Ama Kông - Huyền thoại đại ngàn

Thời sựThứ Hai, 05/11/2012 11:24:00 +07:00

Ama Kông được biết đến là chàng trai cao lớn, đa tài, dũng cảm như Đam San trong sử thi Tây Nguyên. Ông có tới 4 người vợ, 21 người con và gần 200 cháu, chắt.

Là người con của núi rừng Tây Nguyên, Ama Kông đã sống và cống hiến hết mình để trở thành một huyền thoại của đại ngàn. Ama Kông là người đã săn bắt, thuần dưỡng gần 300 con voi và là tác giả của thang thuốc nổi tiếng mang tên ông.

Đa tài, đa tình

Cuối tháng 4-2012, chúng tôi tới thăm ông Ama Kông trong căn nhà sàn 130 năm tuổi ở Trung tâm Khu Du lịch Bản Đôn, huyện Buôn Đôn - Đắk Lắk. Lúc đó, gia đình Ama Kông cho biết ông đã bước sang tuổi 103, yếu đi nhiều, ăn rất ít và phải truyền nước biển thường xuyên.

Căn nhà sàn nơi ông sống những ngày cuối đời được Trung tâm Khu du lịch Bản Đôn chọn làm điểm tham quan và tìm hiểu nghề săn bắt, thuần dưỡng voi rừng. Vào thời điểm Ama Kông ở tuổi 80, ông là một hướng dẫn viên du lịch, chuyên thuyết trình những chuyến săn voi kỳ thú của mình cho du khách.

Ama Kông trong một lần được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến thăm (Ảnh do gia đình cung cấp) 

Vốn là người theo học trường Tây, Ama Kông khiến những đoàn khách người Pháp đến Bản Đôn thực sự bị lôi cuốn khi nghe ông tự thuật bằng tiếng Pháp.

Ama Kông được biết đến là một chàng trai cao lớn, đa tài và dũng cảm như Đam San trong sử thi Tây Nguyên. Ông có tới 4 người vợ, 21 người con và gần 200 cháu, chắt. Người vợ đầu của ông là bà H’Nô - nổi tiếng xinh đẹp và tháo vát.

Năm 1941, sau khi sinh được 2 người con, bà H’Nô mất, theo tục nối dây, em gái của bà là H’Hốt về làm vợ Ama Kông. Năm 1973, Ama Kông và bà H’Hốt chia tay. Không lâu sau, Ama Kông lấy vợ thứ 3 là H’Biai và 2 người ở với nhau được gần 10 năm thì bà qua đời vì bệnh tật.

Tưởng rằng từ đây Ama Kông sẽ ở vậy nhưng trong một lần ngao du trên lưng voi, ông làm quen với một thiếu nữ tên Hồng Khăm và lễ cưới của 2 người đã diễn ra linh đình sau đó. Lúc này, ông Ama Kông đã ngoài 80, còn Hồng Khăm mới 25 tuổi. Tuy nhiên, cuộc tình của 2 người cũng chỉ kéo dài đến năm 2009 thì chia tay, ông Ama Kông trở về căn nhà sàn cổ dưỡng bệnh và sống những ngày cuối đời.

Người tân thời

Những năm 50, 60 của thế kỷ trước, trong khi người đồng bào M’nông và Ê-đê ở Bản Đôn (nay là huyện Buôn Đôn) còn sinh hoạt theo hướng tự cung, tự cấp thì Ama Kông đã vượt qua những ngọn núi để đến với thế giới văn minh.

Trong khi người dân Bản Đôn còn đóng khố, Ama Kông đã diện đồ Tây, thắt cà vạt và đi giày lịch lãm. Ông từng ngồi voi băng rừng, vượt núi xuống Buôn Ma Thuột để rước thợ về tận Bản Đôn chụp ảnh cho bà con dòng tộc. Bây giờ, trong căn nhà sàn cổ kính vẫn còn lưu giữ và trưng bày một số bức ảnh đen trắng của ông.

Đầu năm 1960, Ama Kông đã mua một chiếc xe Jeep để đi lại giữa Bản Đôn và Buôn Ma Thuột. Trong lần lái xe xuống Buôn Ma Thuột, vì đường sá gồ ghề, chiếc xe đâm vào một gốc cây lớn nên hỏng nặng.

Sau đó, Ama Kông đem xe về tháo lốp, đóng thành dép cao su và lấy xăm thổi hơi vào cho bộ đội vượt sông Sêrêpôk đánh giặc.

Ama Kông cũng từng xuống Buôn Ma Thuột học trường Tây nhưng chỉ đến lớp 4 thì bỏ về Bản Đôn. Lý giải điều này, nhiều người cho rằng ông ham thích phiêu bạt, hoang dã nên không theo được sự nghiêm khắc của nhà trường.

Điều này càng được minh chứng khi vào những năm 1960, Ama Kông đã bỏ ra số tiền đủ làm hàng chục căn nhà bằng gỗ tốt để nhiều lần đi máy bay xuống Sài Gòn ngao du. “Ama Kông ào ào như thác đổ, hào hoa lãng tử và tân thời nhất Bản Đôn thời đó” - ông Ây Nô, già làng buôn Trí A, nhận xét.
 Tang lễ tổ chức trong 4 ngày

Ama Kông tức là “bố thằng Kông”, tên gọi thông thường sau khi ông sinh con trai đầu lòng là Y Kông - theo phong tục của người M’nông gốc Lào. Ông Ama Kông tên khai sinh là Y Prông Êban, sinh ngày 28-11-1909 và từ trần lúc 2 giờ ngày 3-11 tại nhà riêng ở buôn Trí A, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn - Đắk Lắk, thọ 103 tuổi.

Ama Su May, con trai của ông Ama Kông, cho biết ông bị thủng dạ dày gây viêm phúc mạc, nhiễm trùng ổ bụng và được phẫu thuật điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đắk Lắk. Khoảng 2 giờ ngày 3-11, Ama Kông trút hơi thở cuối cùng tại ngôi nhà sàn cổ nơi ông sinh ra và lớn lên. Gia đình quyết định tổ chức tang lễ ông trong 4 ngày, theo phong tục địa phương.

Theo NLĐ
Bình luận
vtcnews.vn