng, VKS là cơ quan công tố: khởi tố, truy tố và thực hành công tố tại phiên tòa, nên để xảy ra án oan, VKS cũng phải liên đới chịu trách nhiệm.
Theo luật sư Thấm, để tránh xảy ra các trường hợp án oan, trong mỗi phiên tòa cần đề cao hiệu quả của phần tranh tụng (có ý kiến buộc tội và ý kiến gỡ tội). Từ đó, HĐXX mới phát hiện ra những điểm "bất thường" được. 
"Đặc biệt chống tư tưởng "trọng chứng hơn trọng cung", "án tại hồ sơ" hay "án bỏ túi" trong các phiên xét xử. Nếu còn duy trì những  tư tưởng đó, rất dễ mắc sai lầm" ông Thấm nhấn mạnh.

Minh Chiến
Bình luận
vtcnews.vn