Amip ăn não trú ngụ bao lâu trong não bé trai tử vong?

Sức khỏeThứ Tư, 24/10/2012 12:40:00 +07:00

(VTC News) – Theo thông tin mới, cháu bé 6 tuổi bị amip ăn não tấn công ít nhất trước đó 1 tháng.

(VTC News) – Khi amip ăn não người xâm nhập sẽ gây tử vong rất nhanh. Nhưng với trường hợp cháu bé 6 tuổi bị amip này tấn công thì não đã bị tổn thương ít nhất 1 tháng.

Thông thường, sau khi bị amip ăn não tấn công, bệnh nhân sẽ nhanh chóng tử vong. 
Sau khi phát hiện ra 2 ca tử vong do nhiễm amip ăn não Naegleria fowleri, nhiều hoạt động, hội thảo khoa học về vấn đề này đã diễn ra.

Mới đây, bác sĩ tại các bệnh viện và trung tâm y tế dự phòng 24 quận, huyện của TP. HCM vừa  tham gia tập huấn chẩn đoán và điều trị bệnh amip “ăn não người” - Naegleria fowleri.

Tuy nhiên, tại các cuộc họp, hội nghị vừa kín, vừa mở này thì vấn đề được tranh luận và chưa có ngã ngũ là ngoài việc amip ăn não tồn tại ở các ao, hồ có nhiệt độ ấm thì amip có tồn tại trong không khí hay không. Dù trong y văn khẳng định amip này tồn tại ở nhiệt độ ấm dưới 46đC.

Một vấn đề nữa được tranh luận là thời gian amip ăn não tồn tại trong cơ thể bệnh nhân và gây tử vong.

Bác sĩ Phan Văn Hiếu, Giám đốc Trung tâm Pháp y TP. HCM khẳng định: Mẫu xét nghiệm từ bệnh nhi Tài Tiền (6 tuổi, TP.HCM) cho kết quả  dương tính với amip ăn não Naegleriafowleri. Amip này đã tồn tại trong não bé với thời gian khá lâu, khoảng ít nhất 1 tháng. Amip này  tấn công phần não trắng và phần chất xám. Vùng áp xe ngả vàng.

Tuy nhiên, nhận định này rất khác với những ý kiến của các chuyên gia.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP. HCM cho rằng: Các tài liệu của thế giới ghi nhận trên những bệnh nhân bị amip ăn não, thời gian ủ bệnh từ 1 đến 7 ngày và bệnh nhân thường sống không quá 12 ngày.

Triệu chứng lâm sàng chính của bệnh thường là sốt nhẹ, đau đầu, cứng cổ. Vào thời kỳ cuối, khi não người bệnh đã bị phá hủy nghiêm trọng, bệnh nhân có triệu chứng tâm thần, thay đổi hành vi, có ảo giác rồi tử vong. Bệnh thường tiến triển nhanh trong vòng dưới 2 tuần.

Trao đổi với báo giới, bác sĩ Nguyễn Võ Hinh (Nguyên là Giámđốc Trung tâm Phòng chống sốt rét ký sinh trùng, côn trùng Thừa Thiên Huế) khẳng định: Qua hai trường hợp tử vong đã nêu trên, đối chiếu với bệnh lý lâm sàng ghi nhận  bệnh do loại amip Naegleria gây nên thường cấp tính.

Thời gian ủ bệnh khoảng từ 3 - 5 ngày, trong giai đoạn này thường có triệu chứng nhẹ của viêm đường hô hấp trên nên bệnh nhân ít khi chú ý đến.

Sau đó, bệnh khởi phát đột ngột, sốt cao từ 39 - 40đC; bị đau họng, ngạt mũi, nhức đầu dữ dội. Triệu chứng bệnh lý tiến triển nhanh sau từ 2 - 3 ngày rồi xuất hiện dấu hiệu viêm màng não và viêm não. Bệnh nhân trở nên lú lẫn, mất ý thức rồi đi vào hôn mê, co giật và liệt. Hậu quả của biến chứng là người bệnh tử vong trong vòng từ 4 - 7 ngày sau đó.

Triệu chứng bệnh lý trên lâm sàng khi nhiễm amip Naegleria fowleri diễn biến khá nhanh, có thể nhầm lẫn với bệnh lý viêm não - màng não do nhiễm các loại vi khuẩn hoặc vi nấm. Vì vậy, cần khai thác yếu tố dịch tễ có nguy cơ nhiễm bệnh một cách thận trọng, đồng thời nhất thiết phải thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng để giúp cho việc chẩn đoán xác định rõ ràng.

Còn bác sĩ Huỳnh Hồng Quang, viện Sốt rét ký sinh trùng, côn trùng Quy Nhơn thì phân tích: Ký sinh trùng ăn não người một khi chui vào não thông qua đường mũi sẽ nhanh chóng làm nạn nhân tử vong trong thời gian ngắn nhất.  

Naegleria fowleri nhiễm vào người thông qua mũi xoang, len lỏi dần đến tế bào thần kinh khứu giác để tìm đường xâm nhập vào não bộ vật chủ.

Nhiệt độ cao là yếu tố chính gây nên tình trạng viêm nhiễm lan rộng, vì loại ký sinh trùng này hoạt động mạnh trong điều kiện ao hồ ấm áp, tù đọng.

Naegleria fowleri có thể xâm nhập và tấn công vào hệ thần kinh trung ương. Mặc dù điều này hiếm khi xảy ra, song nhiễm trùng như thế thường dẫn đến kết quả là tử vong cho bệnh nhân. Tỷ lệ tử vong ước tính khoảng 98%.

Khi vào não, vi trùng bắt đầu phá hủy và ăn tế bào não từng phần một bằng cách dùng một dụng cụ hút kéo dài từ bề mặt tế bào rồi gây bệnh lý viêm não màng não.

Về triệu chứng bệnh, bác sĩ Hồng Quang nói: “Các triệu chứng khởi đầu của nhiễm trùng bắt đầu là 1-14 ngày kể từ khi phơi nhiễm mầm bệnh. Các triệu chứng ban đầu bao gồm nhức đầu, buồn nôn, nôn mửa, sốt, cứng cổ. 

Các triệu chứng thứ phát bao gồm lú lẫn, u ám, thiếu tập trung và xuất hiện cơn co giật. Sau khi các triệu chứng bắt đầu, diễn tiến bệnh nhanh chóng qua 3-7 ngày và có thể chết trong 7-14 ngày kể từ khi phơi nhiễm.

Ngày 12/8, bệnh nhi có tên Tài Tiền (6 tuổi, TP.HCM), được gia đình đưa vào Bệnh viện Quận 6 để chữa trị. Khi đến bệnh viện sức khỏe của bé rất yếu, ngưng tim, ngưng thở và các bác sĩ xác định bé đã tử vong.

Do nghi ngờ bé bị amip ăn não nên Trung tâm pháp y TP.HCM đã tiến hành giám định pháp y, giải phẫu bệnh và gửi mẫu đến Khoa nhiễm, Bệnh viện Nhiệt đới để xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm, đã cho kết quả dương tính với amip ăn não.

Bé trai dương tính với amip nhưng không phải do tắm sông, hồ… Trước đó, bé Tiền đã có tiền sử về căn bệnh động kinh, xuất huyết não sau sinh, chậm phát triển tâm thần vận động, trên bệnh nhân bị di chứng xuất huyết não, không thể tự vận động và phải nằm một chỗ.








Nguyễn Tâm

Bình luận
vtcnews.vn