Nam sinh lớp 11 giấu bé trai trong rừng đến chết đối diện mức án nào?

An ninh hình sựThứ Sáu, 12/06/2020 07:34:29 +07:00
(VTC News) -

Luật sư cho rằng, mặc dù nam sinh chỉ coi việc giấu bé trai 5 tuổi là một trò chơi điện tử nhưng dẫn tới hậu quả bé trai tử vong thì phải đối mặt với tội Giết người.

Liên quan đến vụ bé trai 5 tuổi chết trong rừng tại Nghệ An, cơ quan công an đã tạm giữ nam sinh lớp 11 là Đào Ngọc Hoàng (trú ở xã Quỳnh Tam, huyện Quỳnh Lưu) để điều tra.

Làm việc với công an, Đào Ngọc Hoàng khai do nghiện trò chơi điện tử nên giấu bé trai 5 tuổi với ý định sau đó đưa bé về như "người hùng". Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng tìm kiếm, nam sinh sợ nên không dám đưa bé về, dẫn đến sự việc đau lòng.

Trả lời PV VTC News dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng văn phòng Luật sư Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhận định, hành vi của nghi phạm là nguy hiểm cho xã hội, được thực hiện với lỗi cố ý gián tiếp.

“Mặc dù nghi phạm không có mong muốn tước đoạt tính mạng cháu và coi đó là một trò chơi nhưng đã để mặc cháu một mình trong rừng vắng dẫn tới hậu quả cháu bé tử vong thì phải đối mặt về tội Giết người với tình tiết định khung giết người dưới 16 tuổi được quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự”, ông Thơm phân tích.

Theo luật sư Thơm, nghi phạm khi thực hiện hành vi phạm tội đang là học sinh lớp 11 thì cần thiết phải xem xét đến độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự.

Nghi phạm đang ở lứa tuổi đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi nên sẽ phải đối mặt với hình phạt cao nhất không quá 18 năm tù theo quy định tại Điều 101 Bộ luật Hình sự.

Nam sinh  lớp 11 giấu bé trai trong rừng đến chết đối diện mức án nào? - 1

Gia đình tổ chức đám tang cho cháu bé xấu số.

Bên cạnh đó, Luật sư Thơm cũng cho rằng, về nguyên tắc việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội.

"Vụ án xảy ra cũng là hồi chuông cảnh báo về việc buông lỏng quản lý giáo dục các cháu học sinh đang ở lứa tuổi vị thành niên và đặc biệt là việc để các cháu nghiện chơi game trên mạng xã hội sẽ dẫn tới những hậu quả khó lường do sự biến đổi tâm sinh lý các cháu", luật sư Thơm nói thêm.

Đồng quan điểm với luật sư Thơm, luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật, Đoàn luật sư TP.HCM) nhận định, tình trạng người chưa thành niên phạm tội ở nước ta hiện nay ngày càng tăng về số lượng do nhiều nguyên nhân khác nhau, ví dụ bị ảnh hưởng từ game hoặc phim, các trò chơi bạo lực, thậm chí trong môi trường có nhiều đối tượng xấu.

Theo luật sư Bình, người chưa thành niên là những người chưa đủ 18 tuổi. Trong khoa học, độ tuổi này chưa phát triển hoàn toàn về nhận thức hoặc nhân cách nên chưa có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của một công dân theo quy định.

Vì vậy, việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm.

Pháp luật không áp dụng hình phạt tử hình đối với người dưới 18 tuổi khi phạm tội. Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 18 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 3/4 mức phạt tù điều luật quy định.

Trong trường hợp này, giả sử bị can là người thực hiện hành vi phạm tội thì như đã phân tích ở trên dẫu có khung hình phạt là tử hình thì bị can cũng chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự không quá 18 năm tù”, luật sư Diệp Năng Bình cho biết.

Clip: Cơ quan chức năng khám nghiệm hiện trường vụ cháu bé 5 tuổi bị chết

Minh Tuệ - Nguyễn Lợi
Bình luận
vtcnews.vn