Ấn Độ thử tên lửa mang đầu đạn hạt nhân

Thế giớiThứ Sáu, 05/10/2012 06:00:00 +07:00

(VTC News) - Trang IBN của Ấn Độ dẫn lời nguồn tin quân sự nói nước này thử thành công tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân Prithvi-II.

(VTC News) - Trang IBN của Ấn Độ dẫn lời nguồn tin quân sự nói nước này đã thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân Prithvi-II vào ngày 4/10.

Prithvi-II được thử nghiệm tại bãi thử gần Balasore, như một phần quá trình phát triển hệ thống tên lửa của quân đội Ấn Độ.

"Tên lửa đất đối đất Prithvi-II được phóng vào lúc 9h07 phút (giờ địa phương) ngày 4/10 từ một bệ phóng di động từ tổ hợp số III của bãi thử tên lửa tổng hợp tại Chandipur" tờ IdianTime đưa tin.

Prithvi là tên lửa đầu tiên chế tạo trong nước của Ấn Độ, được thực hiện bởi Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển quốc phòng. Nó có khả năng mang đầu đạn thường hoặc hạt nhân nặng tới 500kg và tầm bắn tối đa là 350km.

Prithvi-II sử dụng hệ thống dẫn đường quán tính hiện đại với quỹ đạo động. Cuộc thử nghiệm đã được giám sát bởi các quan chức quân đội và đại diện từ Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển quốc phòng Ấn Độ.

Tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân Prithvi-II của Ấn Độ rời bệ phóng 

Những tên lửa này được điều khiển bởi lực lượng chỉ huy chiến lược. Cuộc thử nghiệm cũng là cơ hội để quân đội có cái nhìn rõ hơn về khả năng hoạt động của Prithvi-II. Từ đó, họ có thể rút ra được những bài học về kiểm soát và nghiên cứu kĩ hơn về hệ thống dẫn đường của Prithvi-II cũng như cho các binh sĩ có thêm nhiều kĩ năng sử dụng loại tên lửa này.

Tên lửa có chiều dài 9m, đường kính 1m với 2 động cơ đẩy chạy nhiên liệu lỏng. Một quan chức quốc phòng cho biết, quá trình thử nghiệm đã được các hệ thống radar dọc bờ biển của Ấn Độ theo dõi chặt chẽ.

>>Video: Ấn Độ thử thành công tên lửa hạt nhân tầm xa

Cũng theo IBN, Prithvi-II đã có nhiều lần thử nghiệm thành công, gần đây nhất là vào ngày 25/8 vừa qua. Mục tiêu giả định trên Vịnh Bengan đã bị Prithvi-II hạ gục với sai lệch chưa đến 10m sau khi xuất phát từ khoảng cách 350km.

Tùng Đinh

Bình luận
vtcnews.vn