Air Mekong đứa con 'nặng nợ' của đại gia địa ốc BIM Group

Kinh tếThứ Hai, 12/01/2015 07:08:00 +07:00

Được "chống lưng" bởi đại gia BIM Group, nhưng sếu đầu đỏ Air Mekong vẫn phải ngừng bay và trở thành đứa con "nặng nợ" đối với đại gia này.

(VTC News) - Được "chống lưng" bởi đại gia BIM Group, nhưng sếu đầu đỏ Air Mekong vẫn phải ngừng bay và trở thành đứa con "nặng nợ" đối với đại gia này.

Hãng hàng không Air Mekong được hình thành từ nhiều nhà đầu tư Việt Nam mà đại diện là Công ty đầu tư phát triển sản xuất Hạ Long (Kiên Giang).

Air Mekong đứa con 'nặng nợ' của đại gia địa ốc BIM Group
Air Mekong đứa con 'nặng nợ' của đại gia địa ốc BIM Group 
Theo đề án ban đầu, hãng có tên là Phú Quốc Air, được Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập theo đề nghị của Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang.


Tuy nhiên, đến tháng 10/2008, trên giấy phép chính thức thành lập mang tên Công ty Cổ phần Hàng không Mê Kông, tên giao dịch là Mekong Aviation Joint Stock Company, với vốn điều lệ là 200 tỷ đồng.

Công ty Cổ phần Hàng không Mê Kông là một đơn vị trực thuộc Tập đoàn BIM, ông Đoàn Quốc Việt - Chủ tịch Hội Đồng Quản Trị kiêm Tổng Giám Đốc tập đoàn BIM cũng là Chủ tịch của hàng hàng không Mê Kông.

Ông Đoàn Quốc Việt là một doanh nhân từng thành công trong lĩnh vực kinh doanh nhà hàng, khách sạn và thương mại dịch vụ tại Ba Lan.

Theo thông tin trong bài viết trên Forbes vào hồi tháng 3/2013, khi còn trẻ và chưa là một doanh nhân, ông Việt từng làm nghề chụp và làm ảnh để vượt qua những khó khăn của thời bao cấp. Khi đó, ông từng "hết một cuộn phim đủ ăn một tuần".

Nhưng khi đã là doanh nhân thành đạt, ông từng "buồn mất một tuần" khi chứng kiến một tiệc rượu trong đó 15 người uống hết 20 chai rượu ngoại, mỗi chai 1.600 USD.

Hành trình doanh nhân của ông bắt đầu từ việc buôn bán máy tính tại Ba Lan và Nga, để rồi từ những đồng vốn tích cóp được ở nước ngoài, ông quay về đầu tư vào Việt Nam, phát triển BIM thành một trong những tập đoàn tư nhân khá nổi tiếng tại miền Bắc.

Năm 1994, ông quay trở về Việt Nam để sinh sống và kinh doanh. Trong một lần về nước, đi du lịch ở Hạ Long, ông cùng với vài người bạn loay hoay mãi không tìm được khách sạn như ý. Chính vì thế, ông đã quyết định đầu tư vào lĩnh vực này và thay vì chọn địa điểm đầu tư là Hà Nội hay TP.HCM, ông Việt chọn điểm đến cho mình là Quảng Ninh. Dự án đầu tiên được ông thực hiện là khách sạn tư nhân 4 sao Hạ Long Plaza.

Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Sản xuất Hạ Long (BIM Group) do ông Việt làm chủ tịch có trụ sở chính tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, là công ty tư nhân được thành lập vào năm 1994.

Theo website của công ty này, BIM có nhiều công ty thành viên và công ty liên kết hoạt động trên các lĩnh vực như phát triển và quản lý bất động sản, dịch vụ trong ngành du lịch, nuôi trồng thủy sản, sản xuất muối và vận tải.

Bên cạnh Air Mekong, hệ thống BIM còn có BIM Seafood, zpizza, Halong Plaza Hotel, Halong Marine Plaza, Halong Marina, Syrena Tower, Muối Ninh Thuận...

BIM đã và đang phát triển nhiều dự án bất động sản tại Việt Nam và Lào với nhiều dự án như Tòa tháp Syrena Hà Nội, Khu căn hộ cao cấp cho thuê Fraser Suites Hà Nội, Khách sạn Hạ Long Plaza, Khu đô thị du lịch Halong Marina, Khu chung cư Green Bay, Tổ hợp Thương mại và Giải trí Hạ Long Marine Plaza, Khu du lịch mới Phú Quốc, Khu tổ hợp thương mại - khách sạn 5 sao Crowne Plaza Vientaine (Lào), Khu đô thị bờ biển Rạch Giá, Khu liên hợp Bệnh viện Quốc tế Hà Đông...

Ngoài ra, hồi năm 2010, BIM cũng là một cổ đông lớn của Ngân hàng TMCP Sài Gòn-Hà Nội (SHB) khi sở hữu hơn 16 triệu cổ phiếu SHB, tương đương 4,6% cổ phần của Ngân hàng SHB. Sau đó thì không còn thông tin về sở hữu của BIM tại SHB.

Theo số liệu của Trung tâm thông tin tín dụng, năm 2011, BIM Group đạt 968 tỷ đồng doanh thu thuần và 816 tỷ đồng LNST. Tổng tài sản và vốn chủ sở hữu lần lượt là hơn 5.000 tỷ và gần 2.200 tỷ đồng.

Tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu và lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu lần lượt là 84,3% và 37,73%.

Những con số trên cho thấy BIM Group là một doanh nghiệp có quy mô lớn và kết quả kinh doanh khá ấn tượng.

Chính vì vậy, việc BIM "chống lưng" cho hàng hàng không Air Mekong dường như được nhiều người kỳ vọng về sự phát triển bền vững cho một hàng hàng không giá rẻ tại Việt Nam.

Trong một bài trả lời phỏng vấn trên VnEconomy khi Air Mekong mới bắt đầu bay, ông Việt cho rằng đầu tư sang hàng không là quyết định khá mạo hiểm, nhưng sự mạo hiểm đó "nằm trong khả năng của mình". "Khi quyết định mở hướng sang hàng không, tôi đã xây dựng Air Mekong với những bước đi phù hợp với sự phát triển của thị trường và phù hợp với sức lực của mình", ông nói.

Tuy nhiên, có lẽ vì quá mạo hiểm như ông Việt nhận định ban đầu, đến tháng 2/2013, sau một đêm thức trắng, ông Việt đã buộc phải đưa ra quyết định ngừng bay đối với hãng hàng không này.

Sau khi ngừng bay, ông Việt cũng trở nên khá kín tiếng với truyền thông. Đầu tháng 3/2013, ông Việt quyết định trải lòng trên tạp chí Forbes Việt Nam về quyết định ngừng bay này.

Bài viết cũng cho hay ông Việt không công bố mức lỗ của Air Mekong cũng như các khoản nợ mà BIM phải gánh cho hãng hàng không này, nhưng nói rằng kinh doanh Air Mekong giống như "đốt tiền".

Hiện tại, BIM đang tiến hành tái cấu trúc lại mô hình công ty, tiến tới phát hành cổ phiếu ra công chúng thông qua đấu giá. Ngoài Air Mekong, BIM đã và đang đầu tư cả vào bất động sản, nuôi trồng thủy sản, làm muối...

Còn trên website của BIM Group - cổ đông chính của Air Mekong - cũng không hề còn một câu chữ nào đả động đến đứa con “nặng nợ” này, trong cả phần giới thiệu, lĩnh vực đầu tư lẫn tin tức.

Lĩnh vực đầu của BIM được mô tả gồm có 3 mảng chính Lương thực – Thực phẩm, Bất động sản, Thương mại dịch vụ, không hề đả động đến lĩnh vực vận tải như từng có trước đây. Rõ ràng là một sự biến mất khó hiểu khi trước đây thông tin hình ảnh về Air Mekong hiện diện rất nhiều ở nơi đây.

Dường như dù rất thành công ở nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau, nhưng đối với hàng không, BIM Group vẫn phải chấp nhận từ bỏ đứa con "nặng nợ" này.

Châu Anh
Bình luận
vtcnews.vn