Ẩm thực Việt: Bữa cơm gia đình và 4 nét đặc trưng đậm văn hóa phương Đông

ChấtThứ Tư, 14/04/2021 20:30:00 +07:00

Ẩm thực của người Việt không chỉ là những món ăn, công thức chế biến mà đây là một nét văn hóa đậm chất Đông phương.

Đối với nhiều dân tộc, quốc gia, ẩm thực không chỉ là nét văn hóa về vật chất mà còn về tinh thần. Qua ẩm thực người ta có thể hiểu được con người, trình độ văn hóa của dân tộc với những đạo lý, phép tắc, phong tục trong cách ăn uống…

Ẩm thực Việt Nam mang đậm nét văn hóa truyền thống của phương Đông được thể hiện qua 4 đặc điểm dưới đây:

Mâm cơm

Ẩm thực Việt: Bữa cơm gia đình và 4 nét đặc trưng đậm văn hóa phương Đông - 1

 

Trong bữa cơm, cả nhà sum họp, nói chuyện về đời sống, cùng chia sẻ với nhau những niềm vui, nỗi buồn trong ngày. Việc bố trí các món ăn có tính thẩm mỹ thường ít được chú ý mà cơ bản vẫn chú ý đến chất lượng, số lượng món ăn. Người ta thường khen “mâm cơm đầy tú ụ, thịt cá ê hề” chứ ít khi khen mâm cơm đẹp.

Tính thẩm mỹ chỉ được đầu tư khi gia đình làm mâm cỗ. Tuy nhiên, ngày nay, nhiều gia đình không còn dùng mâm mà dùng bàn ăn. Tính thẩm mỹ cũng từng bước được chú trọng. Một điều đặc biệt nữa là mâm cơm gia đình người Việt tất cả các món đều được dọn ra cùng một lần, khác với một số nơi, dọn dần từng món.

2. Vị trí ngồi

Ẩm thực Việt: Bữa cơm gia đình và 4 nét đặc trưng đậm văn hóa phương Đông - 2

 

Mâm cơm trong bữa ăn gia đình có hình tròn, tượng trưng tinh thần bình đẳng vì mỗi vị trí trên vòng tròn đều ngang nhau, không có chỗ trên, chỗ dưới, chỗ trước, chỗ sau.Tuy nhiên, bên mâm cơm ấy vẫn có những vị trí trang trọng, thuận lợi khi ăn. Vì thế, khi ăn, những vị trí này thường được nhường cho ông, bà, cha mẹ… con cháu phải ngồi ở vị trí khác để xới cơm, phục vụ thức ăn. 

Trong bữa ăn gia đình Việt Nam, người già và trẻ em thường được đặc biệt quan tâm. Khi xới bát cơm mời bố mẹ già, người con dâu trong nhà thường chọn phần cơm mềm, dẻo, không bao giờ đơm miếng cháy vào bát các cụ. Thậm chí ngày xưa, ông, bà và bố có khi còn ngồi riêng một mâm ở nhà trên, mẹ và các con, cháu ngồi mâm ở dưới nhà bếp.

3. Lời mời

Ẩm thực Việt: Bữa cơm gia đình và 4 nét đặc trưng đậm văn hóa phương Đông - 3

 

Theo tục lệ xưa, khi ngồi vào mâm cơm, trước khi bưng bát, cầm đũa thì phải “mời cơm”, người ít tuổi mời những người nhiều tuổi hơn. Sau khi mời xong rồi, người lớn tuổi nhất cầm chén lên thì những người khác mới cầm chén đũa của mình lên ăn. 

4. Nói năng trong bữa ăn

Ẩm thực Việt: Bữa cơm gia đình và 4 nét đặc trưng đậm văn hóa phương Đông - 4

 

Bữa ăn của người Việt là dịp quan trọng để các thành viên trong gia đình tụ họp, trao đổi, thể hiện tình cảm. Vì vậy, rất nhiều kiến thức về đời sống, họ tộc, lễ nghĩa được ông, bà, cha, mẹ truyền dạy cho con cháu qua bữa cơm.

Nhiều tâm tình giữa các thành viên cũng được thể hiện tại bữa cơm. Chính vì vậy, nhiều người đến gần cuối cuộc đời vẫn nhớ lời dạy bảo, tâm sự của các thành viên trong gia đình qua các bữa cơm. 

Mặt khác, trong bữa ăn gia đình phải tránh quở trách, nhắc nhở những khuyết điểm, không cãi nhau, không nên nói những chuyện gây sốc, nặng nề… Mọi người chỉ nói về những chuyện vui vẻ, những dự định tương lai và thể hiện tình cảm quan tâm, chia sẻ, động viên với những thành viên khác trong gia đình.

Rachel Phạm(Tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn