Ai sẽ soán ngôi vương 'kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới' của Trung Quốc?

Kinh tếThứ Hai, 30/11/2015 06:56:00 +07:00

"ngôi vị" quốc gia có nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới của Trung Quốc sẽ phải nhường lại cho một quốc gia khác.

(VTC News) - Tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc đã bắt đầu chậm lại trong những năm gần đây, đồng nghĩa với việc "ngôi vị" quốc gia có nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới sẽ phải nhường lại cho một quốc gia khác.

Theo Business Insider đánh giá, quốc gia hiện đang có nền kinh tế phát triển với tốc độ "vượt mặt" cả Trung Quốc không ai khác lại chính là Ấn Độ.

Trung Quốc và Ấn Độ hiện nay đang là hai nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới và được xếp top 10 nền kinh tế lớn nhất hành tinh.
    
Đây cũng là quê hương của khoảng 20% dân số của cả thế giới. Chưa kể bản thân hai quốc gia này còn là những đối tác thương mại lớn của cả thế giới với tổng kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu chiếm 40% - 50% GDP toàn cầu.

Tuy nhiên, sự phát triển giữa hai quốc gia này vẫn có sự khác biệt lớn mà theo phân tích của Business Insider bao gồm có năm điểm: một là triển vọng tăng trưởng, hai là dân số, ba là thành phần kinh tế, bốn là chính trị, và cuối cùng là những rủi ro mỗi quốc gia đang phải đối mặt.

Chính những sự khác biệt này cũng đã giúp cho Ấn Độ nhanh chóng soán ngôi vị "quốc gia có nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới" của Trung Quốc và trở thành một điểm sáng trong mắt các nhà đầu tư.

Về triển vọng tăng trưởng, hai nền kinh tế đang có tốc độ tăng trưởng theo quỹ đạo khác nhau. Ấn Độ đang có tốc độ tăng trưởng nhanh dần, trong khi của Trung Quốc đang chậm lại.
Tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc và Ấn Độ trong những năm qua và dự báo trong những năm tới
Tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc và Ấn Độ trong những năm qua và dự báo trong những năm tới 
Tốc độ tăng trưởng của Ấn Độ còn được dự báo có thể vượt Trung Quốc trong nhiều năm tới. Theo IMF, GDP của Trung Quốc dự báo sẽ chậm lại, tụt từ 6,8% trong năm 2015 về mức 6,3% trong năm 2016.

Trong khi đó, IMF dự báo tốc độ tăng trưởng của Ấn Độ trong năm 2015 sẽ đạt khoảng 7,3%, dự kiến đạt 7,5% trong năm 2016 và sẽ tiếp tục tăng lên 7,7% vào năm 2020.

Dù Trung Quốc và Ấn Độ là "ngôi nhà" của khoảng 20% dân số thế giới, nhưng dân số của Ấn Độ là dân số trẻ và đang phát triển, không giống như ở Trung Quốc.

Cụ thể, tỷ lệ sinh ở Ấn Độ là 2,5 con/phụ nữ thì ở Trung Quốc là 1,5 con/phụ nữ, độ tuổi trung bình của Ấn Độ là 27 còn của Trung Quốc là 37.
Dân số trong độ tuổi lao động của Trung Quốc và Ấn Độ
So sánh và dự báo dân số trong độ tuổi lao động của Trung Quốc và Ấn Độ từ 2001 - 2049
Dân số trong độ tuổi lao động của Ấn Độ (tuổi từ 15 - 64), theo dự tính của Ngân hàng Thế giới sẽ tiếp tục tăng và vượt con số này của Trung Quốc, khi mà dân số trong độ tuổi lao động của Trung Quốc đang bị thu hẹp trong khoảng 10 năm trở lại đây.

Theo Business Insider, sự khác biệt về tăng trưởng kinh tế giữa Trung Quốc và Ấn Độ có thể thấy được rõ nhất trong thành phần kinh tế của hai quốc gia này.

Tăng trưởng của Trung Quốc đã chậm lại khi nước này chuyển từ một nền kinh tế tập trung vào sản xuất định hướng xuất khẩu và đầu tư cơ sở hạ tầng sang một nền kinh tế định hướng dịch vụ và tiêu dùng.

Trong khi đó ngược lại, Ấn Độ lại là một nền kinh tế định hướng dịch vụ và tiêu dùng đang tìm đến bước tiếp theo để tăng đầu tư về cơ sở hạ tầng và tăng sản lượng sản xuất.

Quá trình chuyển đổi kinh tế của Trung Quốc đã tạo ra sự gần cân bằng giữa các ngành, với dịch vụ chiếm 48% GDP còn sản xuất ở mức 43% GDP (phần còn lại là của ngành nông nghiệp).

Ngược lại, khu vực dịch vụ của Ấn Độ là khoảng 53% GDP còn lĩnh vực sản xuất là 30% GDP, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới.

Điều này giúp cho khi Ấn Độ sụt giảm mạnh về sản xuất cũng không tạo ra tác động quá mạnh đến toàn thế giới nói chung và Trung Quốc nói riêng.
Ấn Độ đang trong giai đoạn phát triển kinh tế bằng gia tăng đầu tư về cơ sở hạ tầng và tăng sản lượng sản xuất - Ảnh minh họa
Một điểm khác biệt nữa là về mặt chính trị, chính phủ Ấn Độ đang có những hành động và chính sách thúc đẩy tăng trưởng một cách rõ rệt.

Trong đó có việc Thủ tướng Modi tập trung vào cải cách nhằm đơn giản hóa các thủ tục, tạo môi trường kinh doanh thân thiện hơn với các doanh nghiệp nước ngoài, phát triển hạ tầng của quốc gia và xây dựng một lực lượng lao động được đào tạo.

Tuy nhiên, theo Business Insider, cuộc bầu cử đa đảng tại quốc gia này có thể khiến cho công cuộc cải cách của Thủ tướng Modi sẽ gặp phải "nguy hiểm" rất lớn, nếu như ông không còn được tín nhiệm và được bầu chọn cho nhiệm kỳ tiếp theo.

Về mặt rủi ro trong tăng trưởng kinh tế, Business Insider cũng đánh giá, rủi ro lớn nhất của Trung Quốc hiện nay đang gặp phải chủ yếu xuất phát từ sự phụ thuộc nhất định của hàng hóa sản xuất vào nhu cầu của toàn cầu.

Điều này khiến cho những nỗ lực của nước này nhằm vực dậy tăng trưởng dường như không mang lại được sự cải thiện nào, khi mà nhu cầu toàn cầu đang sụt giảm trong bối cảnh suy thoái kinh tế nặng nề.

Ngược lại, với Ấn Độ, rủi ro lại nằm ngay chính bên trong đất nước, bởi nền kinh tế của họ phụ thuộc nhiều vào chi tiêu, tiêu dùng của người dân, hơn là vào nhu cầu xuất khẩu ra nước ngoài.

Cụ thể, rủi ro lớn nhất mà quốc gia này đang phải đối mặt chính là thời tiết, khi mà có thể thấy nơi đây đã có hai năm ròng liên tiếp hạn hán kéo dài.


Trong khi đó, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, 47% việc làm ở Ấn Độ là trong ngành nông nghiệp, nên thời tiết xấu chắc chắn sẽ khiến cho công việc và thu nhập của người dân bị ảnh hưởng, kéo theo giảm tăng trưởng trong chi tiêu tiêu dùng.

Tốc độ phát triển kinh tế của Ấn Độ tăng dần đã vẽ nên một viễn cảnh kinh tế toàn cầu sáng sủa hơn, mặc dù tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc đã chậm lại.

Trong ngắn hạn, việc cắt giảm lãi suất của các ngân hàng trung ương kết hợp với đầu tư cơ sở hạ tầng của chính phủ Ấn Độ đang góp phần rất lớn trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên về dài hạn, để tiếp tục là quốc gia có nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, đòi hỏi quốc gia này cần phải khống chế được lạm phát, nỗ lực cải cách kinh tế mạnh mẽ hơn, và quan trọng là phải cải thiện được điều kiện khô hạn để tiếp tục giữ được đà tăng trưởng mạnh nhất trong số các nền kinh tế của thế giới.


Huyền Trân

Bình luận
vtcnews.vn